Năm 20, ông Ngô Xuân Thung lên đường nhập ngũ và tham gia nhiều trận đánh ác liệt ở chiến trường Quảng Trị. Năm 1978, ông phục viên về quê và lấy vợ. Một năm sau, ông bà sinh con gái đầu Ngô Thị Mai, năm 1985 đứa con trai kháu khỉnh Ngô Xuân Long ra đời.
Bà Nhung và đứa con gái bị xích ở đầu giường.
Mai học lớp cấp 1 thì bỗng có những biểu hiện của người bị thần kinh: Nói lảm nhảm, lên cơn đau đầu rồi cào cấu những người xung quanh. Gia đình đã đưa đi điều trị nhưng vô vọng. Bác sĩ nói chất độc màu da cam đã ngấm vào da thịt thì đành phải chấp nhận sống chung với nó. Hi vọng dồn hết vào người con trai thứ hai nhưng học hết cấp hai thì Long bắt đầu có biểu hiện điên khùng, chạy đi lung tung. Đêm đến, đợi mọi người đi ngủ, Long bỏ nhà ra đi. Gia đình đã đi tìm nhưng không có tin tức. Khi trở về nhà, Long thường xuyên lên cơn, kêu gào suốt ngày đêm khiến cho hàng xóm không sao ngủ yên được. Đem con đi bệnh viện khắp nơi từ Hà Nội đến Sài Gòn chữa trị nhưng mỗi lần đi lại thêm một lần thất vọng.
Hai chân Long càng ngày càng teo tóp lại, bị co rút dần. Ban đầu, Long kiễng đi bằng 10 đầu ngón chân, nhưng sau đó thì không đi được nữa. Bao nhiêu tiền của, gà lợn nuôi được đều dồn vào chữa bệnh cho con. Để con khỏi đi lung tung, bà Nhung đã phải cắn răng xích đứa con gái vào đuôi giường và xích thằng em vào một góc nhà. Từ khi biết con mang căn bệnh thần kinh phân liệt, hai vợ chồng ông bà phải cắt cử một người ở nhà trông con bởi hễ sơ ý là hai đứa lại bỏ đi. Ngày nào ông bà cũng phải đi tìm con, rồi thuê xích lô hay xe ôm chở về. Nhưng người ta cũng sợ, không dám chở. “Có hôm thấy thương con tôi thả chúng ra cho chạy nhảy không ngờ nó chạy đi luôn. Một tuần sau mới tìm về được. Tôi giờ già, sức yếu rồi không biết rồi đây ai sẽ chăm sóc chúng”, nói xong bà Nhung quay mặt khóc.
Đến năm 1997, ông Thung, trụ côt của gia đình cũng bắt đầu có dấu hiệu của bệnh điên, cứ nói lảm nhảm cả ngày, có khi bỏ đi cả tuần mà cũng không thấy về. Không khí trong nhà lúc nào cũng ảm đạm. Bà phải lo kiếm tiền rồi dọn vệ sinh, phục vụ cả ba bố con.
Trong nhà không có một vật dụng gì đáng giá, cả nhà chỉ trông vào 1 sào ruộng khoán và mấy con gà nuôi được nên cuộc sống của bà Nhung và gia đình ngày càng khó khăn. Từ khi cả chồng và con đều bị tâm thần, bà bán hết tài sản để lo chữa bệnh nhưng chẳng thấm vào đâu. Căn bệnh co thắt đại tràng hành hạ mỗi ngày khiến cho thân hình gầy gò của bà lại càng tiều tụy hơn. Thương chồng con, bà tranh thủ đi làm thuê, làm mướn có tiền mua chút thức ăn.
Tiếng đập phá, la hét, nghiến răng ken két và tiếng huýt sáo của người con đã hơn 25 năm qua bị mẹ xích lại trong căn phòng chưa đầy 3m2, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc trong căn phòng ẩm thấp, chật chội ấy đã làm cho chúng tôi không khỏi xót xa. Bà Nhung chia sẻ: “Có hôm đi tìm chồng về thì phân với nước tiểu đầy nhà. Nhiều khi tôi muốn chết quách cho xong nhưng nghĩ đến chồng con không ai chăm sóc, rồi chúng sẽ bị chết đói, tôi không cam lòng”.
Nhìn chúng bạn bằng tuổi con giờ đã có gia đình ổn định, con mình thì ngây ngô, điên dại cơm còn phải đút mà xót xa. Lạy trời cho tôi sức khỏe để chăm con, chứ nếu chết trước con, việc vệ sinh hàng ngày không ai có thể làm thay được”, bà Nhung nói, đoạn nước mắt tuôn trào.
Mọi sự giúp đỡ xin gửi về địa chỉ: Bà Võ Thị Nhung (SN 1950) ở xóm 1, Hưng Xá, Hưng Nguyên (Nghệ An). Hoặc: Báo Đời sống & Pháp luật tòa nhà A6, khu đô thị Nam Trung Yên, đường Phạm Hùng, Quận Cầu Giấy, Hà Nội. SĐT: 0462810837 (nhánh 24) hoặc số điện thoại đường dây nóng của chuyên mục Ước mơ thành sự thật: 0978080388. |
Hằng Hà