Chiêu lừa hơn 300 tỷ của người đàn bà buôn bán giày dép

Chiêu lừa hơn 300 tỷ của người đàn bà buôn bán giày dép

Thứ 5, 27/12/2012 23:49

Vừa gặp một người đàn bà lạ trong quán gội đầu, Hạnh “chém gió” nói mình quen biết thân thiết với tổng giám đốc công ty Viettel, nên mua được thẻ nạp điện thoại di động (ĐTDĐ) và ĐTDĐ với giá cực rẻ so với thị trường. Tin lời Hạnh, bà Vân Linh đề nghị được mua hàng…

Hơn 300 tỷ đồng và kiểu làm ăn chụp giật

Thấy Nguyễn Thị Hạnh (SN 1973, chỗ ở phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội), ăn mặc sành điệu, một bước lên xe ô tô, lại ăn nói có duyên, bà Nguyễn Thị Vân Linh mười phần ngưỡng mộ, đặt niềm tin vào người bạn mới quen. Trong phi vụ làm ăn đầu tiên mua thẻ ĐTDĐ và ĐTDĐ, bà Vân Linh xuất vốn 150 triệu đồng, tiếp đó là 120 triệu, 256 triệu…

Pháp luật - Chiêu lừa hơn 300 tỷ của người đàn bà buôn bán giày dép

Bị cáo Hạnh (Ảnh: Thành Long)

Thời gian đầu, Hạnh giao hàng đầy đủ, giá lại quá rẻ, bà Vân bán ngay ra thị trường thu lãi cao, chuyện buôn bán xem ra xuôi chèo mát mái. Khi thấy đối tác tin tưởng tuyệt đối vào mình, Hạnh rủ bà Vân Linh chung vốn để Hạnh trực tiếp buôn bán và hứa sẽ trả lãi suất cao trong ngày. Ngợp mắt trước số tiền “lãi khủng” mà Hạnh vẽ ra, có bao nhiêu tiền trong gia đình, bà Vân Linh dồn đưa hết cho Hạnh. Chiều tối nào, Hạnh cũng đánh ô tô đến nhà bà Vân trả tiền lãi, thu thêm tiền góp vốn. Nhưng nếu phía gia đình bà Vân Linh tinh ý thì có thể nhận thấy ngay rằng trong mối quan hệ làm ăn này, lợi nhuận thu về nhỏ hơn nhiều so với tiền vốn bỏ ra. Nhưng vì đang trong cảnh “ngồi mát ăn bát vàng”, không phải đổ mồ hôi, ngồi tại nhà mà vẫn kiến được tiền trăm, bạc tỷ mỗi ngày, nên bà Vân Linh không nhận ra Hạnh đang đưa cả gia đình bà vào ma trận của thị. Tổng cộng bà Vân Linh đã đưa cho Hạnh hơn 190 tỷ đồng, trong đó 131 tỷ đồng là tiền của 12 người thân trong gia đình. Trên thực tế, chuyện kinh doanh thẻ ĐTDĐ và ĐTDĐ chỉ là vỏ bọc, thủ đoạn để Nguyễn Thị Hạnh chiếm đoạt gần 30 tỷ đồng trên tổng số 190 tỷ đồng mà bà Vân Linh và những người thân trong gia đình đã đưa cho Hạnh.

Cùng thời gian này (tháng 8/2008), Nguyễn Thị Hạnh giăng mẻ lưới thứ 2 với bà Trần Thị Tố Uyên- một chủ doanh nghiệp kinh doanh xe máy thành đạt ở Hà Nội. Thông qua một nhân viên dưới quyền mình, bà Tố Uyên và con gái Tố Phượng đặt vấn đề mua sim ĐTDĐ và ĐTDĐ giá rẻ với Hạnh. Được dịp chém gió, Hạnh tuôn một tràng: “Nếu Phượng muốn lấy sim, thẻ ĐTDĐ mệnh giá 100.000 đồng của FPT, thì phải đặt cọc trước 100 triệu đồng mua 1.000 thẻ ĐTDĐ, giá chỉ 91.000 đồng/thẻ. Xin nói thêm, giá bán đại lý thẻ ĐTDĐ mệnh giá 100.000 đồng trên thị trường lúc này cũng trên dưới 94.000 đồng/thẻ”. Thấy món hời trước mắt, mẹ con bà Uyên đồng ý và đưa luôn cho Hạnh 500 triệu đồng mua thẻ ĐTDĐ. Với thủ đoạn như trên, sau một thời gian làm ăn với Hạnh, bà Tố Uyên và con gái đã giao cho Hạnh hơn 145 tỷ đồng. Đến nay Hạnh không có khả năng thanh toán.

Bị lừa vì hám lợi

Sáng ngày 18/6, Nguyễn Thị Hạnh phải ra hầu tòa về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Vừa trông thấy bị cáo bị trong phòng xét xử, nhiều bị hại bức xúc, có nhiều lời nói đay nghiến.

Tâm sự với PV báo ĐS&PL, bà Tố Uyên giọng bùi ngùi: “Quả thật cũng do mình hám lợi nên mới bị nó (Hạnh) lừa một cú hơn trăm tỷ. Đau lắm nhà ạ. Tôi không ngờ lại bị một con bán giày dép ngoài vỉa hè, mới học hết lớp 8 lừa như vậy. Như để giãi bày tâm sự, bà Tố Uyên kể tiếp: “Chú bảo, thẻ điện thoại mệnh giá 100.000 đồng, nó chỉ bán có 91.000 đồng. Tôi chi hàng trăm triệu đồng mua thẻ ĐTDĐ, chưa kịp nhận hàng, nó lại nói em có mối khách bán cho chị giá 100.000 đồng/thẻ. Như vậy, chỉ trong chốc lát, tôi bỏ ra 100 triệu đồng mua thẻ, đã được hưởng lãi luôn 9 triệu đồng. Mình hám lợi trước mắt, nên mới bị lừa”. Đấy mới chỉ là tiền mua thẻ ĐTDĐ, còn sim ĐTDĐ, ĐTDĐ thì lãi suất còn cao hơn nhiều. Chính vì vậy, từ lãnh vực kinh doanh xe máy, mẹ con bà Tố Uyên đã đầu tư hơn 145 tỷ đồng vào lĩnh vực kinh doanh thẻ, ĐTDĐ, tạo điều kiện cho Nguyễn Thị Hạnh tha hồ chiếm đoạt.

Trước tòa, HĐXX hỏi bị hại Vân Linh vì sao vẫn góp vốn hàng chục tỷ cho bị cáo Hạnh, trong khi bị cáo liên tục thất hứa, nhiều lần trả chậm tiền lãi kinh doanh lên đến cả chục tỷ đồng? Bị hại Vân Linh giọng thật thà: “Ngày nào bị cáo Hạnh cũng đến đi ô tô đến nhà tôi, ăn nói ngọt nhạt, nịnh nọt thì thôi rồi. Hạnh nói do tôi góp tiền đặt cọc cho công ty nhiều, nên được công ty thưởng vượt định mức. Quà tặng của công ty Hạnh mang đến nhà tôi gồm: 2.000 máy ĐTDĐ, trong đó có 1 máy Vetur trị giá 300 triệu đồng; 3 chiếc xe máy mới coong (2 xe Leed, 1 xe SH); 20 máy tính hiệu Vios, 1 máy giặt và cả xe ô tô, cốc chén và áo mưa… Chính vì những món hàng đắt tiền Hạnh mang đến nói dối là hàng công ty tặng thưởng đã khiến bà Vân Linh lóa mắt, tạm thời quên đi những lời hứa hẹn trả lãi hàng chục tỷ đồng của bị cáo Hạnh. Vì sao trong nhiều tháng làm ăn chung theo kiểu “giật gấu vá vai”, bà Vân Linh lại tin tưởng giao hơn 190 tỷ đồng cho Hạnh? Trước tòa, bà Vân Linh thừa nhận: “Với số tiền tôi đưa cho Hạnh, mỗi ngày tôi hưởng lãi nhiều tỷ đồng. Ngày cao nhất tiền lãi lên đến 40 tỷ đồng.

Bị cáo Hạnh đã đánh vào tâm lý hám lợi của các bị hại để chiếm đoạt tài sản. Theo tìm hiểu của PV, bị cáo Hạnh xuất thân từ một gia đình nghèo khó, bản thân đang đi thuê nhà để ở, bán giày dép ở khu vực quận Cầu Giấy, Hà Nội. Trước tòa, bị cáo này vẫn quanh co, chối tội. Vì nhiều vấn đề chưa được làm rõ, HĐXX TAND TP.Hà Nội dẫ quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung. Theo điều khoản đã bị truy tố, bị cáo Hạnh đang phải đối mặt với mứa án tù chung thân.

Thiên Long

(Tên nhân vật đã được thay đổi)


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.