Chân dung tác giả Hoa sứ nhà nàng
Thời cực thịnh của nhạc Gò Công, khắp trong Nam ngoài Bắc, người yêu nhạc đổ xô tìm mua băng cassette nhạc Gò Công của nhạc sĩ Hoàng Phương. Những ca khúc viết về tình yêu, về biển của ông trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của đại đa số người yêu nhạc. Những ca khúc: Chuyện tình hoa muống biển, Biển tím, Chuyến xe Tiền Giang, Tình em quán Phượng,... đặc biệt là tình khúc Hoa sứ nhà nàng trở nên phổ biến đến độ hầu như ai cũng thuộc. Cho đến nay, những ca khúc trên của cố nhạc sĩ Hoàng Phương, người được giới nghệ sĩ cùng thời mệnh danh "Ông hoàng nhạc Gò Công" vẫn chinh phục tình yêu âm nhạc của người đời.
Anh Nguyễn Hoàng Tùng, người con trai duy nhất được thừa hưởng những tinh hoa của nhạc sĩ Hoàng Phương cho biết: "Mặc dù, ca khúc Hoa sứ nhà nàng của cha tôi hết sức phổ biến và được nhiều ca sĩ thể hiện thành công nhưng ít ai biết đó là sáng tác của ông. Không như những nhạc sĩ khác, cha không chọn lĩnh vực âm nhạc làm nghề nuôi thân mà chỉ xem đó như một thú chơi tao nhã, thỏa niềm đam mê. Và ông đã biến niềm đam mê đó của mình thành niềm đam mê của người khác khi góp phần đưa nhạc Gò Công đến đỉnh của nó vào những năm 80-90 của thế kỷ trước".
Theo lời anh, "ông hoàng" vốn xuất thân từ một gia đình có của ăn của để. Gia đình ông vốn không thích cậu con trai theo nghiệp cầm ca mà hướng cậu vào con đường thương nghiệp. Thế nhưng, những tháng năm ngồi trên ghế nhà trường, niềm đam mê âm nhạc dường đã lấn át con chữ trên những trang vở. Ông say đắm các nhạc khúc viết về quê hương vùng biển Gò Công. Cùng lúc ấy, như duyên trời đã định, khi còn đang theo học tại trường Nam Tiểu học Gò Công, cậu bé yêu nhạc đã vô tình được biết nhạc sĩ Lê Dinh. Để thỏa niềm đam mê âm nhạc, ông quyết định ghi danh học nhạc với vị nhạc sĩ tài ba nói trên. Từ đây, con đường đến với âm nhạc của cậu học trò trường làng đã tìm được lối dẫn.
Anh Hoàng Tùng giới thiệu những nhạc phẩm còn dở dang của nhạc sĩ Hoàng Phương (Ảnh: Hà Nguyễn)
Anh Hoàng Tùng kể lại: "Khi còn sống, cha tôi thường kể cho tôi nghe về những năm tháng đầu tiên ông đến với âm nhạc. Tôi còn nhớ ông kể rằng vào một mùa thu, trên con đường từ trường về nhà sau buổi học thêm, ông đã nghe tiếng đàn violon thoát ra từ cửa sổ trên tầng hai của ngôi nhà bên cạnh đường. Ai đó đang chơi bài Con thuyền không bến của Đặng Thế Phong. Những tiếng đàn, những nốt nhạc đó đã thôi thúc ông tiến đến gần hơn con đường âm nhạc". Sau đêm định mệnh trên, anh thanh niên Hoàng Phương dốc tiền mua cây violon và ghi danh, nhận nhạc sĩ Lê Dinh làm thầy.
Tuy nhiên, có lẽ cảm thấy mình thích hợp hơn với chất lãng tử, phiêu du của một anh du ca, Hoàng Phương quyết định chuyển sang học guitar. Những tháng ngày đắm mình trong các buổi trình diễn trước công chúng, trong những lần cắm trại hay họp mặt bạn bè, nhạc sĩ Hoàng Phương luyện thêm chất giọng, chắt lọc thêm ca từ, điệu nhạc cho các ca khúc của mình. Đam mê, say đắm với âm nhạc một cách kỳ lạ nhưng người nhạc sĩ miệt vườn tài danh chưa một lần chọn con đường âm nhạc làm nghề nuôi thân. Anh Hoàng Tùng chia sẻ: "Cha tôi không lấy việc viết nhạc làm nghề nuôi thân. Thế nên, khi từ giã ghế nhà trường, ông về nhà mở tiệm sửa đồng hồ và sau này chuyển sang buôn bán ở hai tiệm vàng Kim Hoàng và Toàn Tân".
Tuy nhiên, tình yêu dành cho âm nhạc của ông vẫn không một ngày nguôi ngoai. Từ những sáng tác đầu tay, các tình khúc chất chứa tình yêu đời, yêu người, yêu quê hương, yêu biển của ông lần lượt ra đời. Đặc biệt, rất nhiều tình khúc của ông được lấy cảm hứng từ chính những mối tình của tác giả.
Tình khúc từ những mối tình chân thật
Năm 1968 đánh dấu sự chuyển mình của anh du ca lãng tử khi Hoàng Phương lên Sài Gòn tham gia vào ban nhạc cùng Vinh Sử, Quốc Dũng, Lê Hựu Hà. Cũng chính năm này, ông sáng tác đứa con tinh thần đầu tiên và cũng là ánh sao thắp sáng mãi tên tuổi của người nhạc sĩ - nhạc phẩm Hoa sứ nhà nàng. Những ca từ, xúc cảm về một mối tình dở dang nhanh chóng chiếm được cảm tình thính giả. Anh Hoàng Tùng cho biết: "Nhạc của cha tôi đến từ những tình cảm chân thật, chân chất của một con tim yêu đời, yêu quê hương nồng cháy. Đặc biệt là tình khúc. Hầu như, những tình khúc của ông đều là những chuyện tình có thật của ông ngoài đời. Sinh thời, nhiều chú bác là những nhạc sĩ nổi tiếng cùng thời cho rằng ca khúc Hoa sứ nhà nàng xuất phát từ mối tình thật của ông. Tuy nhiên, về chuyện này, tôi không nghe ông khẳng định. Là phận con, tôi cũng không dám nhiều lời".
Theo anh, một trong nhiều tình khúc khác cũng xuất phát từ các mối tình của ông là nhạc phẩm Chiếc cầu chiều mưa. "Nhạc khúc này tôi được biết là khi ông với người tình của mình đi cùng một chiếc cầu trong chiều mưa. Mưa, cầu trơn, hai người ngã nhào. Thế mà ông lại lấy cảm hứng từ kỷ niệm ấy viết nên ca khúc trên", anh Tùng cho biết thêm. Ngoài những nhạc phẩm trên, theo anh Hoàng Tùng, rất nhiều ca khúc khác được ông sáng tác dựa trên những xúc cảm chân thật từ những mối tình của mình. Anh chia sẻ: "Sinh thời, cha tôi tính tình phóng khoáng lại hào hoa, lãng tử nên cũng rất đa tình. Và những mối tình ấy đã chắp thêm cánh cho những sáng tác trong mảng đề tài tình yêu đôi lứa của ông".
Tuy nhiên, ngoài ngợi ca tình yêu lứa đôi trong sáng với những cung bậc rất riêng, nhạc sỹ Hoàng Phương còn có một tình yêu đặc biệt với quê hương Gò Công, với biển. Năm 1986 đánh dấu sự trở lại của Hoàng Phương, đưa ông lên ngai vàng ông hoàng nhạc Gò Công với những nhạc phẩm: Trưa hè trên bãi biển; Chung một dòng sông; Gò Công hồng trang sử; Biển thức; Về nông trường Phú Đông; Tiếng chim mùa xuân; Nhà em đó bên kia sông; Biển Gò Công khi em đến; Chiều xuân qua thị trấn Gò Công; Ánh mắt quê hương; Khung trời quê; Khúc Cachiusa hát ở bên sông Tiền; Mỹ Tho thành phố cội nguồn; Mẹ Gò Công; Biển tím; Khung trời quê...
Anh Hoàng Tùng chia sẻ: "Năm đó, bộ Văn hóa cho lưu hành bản Hoa sứ nhà nàng của cha tôi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nghe đứa con tinh thần của mình được phát công khai, ông sướng run người. Như dòng sông được khơi lòng, ông lao vào sáng tác, hồ hởi sáng tác, sáng tác ngợi ca tình yêu, ngợi ca quê hương Gò Công, ngợi ca biển nơi gắn liền với tuổi thơ ông. Thời điểm này nhạc Gò Công đang trên đà đi lên và những sáng tác của ông đã tiếp bước cho nó bay cao hơn, xa hơn".
Để những sáng tác của mình đến gần hơi thở cuộc sống hơn, gần hơn với nhịp sống của quê hương, ông tìm người thể hiện những ca khúc của mình. "Khi ấy toàn là người không chuyên nên các buổi biểu diễn ca khúc của cha tôi không mấy thành công. Mình không biết cách phối khí, hòa âm nên nghe không ra gì. Thương yêu bà con yêu mến nhạc của mình, cha tôi gác công việc, gom tiền lên TP.HCM tìm nhạc sĩ Quốc Dũng và Lê Hựu Hà. Họ phối khí hòa âm xong, ca sĩ Bảo Yến (vợ Quốc Dũng) hát thử. Thấy hay thế là thu băng cassette. Vậy là người ta ùn ùn đi tìm băng nhạc Gò Công". Sau này, ông còn bỏ tiền túi ra mời ca sỹ về quê hát cho bà con nghe miễn phí", anh Hoàng Tùng kể lại.
Người nhạc sỹ không qua trường lớp Đến khi qua đời, người nhạc sỹ tài hoa để lại cho đời hơn 100 bài hát đã hoàn thành hoặc còn dang dở. Con trai ông luôn ấp ủ tổ chức một đêm nhạc tại quê hương và phối khí lại những bài hát mang đậm dấu ấn riêng của nhạc sỹ. Mấy ai hiểu tài năng ấy chưa qua trường lớp, học lỏm từ thầy cô, bạn bè để vẽ nên những nốt nhạc riêng cho cuộc đời mình. Nhạc sĩ có biệt tài nhìn ngắm một loài hoa mà liên tưởng đến một câu chuyện tình rồi viết lên nhạc khúc. Những nhạc phẩm bình dân của nhạc sĩ Hoàng Phương nhẹ nhàng ngự trị trong tình yêu quê hương của khán thính giả gần xa. |
Hà Nguyễn - Ngọc Lài