Tại một vùng quê nghèo ở tỉnh Vĩnh Phúc có câu chuyện tình vẫn được mọi người nhắc đến – cô em vợ quyết lấy anh rể để nuôi các cháu giúp người chị quá cố qua đời vì bệnh hiểm nghèo.
“Tôi cũng không hiểu sao mình có thể yêu anh ấy lâu đến vậy, từ lúc anh ấy còn là chàng trai đến nhà tôi tìm hiểu chị gái đến khi họ thành vợ thành chồng. Càng chứng kiến những tình cảm chân thành mà anh ấy dành cho gia đình, cho chị gái và các con, tôi càng cảm phục và có lẽ không chàng trai nào đến với tôi sau này vượt qua được thước đo đó”, lời tâm sự của bà T.
> Đọc thêm: Trơ mắt nhìn tình địch chăm chồng ngay tại nhà mình
Hình mẫu lý tưởng
Năm bà T. 14 tuổi, chị gái của bà tên H. vừa tròn 18 tuổi, là mơ ước của bao chàng trai. Tối nào nhà họ cũng tấp nập khách khứa qua chơi. Hầu hết là các thanh niên trai trẻ khắp trong làng ngoài xã, thậm chí có cả các chàng trai cách nhà hàng chục cây số cũng lọ mọ đạp xe tới ngồi chơi chỉ được dăm chục phút rồi lại lọ mọ đi về. Người ta có câu: “Muốn yêu cô chị phải chiều cô em”, vậy nên khi nhiều chàng trai đến chơi nhà, người vui nhất lúc bấy giờ lại là cô bé T.
Trong số các chàng trai tới chơi với chị gái lúc bây giờ, T. thích nhất là anh K., tuy không đẹp trai bằng anh P., không cho bà nhiều quà bằng anh D. nào đó nhưng chẳng hiểu sao bà lại quý nhất. “Tôi cũng chẳng hiểu tại sao mình lại thích anh ấy nhất. Khi đó anh ấy có lấy lòng tôi chứ, rất cưng chiều là đằng khác nhưng có những anh khác còn nịnh tôi bằng quà cáp nữa cơ, ấy thế mà tôi vẫn quý anh ấy nhất. Có lẽ hồi 14 tuổi, tôi đã có giác quan thứ sáu rồi”, bà T cười nói.
Và người mà chị gái bà chọn chính là ông K. Cùng năm ấy, họ tổ chức đám cưới. Chị gái bà 18 tuổi về nhà chồng rạng rỡ hạnh phúc, bà vui lắm. Những ngày chị gái mới lấy chồng, bà vẫn chạy qua chạy lại chơi thăm anh chị thường xuyên. Lúc chị sinh cháu, bà cũng chính là người hay tất bật, sốt sắng tới chăm sóc nhất.
> Đọc thêm: Lạ lẫm sắc xuân Việt Nam
Ảnh minh họa
Niềm vui của bà khi đó là mỗi lần tới nhà chị chơi được nhìn anh rể chăm sóc vợ, hì hụi nấu cơm giặt đồ, chẳng quản ngại việc gì. Vài năm sau, một lần nữa nhà bà lại chật kín những chàng trai đến chơi, nhưng lần này bà là nhân vật chính của sự hội ngộ đó. Các chàng trai cứ đến rồi đi mà bà chẳng tìm được một bến đậu cho riêng mình. Mặc bố mẹ và các anh chị giục giã, bà vẫn bình chân như vại.
> Đọc thêm: Chồng đổ bệnh vì vợ im tịt khi 'yêu'
Mãi một tình yêu
Bà T. ở vậy đến 40 tuổi vẫn không chịu lấy chồng, gia đình bà đã quá mệt mỏi với người con gái ương ngạnh. Tuy thỉnh thoảng vẫn bóng gió xa xôi nhưng chẳng ai muốn thúc giục chuyện chồng con của bà thêm nữa. Bà vẫn sống cùng nhà với bố mẹ đẻ và thường xuyên chạy sang nhà chị gái chơi với các cháu.
Mỗi lần đến nhà, người anh rể thường hay trêu cô em vợ: “Dì T. bao giờ cho các cháu ăn cỗ đây?”. Lúc nghe lời nói ấy, mắt bà buồn rười rượi. Chẳng hiểu sao những người khác nói vậy bà có thể cười xòa, còn riêng với anh rể, bà thấy có cái gì đó tủi thân và hờn ghen trong lòng. Cảm xúc này bà giấu kín tới tận sâu trong đáy lòng. Mỗi lần gặp anh rể, bà đều rất vui nhưng rồi cảm giác khác xâm chiếm: buồn, tủi thân.
Bỗng một ngày, cái gia đình trong mơ của chị gái mà bà luôn yêu quý đã tan tác khi chị bà đột ngột qua đời vì căn bệnh quái ác, để lại ba đứa con nhỏ và ông chồng hụt hẫng sau cú sốc. Những ngày tang gia bối rối, lúc các cháu nhỏ cần người chăm sóc, bà luôn là người nén nỗi đau mất chị để an ủi, chăm sóc bốn bố con anh. Sẩy cha còn chú, sẩy mẹ bú dì, bà sang hẳn nhà anh chị lo hương khói trăm ngày và giữ cho những đứa trẻ lạc đàn mất mẹ không quá hụt hẫng.
Những ngày ở bên anh rể chăm sóc anh cùng các cháu, lòng bà càng khẳng định sâu sắc vị thế của anh rể trong trái tim. Hình ảnh một người đàn ông hết mực vì gia đình, tình cảm mà anh dành cho người chị đã khuất, sự yêu thương của ông bố chở che cho đàn con khiến bà càng cảm phục người anh rể.
Đến một ngày, không kìm nén được những tình cảm chất chứa trong lòng mấy chục năm qua, bà thú nhận với anh rể rằng: “Em yêu anh”. Bà nói hết với ông rằng, cũng vì yêu ông nên bà không thấy một chàng trai nào đủ sức vượt qua những hình mẫu mà ông đã tạo ra, và bà đành ở vậy đến giờ.
Xúc động trước tình cảm chân thành của người em vợ, trước cảnh các con bơ vơ và cần một bàn tay chăm sóc không thể thay thế của dì T. mà chúng luôn coi như mẹ, ông nói với bà về việc hai người về ở với nhau. Trước tin này, gia đình bà T. kiên quyết phản đối, ai cũng sốc trước quyết định của hai người.
Bà tâm sự: “Những ngày ấy bao cuộc họp gia đình khẩn cấp diễn ra, cả nhà bàn bạc qua lại nhưng tựu trung đều phản đối. Có hàng xóm ác khẩu còn dè bỉu bảo tôi tằng tiu với anh rể từ trước, chỉ mong chị chết để chiếm vị trí. Người ác độc hơn còn đồn thổi chúng tôi giết chị gái để hòng thoải mái đến với nhau. Buồn lắm”. Những lúc có áp lực gia đình và xã hội như vậy, lại chính ông là người đã luôn động viện an ủi bà.
Nói về việc bà T. lấy anh rể, ông H. ( anh trai của bà T. ) cho biết: “Lúc con T. là thiếu nữ, đi đâu hay làm gì, nó đều nhắc đến anh rể. Có lần nó thấy vợ chồng tôi cãi nhau, thế là nó mắng tôi không bằng anh rể. Lúc đó tôi cũng mắng nó thậm tệ đại loại như mày thấy nó tốt thì đến mà ở nhà nó đi. Sau lần đó nó giận tôi, không hề nói chuyện với tôi, và một tuần sau nó xin đến nhà anh rể ở thật".
"Lúc đó nó còn nhỏ nên tôi và gia đình cứ để cho nó sang đó, gần 1 năm thì bố mẹ tôi gọi nó về, mục đích để kiếm tiền cho nó một người đàn ông. Nhưng bao nhiêu người đến, nó đều không đồng ý, chỉ cần nói đến xem mặt là nó lại bỏ đi mấy ngày. Cứ thế cho đến khi chị gái nó bị bệnh, qua đời và từ đó nó chuyển luôn sang đó ở”.
Lúc đầu, gia đình cứ nghĩ bà T. chỉ sang nhà để giúp anh rể việc nhà cửa. Rồi bỗng một ngày, bà T. về nhà tuyên bố sẽ làm vợ anh rể để nuôi các cháu thành người. Cả gia đình hết sức ngạc nhiên và cấm đoán bằng mọi cách. Nhưng gia đình càng cấm cản thì bà T. lại càng quyết tâm.
> Đọc thêm: Con trai đi biệt xứ, con gái nhảy sông vì mẹ 'làm gái'
“Sẩy mẹ bú dì”
Khi hai người về sống cùng nhau, bao nhiêu việc lớn nhỏ trong nhà, việc chăm sóc các cháu đều một tay bà T. quán xuyến. Ba đứa cháu nhỏ mồ côi mẹ đang tuổi ăn tuổi học, rồi những tranh cãi tuổi mới lớn đều mang đến dì giải quyết. Hai cậu con trai lớn đến tuổi ẩm ương, cô gái út đến tuổi dậy thì…, bà luôn là người mẹ chăm sóc chu đáo yêu thương các cháu như chính con đẻ của mình. Ngoài những đứa con chị gái mà bà rất mực yêu thương, năm sau bà sinh cho ông một đứa con kháu khỉnh.
Hồi mới sinh em bé, tuy gia đình bà đã dần nguôi ngoai ý định phản đối nhưng họ hàng vẫn ngần ngại khi muốn giúp đỡ bà. Tất cả những khó khăn của người phụ nữ qua tuổi tứ tuần vượt cạn chỉ có ông và ba đứa cháu san sẻ. Những ngày này, được sự chăm sóc, yêu thương, bà càng hiểu rõ quyết định yêu ông và chờ đợi ông của mình là chính đáng. Nhìn ba đứa trẻ con chị gái gọi mình bằng mẹ cùng đứa con nhỏ lớn lên quấn quýt bên cạnh, bà sung sướng hạnh phúc biết bao.
Những tưởng sẽ cùng ông đi hết cuộc đời để chăm sóc, lo lắng cho đàn con nên người, vậy mà vào một ngày, ông bỏ mẹ con bà ra đi sau chuỗi ngày điều trị bệnh ung thư không kết quả. Ngày ông ủ bệnh rồi phát bệnh, đau đớn, dằn vặt, lại chỉ mình bà san sẻ cùng ông. Người con gái út của chị gái bà kể lại: “Trước khi chết, người mà bố tôi thương nhất là dì tôi. Bà cùng ông vượt qua những ngày tháng khó khăn nhất nhưng khi chúng tôi vừa khôn lớn, em nhỏ vừa cứng cáp, ông lại mắc bạo bệnh, gánh nặng đè lên vai dì. Giờ ông lại để dì một mình”.
Còn anh Hợp, con trai lớn, chia sẻ: “Cuộc sống này đã quá ưu đãi cho anh em chúng tôi, vì có hai người mẹ. Người mẹ đẻ đã cho chúng tôi hình hài. Mẹ tôi bị bệnh nặng qua đời lúc chúng tôi còn nhỏ, nhưng dì đã nuôi chúng tôi thành người và tôi không biết nói gì hơn là chúc dì luôn mạnh khỏe, sống lâu bên chúng tôi”. Nói đến đây, đôi mắt của anh bỗng đỏ và những giọt nước mắt hạnh phúc cứ thế trào ra.
Bây giờ, khi đứa con chung của bà T. và người anh rể đã hơn 10 tuổi, bà T. đỡ vất vả hơn. Mỗi buổi đi học về, cậu con trai đều quấn quýt bên mẹ, giúp mẹ hết việc này đến việc khác. Bà nói: “Nó hư nhất, nghịch nhất nhưng được cái thương mẹ”. Người con gái thứ ba cũng đã yên bề gia thất dưới bàn tay gây dựng lo lắng của bà. Nhưng hai cậu con trai lớn hiện vẫn còn độc thân.
Bà cười xòa âu yếm nói về các con: “Khi nào hai đứa nó cho tôi bế cháu chắc tôi mới thấy mình nhẹ nợ”. Nói đến đây bà nhìn lên bàn thờ có di ảnh của chị gái cùng chồng. Bà bảo, ở nơi chín suối ấy, hẳn hai người đang cùng nhau chứng kiến các con mình khôn lớn.
PV