Có thể thấy, chiến dịch đòi lại vỉa hè đã và đang giành được những hiệu quả nhất định nhờ sự cứng rắn, quyết tâm của cơ quan chức năng và sự quan tâm của dư luận.
Sự hiệu quả đó thể hiện ở chỗ cửa hàng, ki ốt đã tự biết thu gọn hàng hóa của mình, người dân vui vẻ chủ động phá bỏ bậc thềm lấn chiếm vỉa hè… Và đặc biệt, những hàng ăn, quán nước sống bám mặt đường “tạm thời” biến mất.
Phải nhấn mạnh hai chữ “tạm thời” bởi trên thực tế, không ai dám chắc chắn về sự “biến mất hoàn toàn” của những hàng quán kể trên. Thậm chí, nó vẫn ngang nhiên tồn tại, ngang nhiên xâm phạm những quyền lợi khác của người dân.
Dạo một vòng qua “khu phố ẩm thực” cho dân văn phòng trên đường Trần Duy Hưng (Hà Nội), ngoài sự “sạch sẽ” của vỉa hè còn có một đội ngũ “cò” đứng, ngồi rải rác ở khu vực trên, chèo kéo khách hàng.
Tò mò về sự tồn tại của những hàng quán đã bị dẹp, chúng tôi theo chân một “cò” lên “trụ sở mới”. Và bất ngờ nối tiếp những bất ngờ khi chúng tôi được đưa lên một tòa chung cư cũ và nay, hành lang của tòa chung cư đó đã thay thế chức năng của vỉa hè trước kia một cách triệt để và xuất sắc.
Những bộ bàn ghế nhựa được xếp thẳng hàng dọc suốt hành lang vào đến gần cửa ra vào của nhiều hộ gia đình, quầy đồ ăn (cho khách tự chọn) được kê ở một góc khuất cuối dãy.
Mùi đồ ăn, mùi ẩm thấp của của khu chung cư cũ, của tiết trời nồm, tiếng nói chuyện rôm rả của những vị thực khách, tiếng bát đĩa loảng xoảng, tiếng xào nấu thức ăn, tiếng ra lệnh của bà chủ hòa quyện với nhau tạo thành một “ấn tượng” khó tả.
Với những người chỉ đến không gian này một chốc, một lát như chúng tôi còn thấy khó chịu. Thử hỏi những hộ gia đình sinh sống tại đó quanh năm suốt tháng sẽ cảm thấy bất tiện và ức chế như thế nào. Chắc chắn họ sẽ không bao giờ đồng ý và thỏa hiệp với việc không gian sinh hoạt của mình bị xâm hại một cách “tàn bạo” như vậy.
Tuy nhiên, khi hỏi “chủ quán” về thái độ của ban quản lý cũng như những hộ gia đình sinh sống trong tòa nhà, chúng tôi chỉ nhận lại sự im lặng và nụ cười trừ.
Theo lời Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung thì hầu hết những hàng quán bia trên vỉa hè Hà Nội đều có công an đứng đằng sau. Vậy liệu những hàng quán lấn chiếm hành lang chung cư này có “thế lực” nào đứng sau bảo kê hay không hay nó chỉ mang tính tự phát liều lĩnh, bất chấp của một số cá nhân?
Với mục đích chính là đòi lại quyền lợi cho người dân – cụ thể là những người đi bộ thì có lẽ chiến dịch giành lại vỉa hè của nhiều thành phố trên khắp cả nước đã không mang lại hiệu quả như chúng ta mong đợi.
Bởi khi người đi bộ trên vỉa hè thỏa mãn thì hộ dân sống trong nhiều khu dân cư lại chịu thiệt.
Bảo Trang
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả