Marlene có vẻ đẹp thuần khiết và quyến rũ của phụ nữ Đức và làm Hitler mê mẩn. Sau khi nhậm chức vào năm 1933, Hitler đã hy vọng Marlene sẽ trở về nước để “phục vụ”.
Năm 1936, Joseph Goebbels, Bộ trưởng bộ tuyên truyền Đức Quốc xã đã gặp Marlene tại Paris và đưa ra các điều kiện hấp dẫn hy vọng cô sẽ trở thành ngôi sao của Đế chế thứ 3.
Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Dietrich không ủng hộ việc làm của phát xít Đức mà ủng hộ quân đồng minh. Cô chuyển tới Mỹ và trở thành công dân nước này năm 1939, bỏ lại ngoài tai lời hứa hẹn, lôi kéo của Adolf Hitler hòng mong cô quay về.
Tại Mỹ, cô tích cực tham gia các hoạt động văn nghệ phục vụ quân đồng minh ngoài mặt trận. Thái độ ủng hộ đó của cô đã làm một nhóm người Đức thù ghét. Năm 1960, cô quay lại quê nhà trong một buổi hòa nhạc.
Nhiều người đã biểu tình trên đường phố với khẩu hiệu "Marlene Dietrich hãy cút về Mỹ". Lần đó cô rất buồn và thề sẽ không bao giờ quay trở lại Đức.
Tuy vậy, đến lúc sắp từ giã cõi đời, cô lại trăng trối muốn được chôn tại quê nhà sau khi bức tường Berlin sụp đổ. Và ước nguyện này đã được thực hiện.
Marlene từng nói với bạn bè rằng cô từ chối trở về Đức là vì không muốn làm người tuyên truyền cho Đế chế thứ 3, như vậy cô sẽ trở thành tội phạm của nhân loại. Lo lắng về sự lớn mạnh của chủ nghĩa phát xít, Marlene đã nói với Douglas Fairbanks, người tình Hollywood của mình về một kế hoạch vô cùng mạo hiểm đó là giết chết Hitler trên giường.
Trong ý định muốn ám sát Hitler của mình, Marlene Dietrich đã có kế hoạch trở về Đức và gặp Hitler ở trên giường. Vì ý thức được việc sẽ bị Hitler sờ soạng cơ thể và thậm chí là phải khỏa thân lên giường với hắn, Marlene sẽ chuẩn bị vũ khí cho mình là chiếc kẹp tóc có độc.
Tuy nhiên, mọi kế hoạch của Marlene Dietrich không thực hiện được vì sau đó cô đã không gặp được Hitler.
9 năm trước, tại thủ đô Berlin, lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Marlene Dietrich đã được tổ chức long trọng. Tổng thống của Đức khi đó là Johannes Rau đã thay mặt Berlin nói lời xin lỗi vì thời gian qua đã hắt hủi, coi Marlene Dietrich như kẻ phản bội đất nước.
Trong bài phát biểu của mình, ông Johannes Rau đã nói: "Cô ấy là một nghệ sĩ xuất chúng, một người dũng cảm đấu tranh không mệt mỏi cho tự do và dân chủ trong thời kỳ Đức quốc xã.
Vậy mà lại bị đón tiếp lạnh nhạt khi trở về thăm quê hương. Lẽ ra Berlin không nên làm như vậy. Chúng tôi mong nơi thiên đường, cô sẽ tha thứ và nhận lời xin lỗi của những người dân nơi đây".
Những năm cuối đời, Marlene Dietrich đã sống ẩn dật tại Paris và mất năm 1992.
Thủy Bình (Theo Zhongxin)