Tuy nhiên, khi xã tiến hành giải phóng mặt bằng để bàn giao đất cho công trình cứng hóa đường 422 thì quyền lợi của người dân bỗng bị “bỏ quên” khiến người dân bức xúc.
Xã “bảo kê” cho vi phạm?
Ông Nguyễn An Năm (trú tại Cụm 1, thôn Trung, xã Liên Trung, huyện Đan Phượng, Hà Nội) cho biết, năm 1985 ông ra làm xưởng mộc ở khu vực đê Quai đường 422. Đến năm 1997, UBND xã Liên Trung có hợp đồng sử dụng đất công phát cho các hộ dân ký theo dạng 1 năm một và phải nộp tiền vào ngân sách xã. Kể từ đó đến nay chúng các hộ vẫn sử dụng ổn định, thỉnh thoảng huyện, xã cũng có các thông báo yêu cầu người dân tự thu dẹp tài sản sát khu vực hai bên cơ đê nhằm đảm bảo công tác phòng chống lụt bão hằng năm.
Đến năm 2001, xã không thu tiền theo dạng hợp đồng nữa mà chuyển sang thu lệ phí sử dụng (từ 2001 – 2004) mỗi năm thu khoảng từ 1.000.000 đồng đến gần 2.000.000 đồng. Sau đó xã không thu tiền và cũng không có thông báo gì về việc xâm phạm hành lang đường 422. Như vậy, người dân có được địa điểm kinh doanh này là do có sự đồng ý của UBND xã Liên Trung chứ không tự ý lấn chiếm xây dựng trái phép.
Hàng loạt nhà xưởng bị cưỡng chế, phá dỡ
Đến ngày 11/5/2012, các hộ dân nhận được thông báo của xã yêu cầu phải tháo dỡ nhà xưởng và vận chuyển tài sản để giao mặt bằng cho công trình cứng hóa đường 422 Liên Trung. Điều kì lạ ở chỗ, mặc dù đây là dự án cấp thành phố nhưng người dân trong xã và những hộ dân nằm ở khu vực dự án lấy đất làm đường không được thông báo gì về dự án này và không có quyết định thu hồi đất nào của UBND huyện Đan Phượng cũng như phương án đền bù của Hội đồng GPMB huyện?!
Cũng theo ông Năm, sau khi phát hiện sự việc, rất nhiều hộ dân đã phản ánh đến xã, huyện về việc làm không đúng quy định của Luật đất đai và các văn bản pháp lý liên quan. Đặc biệt là quy định tại điều 32, 34 Quyết định 108 của UBND thành phố Hà Nội về việc bồi thường, hỗ trợ di dời đối với những trường hợp bị giải tỏa khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn thành phố Hà Nội nhưng đến nay vẫn chưa được các cấp chính quyền trả lời thỏa đáng thậm chí UBND xã còn làm ngơ?
Ngày 12/6 vừa qua, UBND xã Liên Trung có mời người dân lên trụ sở làm việc. Tại đây đại diện lãnh đạo xã Liên Trung trả lời hết sức chung chung các câu hỏi của người dân và cho biết xã không có quyền lên phương án đền bù hỗ trợ mà làm theo sự chỉ đạo của huyện. Cùng ngày, người dân tiếp tục nhận được Thông báo số 15 của UBND xã Liên Trung yêu cầu phải tháo dỡ nhà xưởng, vận chuyển tài sản để giao mặt bằng cho đơn vị thi công trước 17h ngày 16/6/2012, nếu không bàn giao sẽ bị các lực lượng của huyện, xã cưỡng chế thu hồi toàn bộ vật liệu. “Tôi không thể hiểu nổi cách làm của xã, tôi có kí hợp đồng, nộp tiền vào ngân sách xã mới được quyền sử dụng mảnh đất hơn 800m2, đó còn chưa kể tới để có mặt bằng sản xuất tôi phải đầu tư hàng trăm triệu đồng mới được như vậy. Nay xã chỉ ra thông báo yêu cầu phá dỡ, tự giải tỏa mà không thấy đề cập tới việc hỗ trợ, bồi thường di dời tài sản. Việc làm này không thể nào chấp nhận được” – ông Năm bức xúc.
Anh Võ Văn Dũng, một chủ xưởng sản xuất gỗ ở khu vực cho biết, người dân có kí kết hợp đồng với xã hẳn hoi, thế nhưng không hiểu sao họ lại vin vào cớ giải tỏa mặt bằng do vi phạm hàng lang đê điều là không thể chấp nhận được.
"Nếu vi phạm thì tại sao xã lại cho chúng tôi kí hợp đồng như vậy? Ngày 15/6 vừa qua, xã có mời các hộ dân lên trụ sở làm việc. Tại buổi làm việc ông chủ tịch xã cho biết các hộ có hợp đồng sử dụng đất được hỗ trợ 50% lán xưởng còn không có hợp đồng là 10% lán xưởng. Người dân đồng tình, yêu cầu trước bên trung tâm phát triển quỹ đất huyện đã đo đạc kiểm điếm tài sản thì xã cho một bản danh sách nếu không thì phá, dỡ đến đâu đo đạc, kiểm đếm lập biên bản ghi nhận thực tế tài sản nhà xưởng máy móc, nguyên vật liệu đến đó. Ngày 16/6, xã cùng đoàn cưỡng chế của huyện đến cưỡng chế, giải tỏa nhưng lại không thực hiện như những gì đã hứa, không thể nào chấp nhận được kiểu một vị chủ tịch xã lại có kiểu hứa “tiền hậu bất nhất” như vậy được, anh Dũng nhấn mạnh.
Chỉ là giải tỏa vi phạm cơ đê?
PV báo Người đưa tin đã liên hệ với ông Hoàng Hữu Hà, chủ tịch UBND xã Liên Trung nhưng được ông Hà trả lời thẳng thắn qua điện thoại: “Những hộ dân đó gửi rất nhiều đơn thư vượt cấp gây khó khăn trong công tác quản lý. Thực ra việc giải tỏa đó chỉ là chấn chỉnh, giải tỏa những vi phạm về cơ đê (Theo Luật đê điều quy định có mặt đê, mái đê và cơ đê) nhằm phòng chống trong mùa mưa bão. Đề cập về việc xã kí hợp đồng sử dụng đất công với các hộ dân, ông Hà cũng nhấn mạnh, đó là thời điểm ngày trước còn sau này xã không kí hợp đồng nữa. Còn chuyện thu tiền có biên lai đó có thể do cán bộ, nhân viên mang đi thu chứ lãnh đạo xã không biết".
Ông Nguyễn Quý Mạnh, giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Đan Phượng cho biết thêm, có thể thấy hợp đồng cho thuê sử dụng đất công không chặt chẽ, không đề cập rõ nội dung khi thu hồi, giải tỏa như thế nào… như vậy trách nhiệm chính thuộc về xã Liên Trung. Phía Trung tâm cũng nhận được đơn của người dân nhưng có bồi thường hay không thì chúng tôi phải báo cáo Hội đông bồi thường, hỗ trợ GPMB huyện để hội đồng biểu quyết thông qua lúc đó mới trả lời được.
Cũng theo ông Mạnh, trách nhiệm giải tỏa vi phạm hành lang đê điều là việc làm hàng năm, vì xã Liên Trung cho thuê nên phức tạp như vậy chứ ở nơi khác thì đã cho bay từ lâu rồi. Còn về dự án cứng hóa đường 422 hiện thành phố không có vốn nên chúng tôi chưa triển khai được.
Ông Đinh Hữu Hạnh, chủ tịch UBND huyện Đan Phượng cũng cho biết: "Việc xã cho thuê hợp đồng và thu phí ra sao tôi không được biết. Tuy nhiên, trước đơn phản ánh của người dân, chúng tôi sẽ giao cho các phòng ban chức năng xem xét, giải quyết. Nếu thuộc thẩm quyền của huyện, tôi sẽ trực tiếp đối thoại, trả lời người dân để họ hiểu rõ vụ việc. Tuy nhiên, hiện tại chưa có quyết định nên chưa biết ai đúng, ai sai. Khi có quyết định mới giải quyết cụ thể được. Nếu xã có hợp đồng cho thuê như vậy chắc chắn sẽ phải xem xét bồi thường, hỗ trợ theo quy định của UBND thành phố".
Hoàng Văn