Trò chuyện với chúng tôi, anh Minh Nguyễn tự nhận mình là người đầu tiên đưa cây này vào Việt Nam mà thực chất là món quà khoảng chục cây do một người bạn Việt kiều tặng cách đây 10 năm. Dù là cây ngoại nhưng giống cây này sinh trưởng nhanh và rất thích hợp với khí hậu ở Việt Nam. Từ lúc ươm đến khi cho quả khoảng 3-4 năm.
Huyện Củ Chi, Hóc Môn, Q.9, TP.HCM có nhiều vườn ươm trồng cây “thần kỳ” để cung cấp cho thị trường, giá tại vườn có nhiều loại tùy theo cây lớn nhỏ. Cây có chiều cao trung bình từ 10-20 cm có giá 80.000 đồng, từ 25-35 cm là 120-180.000 đồng.
Nhiều người tìm mua "cây thần kỳ"
Cây đã ra hoa hoặc cho trái bói có giá từ 250-450.000 đồng, những cây đã cho trái ổn định ít nhất 1 triệu đồng/cây. Lượng cây tại những khu vườn này được người dân hiếu kì ở TP.HCM mua khá nhiều, vì đặc tính dễ chăm sóc, hầu như không có sâu bệnh và chỉ cần một chậu đất nhỏ, không chiếm nhiều diện tích, nó vẫn có thể phát triển và cho trái bình thường. Thân, lá và đặc biệt là quả của “cây thần kỳ” khi chín xum xuê và có màu đỏ tươi bắt mắt nên nó cũng được xếp vào dạng cây cảnh trồng cho đẹp. Chính vì thế, trên thị trường hiện nay loại cây này bán rất chạy và được người bán giới thiệu rất “kêu”, quảng cáo cây có nhiều tác dụng trong cuộc sống, rất nhiều công dụng được quảng cáo của loại cây này chưa hề được kiểm chứng.
Trao đổi PV Người đưa tin, anh Lợi chủ vườn trồng “cây thần kì” ở Q.9, TP.HCM cho biết hiện nay có rất nhiều nhà vườn trồng loại cây này. Mỗi ngày anh bán được khoảng 30 cây, thu khoảng 6 triệu đồng/ngày. Giá chênh lệch tùy theo người mua lấy cây với số lượng nhiều hay ít, nếu mua số lượng từ 20 cây trở lên các nhà vườn có thể giảm 20% so với giá cả ban đầu. Tuy là nhà vườn trồng “cây thần kỳ” nhưng anh và một số đồng nghiệp khác cũng chỉ biết cây này có tác dụng là khi ăn vào thì vị giác sẽ thay đổi, biến chua đắng thành ngọt, kể cả khi uống rượu bia vị giác vẫn cảm thấy ngọt như đường, còn công dụng khác như chữa bệnh, có tác dụng hạ đường huyết, trị được các bệnh đường ruột… thì chỉ nghe người ta nói chứ chưa biết rõ.
Chị Ngọc Thanh (ngụ tại Thủ Đức, TP.HCM) từng mua “trái thần kỳ” về sử dụng, vì nghe nhiều người nói quả thần kì có thể trị được bệnh đường ruột, sau nửa tháng dùng thử bệnh không hề thuyên giảm, chị cho biết trái này có lẽ không có tác dụng chữa bệnh. Một sinh viên tên Tuấn, học ở Đại học Ngân hàng TP.HCM sau khi dùng “trái thần kỳ” đã đi uống rượu cùng bạn bè. Tuấn uống rượu như uống nước lã, làm đám bạn phải một phen bất ngờ nhưng chỉ sau vài tua đã say khướt như mọi khi, tuy có sự trợ giúp của loại trái cây đánh lừa vị giác này nhưng tửu lượng của cậu sinh viên vẫn không thay đổi.
Những trường hợp như chị Ngọc Thanh và Tuấn không phải là hiếm. Đa số họ chỉ nghe tin đồn của số đông là loại trái cây này có tác dụng chữa bệnh, rất tốt cho sức khỏe nên mua về trồng và dùng thử. Chính vì tâm lí này mà loại cây này được bán rất chạy trên thị trường. Ngoài ra, “cây thần kỳ” cũng rất dễ trồng từ hạt, nên loại cây này ngày càng được phổ biến rộng rãi. Trong tương lai không xa, hi vọng các nhà nghiên cứu có thể cho biết thêm nhiều công dụng của loại quả xuất phát từ châu Phi này.
Theo tài liệu khoa học, "trái thần kỳ" chứa một chất có tên gọi là miraculin, hợp chất này thay đổi tính cảm thụ vị của các gai vị giác trên lưỡi sau khi nhấm nháp nó. Bởi vậy, khi tiếp xúc với các thực phẩm vốn có vị đắng (củ cải, khổ qua…) hay chua (chanh, cóc, khế…), tạm thời sẽ thấy chúng trở nên "ngọt ngào" hơn nhiều. Sau khoảng 30-60 phút thì chất này sẽ hết tác dụng, vị giác trở lại bình thường. |
Trung Nguyên