Tin tặc Triều Tiên đánh cắp thông tin nhạy cảm?
Theo Financial Times, một số tài liệu quân sự thuộc dạng tuyệt mật, trong đó có kế hoạch quân sự của Mỹ-Hàn với Bình Nhưỡng được cho là đã bị các tin tặc Triều Tiên đánh cắp năm ngoái.
Thông tin trên do ông Lee Cheol-hee, nhà lập pháp, thành viên của đảng Dân chủ cầm quyền chia sẻ. Ông Lee cho biết, các hacker đã đột nhập vào trung tâm dữ liệu quốc phòng hồi tháng Chín năm ngoái.
Nhà lập pháp này tiết lộ trong số các tài liệu bị đánh cắp có kế hoạch Chiến dịch 5015, kế hoạch chi tiết gần đây nhất chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh Triều Tiên.
Các kế hoạch bao gồm chi tiết cho một cuộc tấn công “thủ tiêu” người đứng đầu chính quyền Triều Tiên.
Thông tin được đưa ra trong bối cảnh Hàn Quốc lo ngại Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ dùng biện pháp quân sự để kiềm chế chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo đang phát triển nhanh của Triều Tiên.
Ông Lee khẳng định, theo nguồn tin từ các quan chức quốc phòng Hàn Quốc, 235 GB dữ liệu đã bị đánh cắp, dù 80% tài liệu vẫn chưa được xác nhận.
Trong số những hồ sơ tài liệu được xác nhận là kế hoạch bất ngờ cho lực lượng đặc nhiệm Seoul cũng như thông tin về các cơ sở quân sự, nhà máy phát điện quan trọng, nhà lập pháp cho biết.
Triều Tiên được cho là có khả năng tấn công mạng cực giỏi. Hacker Triều Tiên bị cáo buộc đứng sau nhiều vụ tấn công vào các hãng phim, trung tâm tài chính và Chính phủ nhiều nước trên thế giới.
Gần đây nhất, tổ chức an ninh FireEye cho biết, các tin tặc Triều Tiên đã tìm cách lấy trộm bitcoin (tiền ảo) từ sàn giao dịch Hàn Quốc như cách để tránh các lệnh trừng phạt quốc tế.
Hãng tin Yonhap cho hay, hồi tháng Năm, bộ Quốc phòng Hàn Quốc cũng tiết lộ nước láng giềng đã xâm nhập vào mạng trực tuyến quân sự của Seoul song không nói rõ tài liệu gì bị đánh cắp vào thời điểm đó.
Shin Jong-woo, nhà nghiên cứu tại diễn đàn An ninh và Quốc phòng Hàn Quốc đánh giá: “Đây là sự thất bại trong việc quản lý và giám sát thông tin mật”.
“Chúng ta có những tổ chức có nhiệm vụ giám sát vấn đề an ninh mạng… nhưng các tổ chức đã không tuân thủ quy trình, nguyên tắc và họ đã thất bại trong việc đảm bảo kỷ luật quân sự”, nhà nghiên cứu Shin Jong-woo cho biết.
Mới đây, ông Kim Jong-un lên tiếng bảo vệ việc phát triển chương trình vũ khí hạt nhân của nước này. Ông cho biết, đây là “công cụ hữu hiệu bảo vệ an ninh và hòa bình ở bán đảo Triều Tiên và Đông Bắc Á”.
Mỹ, Hàn Quốc không bình luận sâu về vụ việc
Bàn luận về cáo buộc Triều Tiên đánh cắp tài liệu quân sự của nghị sĩ Hàn Quốc, bộ Quốc phòng Hàn Quốc tuyên bố, không thể xác nhận bất kỳ điều gì nhà lập pháp cung cấp về nội dung tài liệu bị lấy cắp do tính nhạy cảm của vấn đề.
Lầu Năm Góc tại Washington, Mỹ, cũng cho biết đã nhận thức được báo cáo của giới truyền thông, nhưng không bình luận sâu về vụ việc.
“Mặc dù tôi sẽ không bình luận về các vấn đề tình báo, hay những sự cố cụ thể liên quan đến xâm nhập không gian mạng, tôi có thể đảm bảo, chúng tôi tin tưởng vào sự an toàn của các kế hoạch hoạt động của chúng tôi và khả năng của chúng tôi để đối phó với bất kỳ mối đe dọa nào từ phía Triều Tiên”, phát ngôn viên Lầu Năm Góc, Đại tá Robert Manning chia sẻ.
Xem thêm >> Chân dung người em gái bí ẩn của ông Kim Jong-un vừa được vào bộ Chính trị