Đến chùa Hương (Mỹ Đức, Hà Nội), chúng tôi thực sự bị choáng ngợp bởi dòng người trẩy hội đầu năm, nhưng có lẽ ấn tượng nhất vẫn là cảnh san sát những cửa hàng bán thịt thú rừng khiến chúng tôi có cảm giác mình đang lạc vào một khu chợ thực phẩm.
Quanh khu vực bến Đục, qua quan sát của PV, chỉ trong đoạn đường chưa đầy 300m mà đã có đến gần 20 quán trưng bày thịt thú rừng với chi chít những biển quảng cáo khẳng định thương hiệu mà không quan tâm rằng mình có phạm pháp hay không, như: “Thịt nai rừng chính hiêu”; “Thịt nhím 100%” “Lợn rừng, Chồn, Cầy hương, Cầy bạc má, Cầy hoa, Hoẵng, Cáo…
Khi tìm hiểu về giá cả của các loại thịt “đặc sản” này, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi mức giá khá … “mềm”. Thịt của các loại thú rừng ở đây dao động từ 200.000 - 400.000đồng/kg, 300.000 đồng/kg thịt nai rừng, hoẵng rừng 400.000 - 600.000 đồng/kg; cầy vòi 300.000- 350.000 đồng/kg; nhím thì 350.000- 400.000 đồng/kg…
Anh K. (Quốc Oai, Hà Nội), một du khách “sành” về thịt thú rừng khẳng định: “Với gia như vậy, không thể mua được thịt nai xịn. Hiện nay, thịt trâu, thịt bò cũng trên thị trường cũng đã có giá 150.000 – 200.000 đồng/kg, ngày Tết giá lên tới 300-400.000đồng/kg. Vì thế, không thể có chuyện thịt nai rừng xịn mà giá chỉ 300.000đồng/kg.
Thịt thú rừng "xịn" móc hàm tại chùa Hương
Cũng theo ghi nhận của PV, các cửa hàng tại đây không ghi mức giá cụ thể trên biển quảng cáo vì chủ quán nhìn mặt khách để “quát” giá. Có những vị khách “sộp” bị quát giá cao, còn những khách kỳ kèo thì mền hơn một chút.
Bày tỏ sự nghi ngờ khi chỉ bỏ ra một chút tiền khá mỏng mà có thể sở hữu thịt thú rừng đặc sản, một chủ hàng đon đả mời chào: Đây là thú rừng 100%. Các loại thịt thú rừng bán tại cửa hàng đều được săn về từ núi Hương Sơn nên tươi và nguyên chất”.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Chí Thanh, phó thường trực Ban tổ chức lễ hội chùa Hương năm 2012 cho biết, mấy năm trở lại đây tại khu di tích Hương Sơn không có hiện tượng bày bán thịt thú rừng ở khu vực chùa Hương, một số hộ gia đình bán thịt hươu sao nhưng đó có thể là thịt hươu được nuôi lấy nhung, hoặc đã già yếu nên bị giết thịt. “Thịt thú rừng” ở đây đa phần đều được "chế" từ thịt chó, thịt thỏ, thịt trâu và bò. Nhiều hộ kinh doanh vì lợi ích kinh tế mà sẵn sàng bán “thịt thú rừng” giả để lừa du khách thập phương. Còn trên thực tế, không có thịt thú rừng thật bán trong khu vực lễ hội.
Du khách khắp nơi về trẩy hội chùa Hương
Một mùa lễ hội nữa lại về với chùa Hương. Du khách thập phương ngày một đông đang trở về cửa Phật nơi đây. Và hàng trăm, ngàn lượt người trong số họ không hề biết rằng ngày đầu năm mới mình đã được ăn một miếng thịt “lừa” ngay trên đất Phật linh thiêng.
Hồng Dương