Ít nhất nửa triệu người ở trong lòng chiến sự Iraq, thành phố Mosul, không được tiếp cận với nước sạch, Liên Hợp Quốc cho biết.
Dùng nước làm ‘vũ khí’
Một trong 3 đường ống dẫn nước chính trong thành phố Mosul đã bị phá hủy trong quá trình lực lượng quân đội Iraq chiến đấu, tiêu diệt những phần tử khủng bố cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở phía đông Mosul.
Các đường ống nói trên hiện đang nằm ở trong vùng lãnh thổ mà IS kiểm soát nên không có cách nào tiếp cận được để sửa chữa, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc UNICEF cho biết hôm 30/11.
Bắt đầu từ tháng 10 vừa qua, quân đội Iraq đã bắt đầu thực hiện chiến dịch lớn nhất từ trước tới nay nhằm giải phóng thành phố Mosul sau hơn 2 năm nơi này bị IS kiểm soát. Thành phố này được coi là căn cứ lớn cuối cùng của nhóm khủng bố tại Iraq.
Giới chức và các nhân chứng đã ghi nhận việc đường ống dẫn nước bị vỡ nhưng những kẻ khủng bố cực đoan IS đã khiến cho tình hình càng trở nên phức tạp và leo thang hơn. Nhóm khủng bố này cố ý cắt nguồn cung cấp nước cho các khu vực gần tiền tuyến, theo Zuhair Hazem al-Jabouri, một quan chức Hội đồng Thành phố Mosul chịu trách nhiệm theo dõi cấp nước và năng lượng, cho biết.
“Chúng (IS) cắt điện tại các trạm bơm nước ở những khu vực mà quân đội Iraq đang thắng thế. Chúng khiến những người dân ở phía đông Mosul khổ sở vì không có nước uống, chúng muốn ép người dân phải phục tùng để làm những lá chắn sống cho khủng bố”, ông Jabouri nói.
Liên Hợp Quốc cho biết chính sách hà khắc trên của nhóm khủng bố đã khiến hơn 1 triệu người dân vô tội đang mắc kẹt trong Mosul bị ảnh hưởng.
“Có thể thấy rõ một kịch bản mà những kẻ khủng bố thường áp dụng tại nhiều nơi chúng chiếm đóng: sử dụng nước, thức ăn hay bất cứ thứ gì khác để ép dân chúng”, Lise Grande, điều phối viên nhân đạo của Liên Hợp Quốc tại Iraq, nói.
“Cách mà lực lượng Iraq chiến đấu là làm mọi thứ để bảo vệ người dân, trong khi đó IS lại tìm mọi cách để hãm hại họ”, bà Lisa Grande nói thêm.
Nhóm khủng bố Hồi giáo cực đoan IS đang kiểm soát các nhà máy cung cấp điện và nước trọng yếu cho hàng ngàn hộ dân ở Mosul nên chúng “đóng và mở nguồn nước bất kỳ khi nào chúng muốn”, Sabah al-Numan, người phát ngôn của lực lượng chống khủng bố Iraq nói.
Tuần trước, Lực lượng Tổng động viên Iraq (PMU) tuyên bố rằng quân đội Iraq đã hoàn toàn bao vây được Mosul. Diễn biến này giúp quân đội chính phủ khống chế nhóm khủng bố bằng cách cắt toàn bộ nguồn cung nhu yếu phẩm.
Nhưng đối với những người dân đang mắc kẹt bên trong thành phố, điều đó sẽ khiến họ phải cầu khẩn những kẻ khủng bố cung cấp đồ ăn, thức uống.
“Hàng trăm ngàn người dân đang sống trong bi kịch vì thiếu thức ăn, nước uống, điện sinh hoạt và chăm sóc y tế. Tôi kêu gọi tất cả các tổ chức quốc tế nỗ lực hơn để kết thúc thảm kịch ở Mosul. Chúng tôi cần nhiều hơn sự hỗ trợ và giúp đỡ”, Izzeddin Aldola, một nghị sĩ trong Quốc hội Iraq, nói.
Những tiếng nói yếu ớt từ trong lòng Mosul
Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, hơn 1.200 người, bao gồm cả trẻ em nhỏ hơn 2 tháng tuổi, đã được điều trị do những chấn thương liên quan đến chiến tranh.
Trong khoảng 10 ngày, công dân Mosul không được dùng nước sạch, một vài cộng đồng dân cư đã phải góp tiền cùng xây dựng giếng kể từ khi IS bắt đầu chiếm đóng vào năm 2014. Tới thời điểm hiện tại, nhiều chiếc giếng đã được khai thác sử dụng trở lại.
Anh Abu Ahmed (tên nhân vật đã được thay đổi vì lý do an ninh) cho biết, rất khó để lấy nước từ những chiếc giếng này bởi họ cần có máy bơm và nhiên liệu, những thứ được coi là của hiếm ở giữa vùng chiến sự khốc liệt này.
Bên cạnh đó, nước dưới giếng không phải nước sạch, thường có nhiều đất, cát, khiến người dân mắc nhiều bệnh liên quan tới mắt, da, mũi họng và đường hô hấp, tiêu hóa...
Mỗi gia đình phải đợi chờ trong nhiều ngày mới mong tới lượt lấy nước, nhưng cũng chỉ được một vài bình, anh Abu Ahmed nói.
“Các con tôi không hiểu rằng chúng tôi đang rất vất vả để có thức ăn và nước uống. Chúng không hề biết rằng mọi người đang khổ sở sống qua từng ngày như thế nào”, người cha trẻ tuổi Abu Ahmed nói.
Cô Om Nayem, chị gái của anh Abu Ahmed, cho biết họ không bao giờ muốn phải dùng nước ở trong giếng suốt một thời gian dài. Cô và 5 đứa con nhỏ luôn mong mỏi hàng ngày chờ ngày cuộc chiến kết thúc.
“Chúng tôi từng nghĩ rằng người dân ở đây sẽ được giải phóng đầu tiên, nhưng tới giờ, chúng tôi vẫn chờ đợi. Tất cả mọi người đều cảm thấy tuyệt vọng”, cô nói và cho biết thêm rằng suốt gần 2 tháng qua, cô không ra khỏi nhà và chỉ cho lũ trẻ chơi ở trong phòng.
Cậu con trai 16 tuổi của Om Nayem có lẽ là người bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi cuộc chiến. “Nó không ngủ, và luôn kêu ca rằng ‘Bao giờ chúng ta mới được tự do’?”, cô nói.
“An toàn là điều quan trọng nhất với tôi lúc này. Chúng tôi muốn cả thế giới biết những điều mà chúng tôi đang phải trải qua, và chúng tôi chỉ muốn sống cuộc sống bình thường”, Om Nayem tuyệt vọng chia sẻ.
“Tôi không muốn các con chết trước mặt tôi. Tôi không có sự lựa chọn nào khác nếu tình trạng tiếp tục như thế này, ngoài việc cùng gia đình bỏ nhà và đi về phía tây”, Abu Ibrahim, một công dân Mosul khác nói.
Xem thêm: Điện Kremlin đề nghị Thổ Nhĩ Kỳ làm rõ tuyên bố lật đổ ông Assad
Danh Tuyên