“Lờ” hội đồng xét xử để hỏi cấp trên
Đây là vụ án tranh chấp đất đai, mặc dù chưa tiến hành hòa giải cơ sở nhưng TAND TP. Thái Nguyên vẫn thụ lý vụ án. Sau đó, một số thẩm phán mặc dù không được phân công nhưng vẫn lấy lời khai, lập biên bản giao nhận chứng cứ một cách rất tùy tiện. Khi đưa ra xét xử, Tòa còn không thèm ban hành các thủ tục bắt buộc như: Quyết định đưa vụ án ra xét xử, biên bản ghi ý kiến thảo luận của Hội đồng xét xử, quyết định hoãn phiên tòa. Thậm chí, những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan cũng không được thông báo đến tham dự.
Vụ án này, tòa đã xử 10 lần.
Ở vụ án này có lúc còn bị một lãnh đạo tòa án thành phố tự ý lập biên bản để hòa giải, dù vụ án đã được phân công cho thẩm phán khác giải quyết. Tuy nhiên, khi những “lỗi” vi phạm tố tụng này chưa được giải quyết, TAND Tp. Thái Nguyên vẫn một mực đưa vụ án ra xét xử lại, khiến dư luận thêm một lần nữa ghi ngờ tính khách quan trong quá trình xét xử vụ án của cấp tòa này.
Trong quá trình đưa vụ án ra xét xử lại ở cấp sơ thẩm, không tôn trọng tính độc lập và chỉ tuân theo pháp luật của Hội đồng xét xử, ông Nguyễn Ngọc Ánh, chánh án TAND TP Thái Nguyên bất ngờ có công văn “xin ý kiến” của TANDTC trong việc giải quyết vụ án này.
Ông cho biết: “Ngày 5/7/2010, TAND TP Thái Nguyên đã thụ lý lại để giải quyết. Tuy nhiên, đến nay có hai quan điểm: Quan điểm thứ 1: Cho rằng phải đình chỉ vụ án để trả lại đơn khởi kiện, vì phải làm lại đơn khởi kiện và làm lại thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai ở cơ sở theo Điều 135 Luật Đất đai; Quan điểm thứ 2: Tòa án cấp sơ thẩm thụ lý lại để giải quyết theo đúng trình tự quy định của pháp luật, vì đã có hòa giải ở cơ sở”.
Trong công văn chánh án Ánh đề nghị: “xin được Tòa dân sự TANDTC về đường lối giải quyết vụ án”.
Gần chục phiên tòa chưa xong một vụ dân sự
Vụ án dân sự này tốn không ít giấy mực của báo giới trong nhiều năm qua. Theo đó, năm 2005, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền đang sinh sống ổn định trên mảnh đất mang tên mình (có địa số 275, Hoàng Văn Thụ, Tp. Thái Nguyên) thì bất ngờ cô em gái Nguyễn Lệ Hằng chạy lên đòi nhà, đất với lý do đã bỏ tiền ra nhờ chị gái (là bà Huyền) đứng tên mua nhà. Đòi không được, bà Hằng đã khởi kiện ra TAND TP.Thái Nguyên.
Sau nhiều năm thụ lý vụ án, tháng 7/2009, TAND TP.Thái Nguyên đã mở phiên tòa sơ thẩm, đưa vụ án ra xét xử. HĐXX đã tuyên chấp nhận đơn yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Lệ Hằng, buộc vợ chồng bà Huyền phải trả lại cho vợ chồng bà Hằng diện tích đất và căn nhà trên đất nói trên. Bà Huyền làm đơn kháng cáo.
Ngày 28/5/2010, TAND tỉnh Thái Nguyên đưa vụ án xét xử phúc thẩm. Sau khi nghiên cứu kỹ những tình tiết vụ án, lời khai của nguyên đơn, bị đơn, tòa phúc thẩm tuyên hủy bản án sơ thẩm, chuyên hồ sơ cho tòa sơ thẩm giải quyết lại vụ án theo quy định pháp luật.
Cấp phúc thẩm đã chỉ ra 13 vi phạm tố tụng nghiêm trọng của cấp sơ thẩm như: Đơn khởi kiện của bà Hằng sai cả về nội dung lẫn hình thức, nhưng tòa sơ thẩm vẫn chấp nhận; giải quyết vượt quá yêu cầu của đơn khởi kiện; thụ lý vụ án khi hai bên chưa tiến hành hòa giải tại phường, xã; có thẩm phán chưa được phân công đã tiến hành ghi lời khai của đương sự; tiến hành ghi lời khai của đương sự khi chưa thụ lý vụ án; trong một ngày lại có đến hai thẩm phán cùng tiến hành lấy lời khai của đương sự….
Tính cả phiên tòa sơ thẩm lần 1, TAND TP Thái Nguyên phải hoãn 6 lần vì chưa hoàn tất hồ sơ vụ án đúng pháp luật, gây bức xúc cho cả nguyên đơn và bị đơn vì phải kéo dài vụ án.
Theo luật sư Lâm Văn Quang, Văn phòng Luật sư Đức Minh, “Đáng ra cần phải trả lại đơn khởi kiện cho nguyên đơn do chưa đủ điều kiện khởi kiện nhưng cơ quan tòa vẫn thực hiện việc thụ lý. Điều này cho thấy tiếp tục có dấu hiệu bất thường khi ưu ái quá mức cho phía nguyên đơn”. Cũng theo Luật sư Quang: “Điều 204 Bộ luật Tố tụng dân sự chỉ rõ, Hội đồng xét xử có quyền dẫn giải các nhân chứng quan trọng (là người bán nhà trong vụ án này – PV) đến tham dự phiên tòa; hoặc thực hiện việc đối chất giữa 03 bên: nguyên đơn, bị đơn và người bán nhà để làm rõ nhưng vì lý do nào đó Hội đồng xét xử đã không cho thực hiện”. |
V.T