Hết sức khó khăn và tốn khá nhiều thời gian, chúng tôi mới tiếp cận được những người ăn xin trong các đường dây do một số đối tượng “dân xã hội” quản lý.
Đa phần, người ăn xin đều bị kẻ chăn dắt quản lý chặt chẽ, cấm tiếp xúc với người lạ. Thị Lanh (21 tuổi, quê một tỉnh miền Tây - tên nhân vật đã được thay đổi), một trong những phụ nữ bồng con nhỏ ăn xin ven tuyến đường Nguyễn Văn Linh (quận 7, TP.HCM) cho biết, ai không nghe lời đều bị “chủ” hành hung, chửi bới.
Cuộc nói chuyện giữa tôi và mẹ con Lanh kéo dài dưới mái hiên ngôi nhà bỏ hoang trên địa bàn huyện Bình Chánh, TP.HCM. Cơn mưa chiều bất chợt ập đến. Người Lanh ướt đẫm. Đứa con nhỏ (chừng 2 tuổi) của Lanh liên tục úp mặt vào ngực mẹ khóc vì đói và lạnh.
Không cầm được lòng, tôi mua lốc sữa của tiệm tạp hóa gần đó, đưa cho đứa nhỏ. Khi nhận quà cho con, Lanh gật đầu nói cảm ơn. Nhân cơ hội, tôi bắt chuyện, tìm hiểu về cuộc sống của những người ăn xin như Lanh.
Ban đầu, Lanh khá rụt rè, tỏ vẻ cảnh giác với người lạ. Tuy nhiên, sau nửa giờ nói chuyện bâng quơ, Lanh bắt đầu cảm thấy thoải mái và ngậm ngùi chia sẻ về cuộc đời mình.
Lanh cho biết, chị đưa con nhỏ lên TP.HCM mưu sinh bằng việc đi ăn xin đến nay mới được 4 tháng. Năm 2013, Lanh lấy chồng cùng quê. Hai vợ chồng sống bằng nghề phụ hồ. Thế nhưng, cuộc sống gia đình Lanh khó khăn hơn khi các miệng ăn chỉ trông chờ vào đồng lương lao động của anh chồng.
Đầu năm 2017, qua người quen giới thiệu, Lanh gặp D. (40 tuổi, ngụ TP.HCM). D. về tỉnh An Giang tuyển người làm phụ quán cơm, bán vé số, làm việc nhà,... tại TP.HCM. Nhân cơ hội, Lanh trình bày hoàn cảnh và mong muốn được lên TP.HCM làm việc. D. đồng ý và cho Lanh bồng theo con nhỏ.
Mẹ con Lanh cùng một nhóm người, chủ yếu trẻ em mồ côi, phụ nữ có con nhỏ được D. đón xe lên TP.HCM. Tại đây, cả nhóm được đưa vào một khu trọ thuộc xã Bình Hưng (huyện Bình Chánh).
Sau ít ngày, D. hướng dẫn Lanh và nhóm trẻ đi xin ăn ở các ngã tư đường, khu chợ, công viên... Hàng ngày, khoảng 7h sáng, cả nhóm được D. phát đồ ăn sáng. Người lớn được phát một hộp xôi, một chai nước lọc lấy sẵn từ nhà. Trẻ em được một bịch cháo và thêm một hộp sữa. Đến trưa, người của D. mang cơm hộp đến chỗ ăn xin phát cho cả nhóm.
Đến 20h, tất cả được người của D. rước về phòng trọ. Lanh cho biết, mỗi ngày, một nhóm như vậy xin được từ 300.000 đồng – 500.000 đồng.
Tuy nhiên, số tiền này đều bị D. “giữ hộ”. Cuối tháng, D. phát cho mỗi người 3 triệu đồng tiền lương. Số còn lại, D. “trừ vào tiền ăn ở”. Dù tiền lương thấp hơn nhiều lần so với số tiền xin được mỗi ngày, biết là bị ăn chặn, bóc lột nhưng những người ăn xin không dám đòi thêm.
Xem thêm kỳ trước:
Bài 1: Vòng luẩn quẩn của những phận đời sống vất vưởng trên hè phố
Bài 2: Hoạt động chăn dắt ăn xin ở Sài thành: Nuôi "chim mồi" để bóc lột tận xương
(Còn nữa)
Huệ Trần