Chặn khiến cửa thoát hiểm không đóng được: Trách nhiệm về ai?

Chặn khiến cửa thoát hiểm không đóng được: Trách nhiệm về ai?

Đỗ Thị Huệ

Đỗ Thị Huệ

Thứ 7, 24/03/2018 15:20

Theo luật sư Bùi Đình Ứng, việc chặn khiến cửa thoát hiểm không đóng được, dẫn đến việc khói xộc lên các tầng trên khiến 13 người tử vong ở chung cư Carina vừa qua cần phải làm rõ động cơ, trách nhiệm của những cá nhân, đơn vị có liên quan như ý thức người dân, ban quản lý, đơn vị phòng cháy chữa cháy…

Luật sư Bùi Đình Ứng cho biết, cửa thoát hiểm vốn dùng để mở ra khi có sự cố về cháy, tùy từng nơi sẽ có quy định việc đóng mở như thế nào. Cửa này phải luôn ở trong trạng thái sẵn sàng khi có hỏa hoạn hay sự cố thiên tai nào xảy ra, người dân sống ở chung cư cũng phải được trang bị đầy đủ các thông tin cần thiết về cửa thoát hiểm để sử dụng khi cần thiết. Tuy nhiên, hiện nay nhiều người không hiểu rõ hết về quy định, công năng và thiết kế của cửa này. Theo đó, bình thường cửa sẽ được đóng lại nhưng không khóa hẳn. Nhiều người không biết, mở ra rồi chèn lại với mục đích cho thoáng khí. Bình thường sẽ không có chuyện gì xảy ra, rất khó để có thể xử phạt hay quy trách nhiệm, đến khi có tai nạn xảy ra thì hối không kịp.

Vụ việc vừa xảy ra ở chung cư Carina có lẽ sẽ không dẫn đến thiệt hại về người lớn như vậy nếu cửa thoát hiểm được đóng lại và khói không xộc lên những tầng trên khiến người dân bị ngộ độc khói. Vụ việc đáng tiếc này cũng đến lúc gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với những người đang sống ở các khu chung cư cũng như các ban quản lý, đơn vị phòng cháy chữa cháy ở địa phương. Theo đó, người dân không nên tự ý thay đổi thiết kế, quy định sử dụng của cửa thoát hiểm cũng như hệ thống PCCC.

Chặn khiến cửa thoát hiểm không đóng được: Trách nhiệm về ai?

Vụ cháy ở chung cư Carina (TP.HCM) khiến 13 người chết.

Ông Ứng phân tích: “Bình thường, nếu người dân không biết, vẫn mở cửa ra cho thoáng khí, chèn cửa lại thì cho dù có tìm ra người chèn cửa cũng rất khó xử lý. Xét về luật, không có quy định nào cho biết việc mở cửa thoát hiểm hay chèn lại là trái pháp luật cả. Tuy nhiên, vấn đề ở đây cần phải làm rõ là việc chèn cửa này có dấu hiệu bất thường hay không? Nếu bình thường không chèn mà tại thời điểm gần với tai nạn xảy ra lại chèn thì cơ quan chức năng phải điều tra xem động cơ chèn cửa là gì, từ đó mới làm căn cứ để xử lý tiếp”, ông Ứng cho hay.

Nếu loại trừ khả năng chèn cửa có động cơ xấu thì phải tiếp tục xét đến trách nhiệm của ban quản lý chung cư cũng như đơn vị nghiệm thu công tác phòng cháy chữa cháy. Bình thường, việc kiểm tra hệ thống phòng cháy chữa cháy sẽ diễn ra trong khoảng 3 tháng, 6 tháng một lần. Nếu đợt kiểm tra trước đó, hệ thống vẫn hoạt động tốt, còi báo cháy ổn định, họng nước còn, … thì tại sao đến lúc cần lại không đảm bảo? Hệ thống phòng cháy chữa cháy, bao gồm còi báo động bị tê liệt vào lúc nào? Có tác động của con người vào hay không?...

“Trách nhiệm của ban quản lý chung cư là phải thường xuyên kiểm tra hệ thống phòng cháy chữa cháy, tổ chức cho người dân diễn tập ứng phó… Thậm chí, phải thường xuyên kiểm tra xem có gì bất thường như đèn báo, đèn hướng dẫn, loa có bị hư, cửa thoát hiểm có bị khóa hay bị chèn không… để kịp thời xử lý. Nếu vấn đề không trong phạm vi xử lý của ban quản lý thì có thể báo cho đơn vị phụ trách PCCC của địa phương để được hỗ trợ. Nếu quá trình điều tra cho thấy ban quản lý tuân thủ các quy định như kể trên thì phải xét tới quá trình kiểm tra, thanh tra của lực lượng PCCC có nghiêm chỉnh hay không hay chỉ xuê xoa cho qua, lấp liếm…” luật sư Bùi Đình Ứng phân tích các tình huống pháp lý có liên quan.

Ông Ứng khẳng định, hiện nay, vấn đề ở các tòa nhà chung cư khá phức tạp, đặc biệt là ý thức của người dân trong việc cùng gìn giữ, kiểm tra, đôn đốc cho hệ thống phòng cháy chữa cháy được đảm bảo hoạt động tốt. Đây cũng là hành động để gìn giữ sự an toàn cho mỗi cá nhân và gia đình, những người xung quanh. Không chỉ vì “tiện” mà thay đổi thiết kế, không tuân thủ các quy định về hệ thống thoát hiểm cũng như báo động, cứu hộ…

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.