Dù nhà lãnh đạo Mỹ tiết lộ rất ít về chính sách của tân Tổng thống Donald Trump đối với khu vực châu Á, nhưng có nhiều gợi ý cho thấy, con đường mà ông Trump sẽ đi ở khu vực này như thế nào.
Thông qua tuyên bố của các cố vấn hàng đầu và trong bài phát biểu nhậm chức của ông Trump, cây bút Jesse Johnson từ tờ Japan Times cho rằng, có vẻ như Tổng thống Mỹ muốn đặt nền móng cho một chính sách mang hơi hướng của cựu Tổng thống Ronald Reagan, nhưng được rút gọn và cơ động hơn. Một trong những trọng tâm chính là khẳng định "hòa bình thông qua sức mạnh".
Sau hai tháng nhậm chức, Tổng thống Trump vẫn thể hiện một chính sách khá mơ hồ về châu Á. Mặc dù các vị trí chính sách đối ngoại trong nội các đã được lấp đầy, vẫn có hàng trăm, nếu không nói là hàng ngàn chức vụ trong bộ Ngoại giao Mỹ đặc trách khu vực này vẫn để trống.
Chỉ đến khi các nhân vật mới này lộ diện, lập trường thực sự của chính quyền Trump với châu Á mới thật sự hiện hữu, Giáo sư Joseph Chinyong Liow từ trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, thuộc đại học Nanyang, Singapore nêu quan điểm.
Tuy nhiên, viết trên Straits Times, Giáo sư Liow cũng đánh giá, sau hai tháng ở Nhà Trắng, cách tiếp cận của chính quyền Mỹ đối với an ninh khu vực đã khác so với tuyên bố cứng rắn lúc trước mà thay vào đó là “khá cân bằng”.
Mối quan hệ với Nhật Bản đã quay trở lại sự bình ổn với động thái kịp thời của Thủ tướng Shinzo Abe khi nhanh chóng có cuộc gặp với ông Trump, nhằm dập tắt mọi vấn đề âm ỉ đang lôi kéo Mỹ ra khỏi hiệp ước an ninh truyền thống với Tokyo.
Đồng thời, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis đã có chuyến thăm thành công tới Nhật Bản, nơi ông tăng cường cam kết của Mỹ trong khu vực, cũng như có mặt tại Seoul - nơi ông trấn an giới lãnh đạo Hàn Quốc rằng Washington sẽ sát cánh bên họ trước mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên.
Về mối quan hệ với Trung Quốc, Tổng thống Trump đã chủ động giảm căng thẳng với tuyên bố rằng, chính quyền của ông sẽ tôn trọng chính sách "một Trung Quốc".
"Tất cả điều này cho thấy, công chúng không cần phải phải quá lo ngại đối với những gì mà Tổng thống Mỹ tuyên bố trên trang Twitter cá nhân. Vì sau tất cả, ông Trump vẫn là một chính trị gia lớn, ông thừa hiểu rằng từ lời nói đến hành động sẽ cần có một sự cân nhắc kỹ đến mức nào", Giáo sư Liow nhận xét.
Trong quan điểm của mình, Giáo sư Liow cũng chỉ ra rằng lời phàn nàn của ông Trump về việc Mỹ đang phải đảm đương trách nhiệm an ninh quá lớn với các đồng minh không phải là mới.
Theo các cách khác nhau, Tổng thống Bill Clinton, George W. Bush hay Obama cũng từng yêu cầu đối tác của mình chia sẻ gánh nặng chi phí với Washington nhiều hơn.
Điều này là hoàn toàn thực tế bởi Mỹ không còn đủ khả năng để bao bọc một cách hào phóng cho tất cả đồng minh như lúc trước.
Tuy nhiên, Washington đã làm dịu đi quan điểm của mình khi không nói nhiều về chia sẻ gánh nặng quốc phòng.
Không khoan nhượng với Trung Quốc
Nhiều nhà phân tích thường chỉ bàn luận về những tác động của TPP trên góc độ an ninh ở châu Á, nhưng theo quan điểm của Giáo sư Liow, quyết định của ông Trump đơn thuần là câu chuyện trên góc độ kinh tế và thương mại.
Bằng việc rút lui, ông Trump đã gửi một tín hiệu rõ ràng rằng, ông không quan tâm đến các hiệp định thương mại đa phương mà ông cảm thấy bất lợi cho Mỹ. Washington sẽ chỉ đi theo các thoả thuận song phương mà ông chắc chắn sẽ mang lại lợi ích cho Mỹ hay chí ít là cho cả hai bên.
Theo Giáo sư Liow, tâm điểm trong quan hệ kinh tế với châu Á dưới thời Tổng thống Trump sẽ là cuộc đối đầu với Trung Quốc. Giới quan sát đánh giá, Washington có thể vẫn đang hướng tới một cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh dù cho nước này đã lên tiếng xoa dịu tình hình.
Tuy nhiên, đang có hai luồng ý kiến trong đội ngũ cố vấn hiện tại của ông Trump. Trong khi nhóm cố vấn an ninh quốc gia ủng hộ việc cứng rắn với Bắc Kinh, ngược lại đội ngũ cố vấn kinh tế lại lo ngại những tác động tiêu cực khi cuộc chiến thương mại giữa hai nước nổ ra.
Theo Giáo sư Liow, dường như ông Trump sẽ vẫn chọn định hướng ban đầu của mình là chống chủ nghĩa bảo hộ của Trung Quốc và sẽ kiên định đưa nước Mỹ theo con đường này.
Giáo sư Liow kết luận, trong chính sách châu Á hiện tại, lập trường của Washington là vẫn thể hiện sự ủng hộ lớn trong các vấn đề an ninh mang tính chất đặc biệt tại khu vực này.
Trong khi các lĩnh vực liên quan đến kinh tế, thương mại, vẫn là điều mà chính quyền Trump xem xét để có những biện pháp mạnh tay.
Chuyên gia Mira Rapp-Hooper, một thành viên cao cấp từ Trung tâm An ninh Mới ở Washington cho rằng, mặc dù mục tiêu tăng ngân sách quân sự của ông Trump ngay trong năm đầu đã vượt trội so với kế hoạch cũ của ông Obama, nhưng muốn nâng tầm ảnh hưởng khu vực sẽ không thể phát triển nếu chỉ theo đuổi sức mạnh quân sự.
Rapp-Hooper cho biết: "Sự tham gia sâu sắc vào ngoại giao, tham gia tích cực vào ASEAN, APEC và nhiều hơn nữa; duy trì luật pháp là cần thiết để thông báo cho khu vực rằng sự hiện diện của Mỹ là tốt cho châu Á. Chính quyền mới phải tiếp tục tìm cách đóng góp và duy trì trật tự quốc tế - không phải là phá hoại hoặc làm suy yếu nó".
Đọc thêm>>> Ngôi trường góp phần định hình tính cách và số phận TT Trump
Quốc Vinh