Chật vật giữ ngựa đua khỏi vào lò mổ

Chật vật giữ ngựa đua khỏi vào lò mổ

Thứ 2, 28/10/2013 13:57

Sau 2 năm đóng cửa Trường đua ngựa Phú Thọ (Q.11, TP.HCM), những làng nuôi ngựa đua ở khu vực lân cận, nhất là Long An, rơi vào bế tắc. Ngựa đua phải mang ra giết thịt bán dần.

Ngã ngựa!

Xã Đức Hòa Thượng, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An vốn là nơi có số ngựa đua đẹp và nhiều nhất của huyện cũng như so với các vùng nuôi ngựa lân cận Hóc Môn, Củ Chi (TP.HCM). Đây là giống ngựa của Pháp nuôi dưỡng, thuần chủng chịu được khí hậu, sinh sản được. Thời kỳ hưng thịnh, có lúc, số ngựa đua lên đến 1.200 con. "Làng ngựa" quanh năm tưng bừng tiếng ngựa hí, tiếng vó khua.

Thế nhưng, từ đầu tháng 6/2011 khi Trường đua ngựa Phú Thọ đóng cửa, nơi đây đã trở thành bãi cỏ hoang, hay ao câu cá và nhường lại cho nhiều quán xá, bãi gửi xe ô tô mọc lên.

“Không hiểu sao Trường đua ngựa Phú Thọ đang chờ ngày khởi công xây dựng Trung tâm huấn luyện và thi đấu thể thao thành tích cao theo chủ trương của UBND TP.HCM bỗng đóng cửa cái rụp. Không có lộ trình, không hướng mở xây trường đua mới ở đâu? Chỉ nghe đồn lúc thì Củ Chi, khi Đức Hòa? Người dân nuôi ngựa đua như người chơi xổ số, lô tô cuối ngày khi tin trắng bảng!”, một người sống chết vì ngựa cay đắng nói.

Việt Nam Xanh - Chật vật giữ ngựa đua khỏi vào lò mổ

Trường đua ngựa Phú Thọ giờ trở thành hoang phế.

Anh Lê Văn Mai phải thế chấp vay tiền ngân hàng mua ngựa. Vừa mua tháng trước tháng sau phải bán tháo. “Mua 100 triệu chỉ bán được 10 triệu thôi”, anh Mai xót ngựa nói. Nhiều con ngựa ở đây có giá 200 triệu, sau một đêm ngủ dậy chỉ còn 40 triệu. Đó là gặp khách chơi ngựa, chứ gặp khách thịt ngựa thì chỉ còn giá bằng con… bò. Hiện, nhà anh Mai còn 3 con trong chuồng. Mỗi ngày tốn 20 kg lúa chưa tính đến cỏ cắt ngoài đồng cho ngựa ăn. Cái cách đóng cửa trường đua đột ngột, nói như anh Mai là “rút cầu, té sông”.

Duy chỉ còn một số người sống chết vì ngựa vẫn kiên trì giữ đàn chứ không thải, bán. Anh Nguyễn Văn Đởn, người yêu ngựa tha thiết cho hay, đàn ngựa của anh có 40 con. Hiện anh đang sống ở Pháp nhưng vẫn kiếm tiền gửi về thuê người chăm ngựa.

Theo anh Đởn những giống ngựa còn lại ở Đức Hòa đều là ngựa quý, được nhập từ Pháp những năm đầu thế kỷ trước. Hơn một trăm năm nuôi, thuần hóa, ngựa đã quen thổ nhưỡng, khí hậu và là giống gien rất quý. Từ bộ gien nhập thành bộ gien thuần chủng, có thể gọi giống ngựa ở đây là giống nội địa cũng được. Ngựa có thể lực lớn, tốc độ cao.

Trong khi đó, để nuôi được con ngựa đua không phải dễ dàng. Buổi sáng phải cho ngựa đi vợt sương, chiều cho đi vợt nắng. Nuôi ngựa đua giống như nuôi vận động viên, phải quần thường xuyên ngựa mới có sức khỏe, mới sung. Chưa hết, để những bộ vó ngựa thật vững và khỏe còn cho ngựa dợt nước thường xuyên.

Không phải một sớm, một chiều hướng dẫn là nuôi được ngựa. Nếu thuê chuyên gia nước ngoài về hướng dẫn nuôi ngựa thì số tiền phải trả cho họ rất lớn. Nhiều người nuôi ngựa Đức Hòa lo cho khoản chi này. Ngựa nuôi cũng phải mất ba đến bốn năm mới thi đấu. Ngựa đua phải giống F1, F2 mới có kết quả. Nuôi được ngựa đẻ lại càng khó hơn. 

"Ba triệu đồng một “mũi” thụ tinh cho ngựa. Bơm xong họ lấy tiền, kết quả được hay không được họ không chịu trách nhiệm", anh Đởn cho biết.

Việt Nam Xanh - Chật vật giữ ngựa đua khỏi vào lò mổ (Hình 2).

Xưa ngựa nuôi ngựa, nuôi người, nay ông Hà Văn Nở phải chạy xe ôm để có tiền nuôi ngựa.

Bi kịch ngựa - người

Ông Tường ở Long An nhưng lại là cái tên khá quen thuộc với giới đua ngựa Sài Gòn. Nhưng giờ ông đang lâm vào bế tắc. Tính đến nguồn kinh phí cho đàn ngựa, ông Tường ngao ngán: “Người phụ việc chuyên về ngựa, dắt ra dắt vào, cắt cỏ cho ngựa, một tháng phải chi mỗi đứa trên 5 triệu”. Hiện đàn ngựa của ông còn 20 con, những lúc túng thiếu ông phải bán dần số ngựa để lấy tiền nuôi những con còn lại.

Bán đi thì không nỡ, không bán thì ông thì biết lấy tiền đâu duy trì tiếp đàn ngựa. Ông kể, lúc mấy tay mua ngựa vào dắt một con đi, cả bầy ngựa hí loạn xạ, hình như chúng biết được chuyện gì sắp xảy ra với người bạn kia nên phẫn nộ. "Nhìn những con ngựa từng tung vó trên đường đua giờ lại phải bán đi để xẻ thịt. Tôi thật sự không nỡ, nhưng cũng không còn cách nào khác”, ông Tường xót xa.

Đau lòng hơn, có một hôm tình cờ ông sang chơi nhà một người bạn cũng nuôi ngựa. Đúng lúc chủ nhà chuẩn bị đập đầu ngựa, chứng kiến cảnh  ngựa bị giết thịt, nó ngục xuống, máu chảy khắp nền nhà, đôi mắt mở to sòng sọc nhìn trân trân một hướng. Một người như ông đã trải qua biết bao nhiêu việc nhưng  cũng không cầm được nước mắt, ông đứng tần ngần vài giây rồi xin phép chủ nhà ra về, ai nấy cũng im bặt chẳng dám nói lời nào.

Bán ngựa đã không nỡ, lại chứng kiến cảnh những con ngựa bị giết thịt có lẽ đó là một điều không thể chấp nhận được với ông. Làm sao có thể làm thế với những người bạn của mình? Ông đã thua cuộc với số phận của mình nhưng ông không thể làm điều ngược lại là hủy đi niềm đam mê vốn đã ăn sâu vào máu thịt. 

Trời về chiều, phía sau khu đất trống nền cỏ cũng xơ xác, chỉ còn lại vài mẫu cỏ khô sót lại, ông Tường dẫn đàn ngựa ra tắm nắng. Mấy chú ngựa hình như cũng hiểu được tình cảnh của chủ lúc này, nên cũng  buồn xo. Không đóng cọc, ông để chúng tự do nhởn nhơ. Rồi chậm rãi xách một xô nước đầy đặt kế cái cọc đã được định vị sẵn, ông chạy một mạch về chuồng ngựa. Phía sau ông, là một chú ngựa cao to, có bộ lông rất đẹp. Ông hớn hở: “Đây là con ngựa mà tôi quý nhất trong đàn đó”.

Vừa tắm táp cho chú ngựa quý, ông Tường nhớ lại, trước khi trường đua Phú Thọ đóng cửa, nhà ông lúc nào cũng tấp nập người ra kẻ vào. Ngựa đua của ông luôn được mọi người đánh giá cao. "Ấy vậy mà, cuối cùng tôi lại lâm vào cảnh này", ông cám cảnh. 

Việt Nam Xanh - Chật vật giữ ngựa đua khỏi vào lò mổ (Hình 3).

Tương lai của những chú ngựa đua chưa biết về đâu.

Dài cổ chờ đợi ngày ngựa lại tung vó

Cũng giống như anh Đởn, ông Hà Văn Nở, 59 tuổi nhưng thà đi làm xe ôm kiếm tiền chứ quyết không bán ngựa. Ông Nở từng là kép cải lương, từng đứng trên sân khấu lấp lánh ánh đèn, từng đóng những vai chính diện lập công, khai quốc. Ấn tượng của ông để lại trong lòng người xem là vai diễn Nguyễn Huệ trong vở "Thanh kiếm cành đào" của đoàn cải lương Trung Hiếu. Hình ảnh ước lệ trên sân khấu của vị anh hùng áo vải cưỡi ngựa phất cờ khởi nghĩa đã “vận” vào ông.

Quyết định từ bỏ đoàn cải lương, ông về nuôi ngựa để thỏa đam mê cưỡi ngựa thật. Hiện, ông có hơn chục con trong chuồng nhưng để cưỡi thì không. Lịch trình của ông mỗi ngày khép kín: dọn phân, cắt cỏ, tiếp nước và chạy xe ôm kiếm tiền mua lúa. Chục con ngựa nuôi ngày mất nửa tạ thóc. Đó là nuôi cầm chừng. Có người bảo ông chấp nhận thương đau, đứt một lần là bán ngựa đi. Nhưng ông không muốn vì quá yêu đàn ngựa. Bộ sưu tập của ông là những chú ngựa Anh, ngựa Ả Rập, ngựa Tây Ban Nha... Ông cũng nuôi một con ngựa cái để phối giống.

Còn ông Năm ở nghĩa trang Bình Hưng Hòa. quận Bình Tân, TPHCM cũng “ngã” vì ngựa. Đàn ngựa đua nay thành ngựa đứng. “Trước, còn đua thì ngựa nuôi ngựa và nuôi người. Nay sống bằng chi đây?”, ông Năm  thở dài. Nhiều con đã phải tháo yên, tìm đường vào nồi “thắng cố” (lẩu ngựa). Một số bán cho các tỉnh như Lâm Đồng, Bình Thuận, Kiên Giang... làm ngựa cưỡi trong các khu du lịch. Và số còn lại ông vẫn đợi chờ một ngày gần đây đàn ngựa tung vó trường đua.

Dẫn chúng tôi sang sau nhà thăm đàn ngựa, mặt ông Tường rầu rầu. Nhìn mấy con ngựa với ông là báu vật, ông Tường nghẹn ngào: “Tôi với con ngựa gắn liền với nhau, dù có cực khổ cách mấy tôi cũng cố gắng giữ lại bầy ngựa.” Nói đến đấy, ông im lặng nhìn sang hướng khác vẻ xa xăm.

Ông Tường đã bước qua cái tuổi 80. Cái tuổi đáng lẽ ra phải ngồi nhà hưởng lộc con cháu. Nhưng niềm hạnh phúc lớn nhất của ông vẫn là chăm ngựa. Ông xem đàn ngựa như những đứa con ruột thịt của mình. Ông mê ngựa từ thuở nhỏ. Ở cái tuổi đám con nít cởi trần tắm mưa, chạy phá làng phá xóm, thì ông lại chạy theo những xe ngựa chở khách đi bụi suốt ngày. Để giữ cậu con trai ở nhà, cha ông phải bỏ một số tiền lớn mang mấy con ngựa về. Và cuộc đời của ông gắn với những con ngựa từ lúc ấy.

Trong thâm tâm ông, dù trường đua có đóng cửa nhưng cũng có lúc cũng hoạt động lại chính vì thế ông cố công gìn giữ lại đàn ngựa, chỉ với một mong muốn: “Chỉ cần đua lại một ngày thôi rồi tôi chết cũng yên lòng”. 

Nhiều người ở làng ngựa vẫn cầm cự nuôi ngựa chờ đợi trường đua. Người ta mong ngóng một trường đua mới và họ quyết tâm giữ ngựa. “Tôi nghe nói ở Sóc Sơn – Hà Nội cho xây dựng trường đua ngựa. Tôi phân vân, khi lập trường đua ngựa Sóc Sơn thì vùng nào sẽ nuôi được ngựa?”, anh Đởn nói.

Theo Bưu điện Việt Nam

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.