Sự việc bắt nguồn từ một bản hợp đồng chuyển nhượng trang trại chăn nuôi của Công ty Lâm nghiệp & Dịch vụ Hương Sơn (nay là Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp và Dịch vụ Hương Sơn) từ năm 2004. Theo nội dung bản hợp đồng được lập vào ngày 12/3/2004, công ty LN - DV Hương Sơn có ông Nguyễn Huy Lợi, nguyên kế toán trưởng công ty, nay là chi cục trưởng chi cục kiểm lâm Hà Tĩnh làm đại diện, đã chuyển nhượng cho ông Đậu Bá Hùng có hộ khẩu thường trú tại TP Hồ Chí Minh một lượng lớn diện tích rừng và tài sản. Tài sản mà ông Lợi và các cộng sự bán chui gồm: Nhà ở Ban quản lý (3 gian nhà gỗ thưng ván), 5 gian chuồng bò cột táu, nền bê tông; hệ thống hàng rào gồm 900m dây thép gai bằng cột bê tông và lim lóc, đàn bò gồm 37 con và 150ha rừng nguyên sinh ở tiểu khu 33 và 34 thuộc khu vực Ngã Đôi, xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh). Tổng giá trị toàn rừng và tài sản được bán với giá bèo bọt: 120 triệu đồng. Việc chuyển nhượng giữa công ty và ông Đậu Bá Hùng, chủ trang trại chăn nuôi bò công nghiệp (theo như hợp đồng) đã diễn ra nhanh chóng. Theo biên bản thanh lý hợp đồng (có chữ ký của ông Lợi và các cộng sự, đóng dấu đỏ hẳn hoi), ngày 25/3/2004, công ty đã nhận đủ số tiền từ ông Đậu Bá Hùng.
Văn bản kiểm tra, xác nhận việc mua bán 150ha rừng
Ông Hồ Sỹ Đồng, giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp – Dịch vụ Hương Sơn giải thích: Ông không nắm rõ sự việc bán rừng do không trực tiếp tham gia. Đến năm 2009, khi nhận nhiệm vụ là giám đốc công ty, ông Đồng đã cho rà soát, kiểm kê diện tích rừng thuộc công ty và phát hiện diện tích rừng này đang cho người khác “mượn”. Theo lời ông Đồng, chủ trang trại vừa kinh doanh, vừa bảo vệ rừng rất tốt, chưa thấy có việc gì xảy ra. Từ đó đến nay, ông cũng chưa có biện pháp nào nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng này. Trong buổi làm việc với PV, ông Đồng cũng thừa nhận sai phạm trong thời gian dài của công ty vì đã không báo cáo sự việc với các cơ quan chức năng.
Tính từ thời điểm chuyển nhượng nói trên đến nay, ông Nguyễn Huy Lợi đã vươn từ kế toán lên các chức vụ giám đốc công ty, rồi hiện giữ chức chi cục trưởng kiểm lâm tỉnh kiêm phó giám đốc sở NN - PTNT. Để làm rõ hơn vấn đề bán rừng chui, chúng tôi đã trực tiếp làm việc với ông Lợi. Sau phút bối rối ban đầu, ông Lợi cũng đã nhớ ra bản hợp đồng từ năm 2004 do chính mình soạn thảo và đặt bút ký. Ông luôn khẳng định tính đúng đắn về mặt pháp lý và mặt tài chính của bản hợp đồng. Ông cho rằng, hợp đồng chuyển nhượng trang trại đơn thuần là một bản hợp đồng kinh tế của doanh nghiệp; số tiền chuyển nhượng cũng đã được nhập vào ngân quỹ, chắc chắn còn giấy tờ lưu lại. Ông thận trọng: “Nếu có sai sót gì thì cũng cần xem lại vì từ năm 2004 đến nay cũng đã 8 năm rồi. À, mà chắc chắn là sai”.
Một hồi sau, ông Lợi lập luận: “Phải biết là từ đó đến giờ, diện tích đó mới hợp đồng chứ chưa đủ pháp lý để nói đất này của ông này, ông kia. Chủ rừng đích thực vẫn phải bảo vệ từ đó đến giờ, chỉ có một vài người tăng gia sản xuất, vừa tăng thêm thu nhập vừa cải tạo đất. Mà cái này lại được Nhà nước khuyến khích. Sai sót của công ty là đã không thực hiện đúng quy trình chuyển nhượng, không làm các thủ tục cần thiết, không báo cáo. Nhưng nói chung, người ta cũng chỉ tăng gia sản xuất chứ có vấn đề chi, người sử dụng cũng chưa có khiếu kiện gì. Tất nhiên về quản lý theo luật phải được biết cả, nhưng nay rừng rú mênh mông vậy…”. Sau một hồi diễn giải lòng vòng, ông Lợi cũng thú nhận: “Đến giờ tôi mới biết, chứ thực tế thì… quên mất. Nếu biết sớm thì đã xử lý sớm rồi, ai để đến bây giờ. Lâu nó cũng quên đi”.
Ông Lợi (bên phải) tại khu rừng Ngã Đôi. Ảnh: Báo Hà Tĩnh
Ông Lê Đình Sơn, phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh tỏ ra hết sức bất ngờ trước thông tin, Công ty Lâm ngiệp – Dịch vụ Hương Sơn tự ý chuyển nhượng 150ha rừng. Ông Sơn khẳng định, đây là sự việc chưa từng nghe. Còn đại diện sở NN – PTNT cũng không tin vào sự việc nói trên. Tại sao một doanh nghiệp được nhà nước giao rừng để bảo vệ, sản xuất, Công ty LN – DV Hương Sơn lại tự ý bán rừng một cách ngang nhiên như vậy? Dư luận đặt ra câu hỏi, ngoài diện tích bị phát hiện này, đã có bao nhiêu ha rừng nguyên sinh đã bị người quản lý doanh nghiên bán chui để thu lợi nhuận.
Trong bài viết tiếp theo chúng tôi sẽ làm rõ những uẩn khúc phía sau vụ bán rừng chui kỳ cục này.
Xuân Hồng – Ngọc Lan