Bà cho biết, bố mẹ chồng của Ngọc chính thức đánh tiếng về cô con dâu bất trị. Họ đang gây áp lực với gia đình bà, nếu bà không dạy được con, họ sẽ đem… trả.
Hóa ra, mọi sự căng thẳng bắt đầu từ khi Ngọc quyết định tham gia vào công ty kinh doanh đa cấp (KDĐC) K. Vốn sẵn máu kinh doanh, lại được chính những người tự xưng là “thủ lĩnh cao cấp” trong công ty mời gọi nên cô nhanh chóng đồng ý. Sau khi được chứng kiến những hóa đơn thu nhập thuộc dạng khủng, cùng những lời lẽ “có cánh”, Ngọc lao vào như một con thiêu thân.
Từ lúc dính vào “bùa đa cấp”, Ngọc như người trên mây, mở miệng là nói tiền tỉ và những điều phi thực tế. Mặc kệ gia đình phản đối, cô xin nghỉ việc tại công ty cũ. Ngọc bắt đầu đi đêm về hôm, tối ngày chỉ thấy đi hội họp, diễn thuyết. Để “rảnh rang làm giàu”, Ngọc chấp nhận thuê cả sinh viên trông con theo giờ với giá cắt cổ.
Đỉnh điểm của sự việc là khi cô theo chân các “thủ lĩnh” xuất ngoại sang tận Thái Lan học “bí kíp” làm giàu và ở lì bên đó gần 1 tuần. Bố mẹ chồng Ngọc dường như đã hết chịu nổi, gọi điện cho ông bà thông gia “tố khổ”.
“Muốn hướng tới tầng lớp cao trong xã hội thì mình cũng phải chiêu đãi họ xứng đáng với đẳng cấp, cho họ nể trước rồi thuyết phục sau” (Ảnh minh họa)
Ngọc cũng từng rủ rê tôi làm giàu nhưng tôi chối thẳng thừng khiến Ngọc giận tôi ra mặt. Để cứu vãn tình bạn, tôi buộc móc hầu bao một số tiền không nhỏ để mua “ủng hộ” một loạt sản phẩm Ngọc đang bán. May mà sau đợt ấy, mọi chuyện êm xuôi.
Thế rồi vài tháng sau, Ngọc cũng bỏ công ty đa cấp kia thật. Chẳng phải do tôi khuyên nhủ mà Ngọc tự thấy chán. Hay nói cách khác, cô đã tự nhận ra bản chất thực sự của ngành kinh doanh này.
Ngọc nói, sau 8 tháng ôm mộng làm giàu nhanh chóng, cô đã “nướng” của gia đình hết gần 100 triệu đồng mà chưa thu về được đồng nào. Thấy vẻ mặt sửng sốt của tôi, Ngọc cười đáp: “Trong ngành kinh doanh này, ai càng tham vọng càng dễ ăn “trái đắng”. Nếu không tỉnh táo sẽ chẳng mấy chốc tán gia bại sản”.
Công ty K áp dụng triệt để sức mạnh tuyên truyền thông qua những buổi họp. Chính tại nơi đây, Ngọc vốn đã mờ mắt vì tiền đã dề dàng trở thành con tốt thí cho những người mà cô vẫn tôn thờ là “thủ lĩnh”.
Nghe lời cấp trên, Ngọc vùng tiền không tiếc vào quần áo và những buổi tiệc tùng sang trọng để thấy mình có vẻ giàu lên. Mỗi lần như thế, cô thường mời theo những “ứng viên tiềm năng”, chiêu đãi và thuyết phục họ. “Những buổi tiệc tùng ấy, bọn tớ phải toàn tự bỏ tiền túi ra chứ chưa bao giờ công ty có chế độ trợ cấp”, Ngọc buồn bã nhớ lại.
Sau 8 tháng ôm mộng làm giàu nhanh chóng, cô đã “nướng” của gia đình hết gần 100 triệu đồng (Ảnh minh họa)
“Muốn hướng tới tầng lớp cao trong xã hội thì mình cũng phải chiêu đãi họ xứng đáng với đẳng cấp, cho họ nể trước rồi thuyết phục sau”, Ngọc nói.
Sở dĩ các công ty từ chối hỗ trợ hoạt động bên ngoài bởi không muốn mất thêm các chi phí phụ trội. Theo quan điểm của nhiều “thủ lĩnh”, vì bản chất của các công ty đều cố gắng tiết kiệm triệt để chi phí hoạt động nên những nơi tổ chức đó đều khá lem nhem. Muốn hướng đến đối tượng cao cấp cần phải làm bên ngoài, càng sang trọng càng tốt.
Theo Ngọc giải thích, khi một người mới đồng ý gia nhập hệ thống phân phối hàng của công ty, công ty sẽ mặc định coi người đó là đại lý theo kiểu “sống chết mặc bay”. Tức là trách nhiệm của công ty chỉ dừng lại ở việc sản xuất và phân phối hàng đến đại lý. Đại lý đến công ty nhập hàng phải trả tiền ngay, rồi bán chác thế nào ra thị trường là việc của đại lý, công ty không chịu trách nhiệm. “Đó chính là cái nghiệt ngã của đa cấp. Họ (công ty – PV) luôn nắm đằng chuôi, đẩy rủi ro vào nhà phân phối”, Ngọc chua xót nói. (Còn tiếp)
Kỳ sau: Thảm kịch mua danh của “thủ lĩnh” đa cấp
Dã Liên