Để mở rộng đường Phạm Văn Đồng, Hà Nội sẽ đánh chuyển, chặt hạ 1.300 cây xanh, phần lớn là xà cừ lâu năm trước ngày 30/9. Sở Xây dựng Hà Nội đã mời các chuyên gia, giảng viên đại học Nông nghiệp để tham vấn ý kiến, tuy vậy vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều.
Đại diện ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội khẳng định, việc di chuyển, chặt hạ cây xanh là bắt buộc, trong khi nhiều người dân bày tỏ tiếc nuối và cho rằng thêm một lần Hà Nội lại vội vàng khi thay thế, chặt hạ cây xanh.
Nhiều ý kiến cho rằng, nên giao cho các hội Thực vật học, hội Sinh thái học, hội Môi trường... nghiên cứu xem trồng cây gì trên tuyến phố nào của Hà Nội.
Trái ngược với quan điểm của ông Nguyễn Lân Hùng, nhiều luồng ý kiến phản bác vì cho rằng, phần lớn những cây được trồng thời Pháp thuộc đã có nghiên cứu và bằng chứng ở nước họ, đô thị cây xanh được làm rất bài bản. Việc thay thế, chặt hạ hơn 1.300 cây xanh trên đường Phạm Văn Đồng là lãng phí và phá nát “lá phổi” thành phố.
Lý giải về điều này, ông Nguyễn Lân Hùng nói: “Có rất nhiều loại cây thay thế tốt hơn và phát triển nhanh hơn như bàng Đài Loan chẳng hạn. Nhiều người vẫn nghĩ rằng, trước đây Pháp trồng các loại cây xanh ở Hà Nội là đã có những nghiên cứu và họ vin vào ở Pháp việc quy hoạch cây xanh rất hiệu quả. Nhưng, đó không phải là lý do thỏa đáng. Thực tế, có nhiều tuyến phố, cây xà cừ bị sâu, bật gốc... Tôi nhớ, xà cừ là loại cây rễ rất nông, phát triển nhanh, những năm 60-70 của thế kỷ trước đã được trồng rất nhiều quanh khu vực bờ Hồ, nhưng chỉ qua mấy trận bão lớn là gãy đổ la liệt. Tấ cả những cây thời Pháp trồng bây giờ đẹp và hiệu quả còn lại là cây sấu”.
Theo quan điểm của ông Nguyễn Lân Hùng, chúng ta nên thay thế cây xà cừ bằng những loại cây khác, có hiệu quả cao như cây sấu, cây gạo, có tuổi thọ hàng trăm năm mà không bị mối mọt. “Theo tôi, các sở, ngành Hà Nội cần thông tin cho người dân hiểu rõ, việc thay thế là thay những cây cong nghiêng, sâu mục không an toàn, những cây không thuộc chủng loại cây đô thị là cần thiết”.
H.Lan