Khi họ hàng "tặng" cho "quả đắng"
Bị ung thư dạ con đã bốn năm nay, bà Nguyễn Thị Lan (52 tuổi, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã lặn lội khắp trong Nam, ngoài Bắc, thậm chí tìm đến các thầy lang ở tận vùng sâu, vùng xa để chữa trị. Suốt mấy năm trời, công việc bị ngưng trệ, số tiền tích cóp không phải nhỏ nhưng cũng dần cạn kiệt trong khi bệnh tình của bà không hề thuyên giảm. Số thầy thuốc mà bà Lan gặp, nhờ thăm khám nhiều đến mức bà không nhớ hết. Càng uống thuốc vào, cơ thể bà càng teo tóp. Hiện tại, gặp bà, người đối diện không khỏi giật mình vì thân thể gầy gò, xanh xao, mỗi lần đi lại, con trai bà lại phải dìu tránh việc bà bị khuỵu bất ngờ.
Mới đây, qua một người họ hàng hiện đang là một cán bộ có cỡ, bà đã tin tưởng và mua một đoạn sừng tê giác nhỏ với giá 120 triệu đồng. Theo lời của người họ hàng này thì giá sừng tê giác thật trên thị trường hiện tại vào khoảng 140 triệu đồng/lạng. Mua xong, bà Lan mài sừng tê giác và uống trong một thời gian nhưng không thấy bệnh tình biến chuyển.
Khi hàng xóm đến chơi, chứng kiến bà Lan mài sừng tê giác trực tiếp, đã có người ngạc nhiên hỏi bà Lan: "Sừng tê giác gì mà mới mài tí đã ra nhiều thế?". Hoang mang và lo sợ, nhiều người biết chuyện khuyên bà Lan mang chiếc sừng tê giác nói trên đến viện Khoa học Hình sự (bộ Công an) nhờ giám định. Kết quả giám định cho thấy đó là sừng tê giác giả. Sau đó, bà Lan đã trả lại chiếc sừng giả và lấy lại được nửa số tiền. "Vẫn còn may là tôi đã lấy lại được một phần tiền chứ nhiều người còn mất cả chì lẫn chài cơ. Đang đau ốm hơn nữa vì người bán có quan hệ họ hàng nên tôi đành ngậm bồ hòn làm ngọt", bà Lan cho biết.
Tuy nhiên, vì được nghe quảng cáo nhiều công dụng chữa bệnh của sừng tê giác, những ngày sau đó, bà Lan vẫn chưa từ bỏ ý định tìm mua sừng tê giác thật. Khi được hỏi sau khi uống sừng thật thì bệnh ung thư dạ con có đỡ không, bà Lan phân trần: "Tôi mới uống sừng thật được gần hai tháng nay, bệnh chưa đỡ nhưng mỗi khi uống vào thấy người mát, dễ chịu. Chắc phải dùng thêm thời gian dài nữa". Bà còn khuyên tôi nếu có điều kiện thì nên mua một ít sừng tê giác để trong nhà. Khi có người bị động kinh, bị say bia rượu, mệt mỏi, trẻ con bị sốt..., chỉ cần mài một ít sừng tê giác, hòa với nước uống là khỏi. Đặc biệt, loại sừng này còn được sử dụng làm thuốc giúp cường dương.
Sừng tê giác giả (có vân đồng tâm giống như thớ gỗ)
Gần 90% là sừng tê giác giả?
Trao đổi với PV Người Đưa Tin, đại tá Lê Văn Lợi (trưởng phòng giám định Hóa pháp lý, viện Khoa học Hình sự, bộ Công an) cho biết, thời gian qua viện Khoa học Hình sự đã giám định rất nhiều vụ liên quan đến sừng tê giác. Kết quả giám định cho thấy có gần 90% là sừng tê giác giả. Những người có yêu cầu giám định thường là bệnh nhân hoặc có người nhà bị ung thư hay các bệnh khác như ngộ độc, sốt cao... Nguồn sừng tê giác thường là từ những người quen biết, các cán bộ cấp cao được biếu, tặng hoặc những người đi công tác nước ngoài về (chủ yếu là từ châu Phi). Qua giám định thì hầu hết đều là sừng trâu nước, sừng bò, sừng nghé... Thậm chí, nhiều vụ là vật liệu composite (một dạng nhựa tổ hợp) được đúc giống hệt sừng động vật mà người ta thường sử dụng làm hàng mỹ nghệ...
Ông Lợi nhìn nhận, từ xưa đến nay chưa hề có một công trình nghiên cứu khoa học nào khẳng định sừng tê giác chữa khỏi bệnh ung thư hay có thể tăng cường sức mạnh đàn ông nhưng nhiều người dân vẫn xếp sừng tê giác vào loại biệt dược trị được bệnh đó. Thậm chí, có trường hợp còn bị dị ứng và nhiễm độc do uống sừng tê giác.
Khi được hỏi về các phương pháp giám định để phân biệt sừng tê giác thật hay sừng giả, đại tá Lê Văn Lợi cho biết, để có kết quả chính xác thì phải giám định ADN. Tuy nhiên, phương pháp này khá đắt nên các nhà chuyên môn thường sử dụng các phương pháp giám định khác như nghiên cứu cấu trúc hoặc thử bằng phương pháp hóa học.
Về cấu trúc, sừng tê giác được cấu tạo bằng mô lông chứ không phải từ mô xương như các loại sừng khác, cho nên khi soi dưới kính hiển vi soi nổi và đặc biệt là soi dưới kính hiển vi điện tử quét (SEM- Scanning Electron Microscope) với độ phóng đại có thể lên tới hàng trăm ngàn lần, các nhà chuyên môn dễ dàng nhận ra sự khác biệt giữa cấu trúc mô lông (có cấu trúc sợi và có thể bóc tách được) của sừng tê giác với mô xương (không có cấu trúc sợi, không thể bóc tách) của các loại sừng động vật khác.
"Về hình thái, sừng tê giác thường nặng hơn. Khi người dùng mài trên đĩa sứ cho màu trắng đục và có mùi thơm đặc trưng trong khi các loại sừng khác thường có mùi khét của chất sừng. Chính vì đặc điểm cấu trúc từ mô lông cho nên sừng tê giác không có các vòng tròn đồng tâm (giống như thớ gỗ), đây là đặc điểm dễ phân biệt nhất giữa sừng tê với các loại sừng khác", đại tá Lợi khẳng định.
Ngoài ra, người ta có thể dùng phương pháp hóa học để phân tích thành phần các hợp chất trong sừng tê giác. Khi nghiên cứu thành phần hóa học của sừng tê giác người ta thấy chủ yếu là keratin (chất sừng), ngoài ra còn có canxi cacbonat, canxi photphat... Khi thủy phân, sừng tê giác sẽ cho các axit amin như tyrosin, axit tiolactic, xystein..., nước chiết của sừng tê giác có phản ứng alcaloid.
Nghệ thuật làm đồ "dỏm" quá tinh vi "Căn cứ vào đặc điểm cấu trúc và thử hóa học các nhà chuyên môn có thể phân biệt chính xác đó có phải là sừng tê giác hay không. Tuy nhiên, hiện nay một số người chuyên làm sừng tê giác giả đã sử dụng công nghệ "cắt dán ép" rất tinh vi, như lắp ghép một phần sừng tê giác thật với sừng giả, như vậy rất khó xác định thật giả và nhiều người đã bị lừa. Khi đó chỉ có những người có kinh nghiệm và trình độ chuyên môn cao mới có thể phân biệt được", đại tá Lợi nói. |
Yến Dương