Không khí của buổi làm việc hết sức căng thẳng khi đại diện các gia đình yêu cầu Công ty Vinalines Shipping nói rõ các việc đã và đang làm để cứu hộ các thuyền viên.
Cho đến thời điểm hiện tại mới chỉ tìm thấy 1 thủy thủ còn sống sót là anh Đậu Ngọc Hùng.
Và tung tích mới nhất là ngày 31/12, thông tin từ MRCC Hong Kong báo có phát hiện 1 xuồng cứu sinh và 1 phao bè của tàu Vinalines Queen không có người, bị hư hỏng nghiêm trọng và đang trôi dạt tại vị trí 20 – 04.3N 119- 25.E9. Đội bay của Vinalines Shipping thuê từ Philippines đã bay ra khu vực đó tìm kiếm, chụp ảnh và xác nhận các thiết bị này bị hư hỏng nặng, không có bất kỳ người nào trên đó.
Một tín hiệu khá lạc quan khác là người nhà gọi vào số điện thoại di động hòa mạng toàn cầu của 3 thủy thủ thì thấy điện thoại vẫn đổ chuông. Điều này khiến người nhà vẫn hy vọng các thủy thủ còn sống sót và gấp rút thúc dục các cơ quan chức năng tìm kiếm khẩn trương "còn nước còn tát".
Tại buổi gặp gỡ giữa các thân nhân của thuyền viên tàu Vinalines Queen với chủ tàu và Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn tối ngày 1/1/2012, chị Trần Thị Thắng, vợ máy trưởng Lê Bá Trúc chất vấn: Tại sao đến thời điểm này, vẫn tiếp tục chỉ thuê máy bay tìm kiếm mà không phải là những phương tiện chuyên dụng khác?
"Máy bay cứu nạn của Nhật Bản, Đài Loan đã tìm kiếm nhiều ngày mà vẫn không phát hiện ra thuyền viên Đậu Ngọc Hùng phải chờ tới khi một tàu khác vớt được đó thôi", chị Thắng nói trong nước mắt.
Cũng theo chị Thắng, hiện vẫn có khả năng nhiều thuyền viên đang mắc kẹt ở các đảo san hô quanh khu vực tàu bị nạn. Do vậy, Công ty Vinalines Shipping cần tích cực hơn nữa trong các hoạt động tìm kiếm 22 thuyền viên còn lại.
“Tôi đề nghị chúng ta có sự phối hợp tốt hơn nữa, Công ty đứng ra đại diện để cầu cứu các cơ quan chức năng. Để làm sao đẩy nhanh việc tìm kiếm hơn nữa, chúng tôi không thể nào chịu đựng được cảnh chồng, con mình trôi trên biển rồi chết lạnh…chúng tôi không chấp nhận như thế”, giọng chị Thắng bức xúc.
Chị Nguyễn Thị Tâm, vợ thuyền trưởng Nguyễn Văn Thiện cũng khẩn thiết đề nghị: “Chồng con chúng tôi có thể còn sống, còn mắc kẹt lại tại các hoang đảo xa xôi nào đó trong khu vực tàu Vinalines Queen bị nạn – hãy cứu họ, bằng tất cả những gì có thể.”
Đại diện Vinalines Shipping – ông Phan Xuân Sơn giải thích: “Công ty đã thuê máy bay tích cực tìm kiếm suốt mấy ngày nay. Ngoài ra, vẫn tích cực phối hợp với Vietnam MRCC nhờ các tàu thuyền trong khu vực tìm kiếm”.
Tuy nhiên, những thông tin này không thuyết phục được người nhà nạn nhân. Chị Tâm bức xúc: "Kinh nghiệm như thế, sao 3 ngày tìm kiếm bằng máy bay rồi mà vẫn lại tiếp tục thuê máy bay? Sao không phải là một phương án khác, phương tiện khác? Sao vẫn chưa thuê tàu tìm kiếm tại những bãi san hô, bãi đá?".
Ông Lê Bá Hợp, anh trai của máy trưởng Lê Bá Trúc, người có nhiều kinh nghiệm về hàng hải phân tích và chỉ ra rằng: “Công tác tìm kiếm vừa qua chưa thích hợp và chưa đủ, khu vực tàu Vinalines Queen bị nạn có rất nhiều đảo san hô do đó vẫn có thể các thuyền viên mắc kẹt ở đó. Hãy thuê lực lượng, phương tiện của Nhật Bản tìm kiếm, cứu nạn con, em chúng tôi. Không chỉ dùng máy bay mà bằng tàu biển, tàu chở máy bay tới và máy bay tìm. Hãy nghĩ xem, chúng ta đã thuê rồi mà tìm vẫn không thấy Đậu Ngọc Hùng, chứng tỏ chúng ta làm chưa hết sức, chưa hết cách. Phải có phương tiện chuyên dụng hơn nữa, quyết tâm cao hơn nữa".
Buổi gặp gỡ giữa thân nhân các thủy thủ với chủ tàu và Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn.
Đại diện Công ty Vinalines Shipping cho biết, công ty đã thành lập tổ tìm kiếm cứu nạn thuyền viên tại Philippines sau khi phát hiện thuyền viên bị nạn Đậu Ngọc Hùng được cứu vớt. Và theo báo cáo mới nhất của Tổ công tác gồm 3 người, do Vinalines Shipping cử sang Philippines tìm kiếm thuyền viên thì việc lật tàu Vinalines Queen diễn ra nhanh, ngay sau bức điện báo cuối cùng của thuyền trưởng báo về công ty, do vậy khả năng sống sót của các thủy thủ còn lại là không cao. Có khả năng các thuyền viên trôi dạt vào các đảo hoang khu vực Balintang (Trung Quốc).
Ông Nguyễn Văn Hạnh, giám đốc Công ty Vận tải biển Vinalines Shipping khẳng định: “Công ty chịu trách nhiệm trước sự cố này và sẽ nỗ lực cùng gia đình các thuyền viên làm tất cả những gì có thể để tìm kiếm các thủy thủ. Ưu tiên hàng đầu hiện nay là tìm kiếm các thuyền viên còn lại.
“Tất cả các thuyền viên và tàu đều được mua bảo hiểm. Chế độ chính sách, bảo hiểm của các thuyền viên sẽ được thực hiện theo đúng hợp đồng mà các thuyển viên đã ký với công ty”, ông Hạnh nói.
Kết thúc buổi gặp gỡ, đại diện các gia đình vẫn khẩn thiết đề nghị tiếp tục triển khai tìm kiếm cứu nạn ở cấp quốc gia, bằng mọi phương tiện, vật lực có thể. Hiện nay, việc thuê phương tiện tiếp tục tìm kiếm con tàu mang theo 22 sinh mạng thủy thủ đoàn đã được Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn giao cho phía chủ tàu Vinalines Shipping. Công ty hàng hải này cũng đã lập tức thuê máy bay tiếp tục tìm trên vùng biển 2 ngày qua. Song, có vẻ như kéo dài việc thực hiện nhiệm vụ này là quá sức của chủ tàu, cả về tài chính lẫn kinh nghiệm.
Cẩm Tú