Hàng một giá, rẻ như cho
“Chợ trời” là thuật ngữ chỉ các khu chợ tự phát, mọc lề đường chuyên bán các mặt hàng cũ kỹ, đồ sưu tầm, hàng hóa gom nhặt từ các vựa ve chai, hàng “chôm chỉa”.
Tại TP.HCM, các khu “chợ trời kiểu mới” mọc lên như nấm sau mưa và được gọi với nhiều cái tên như “siêu thị di động”, “chợ phiên”, “shop di dộng”...
Không cần phải đến chợ, siêu thị, người tiêu dùng có thể mua bất kỳ sản phẩm nào ngay trên lề đường, trong những khu chợ di động. Loại chợ này xuất hiện rất nhiều tại TP.HCM được gọi với tên "chợ trời kiểu mới".
Điển hình là khu vực vòng xoay khu dân cư Trung Sơn (tiếp giáp quận 7 và huyện Bình Chánh), khu vực bến xe quận 8 (quận 8), cổng các khu công nghiệp (quận Tân Bình, quận 7, quận Bình Tân), khu vực chợ sinh viên làng đại học (quận Thủ Đức)... Người dân quen gọi các xe hàng này là “siêu thị di động”, “shop di động”, “chợ phiên”...
Tại loại chợ trời này, mọi mặt hàng đều chỉ có một giá chung. Theo đó, một bó đũa, chiếc bàn chải đều có giá bằng một cái chậu, cái xoong, kệ dép,...
Trong một phiên chợ cuối tuần gần bến xe quận 8 (TP.HCM), tôi ghé vào một “siêu thị di động”. Trước quầy hàng là chiếc loa thùng to, phát đi thông điệp: “Mua đi, mua đi, hàng công ty, đồng giá như nhau. Chỉ 39.000 đồng trên một món hàng. Chúng ta có thể mua vật lớn vật bé, cái nhỏ cái to, không cần hỏi giá, cứ lựa một món. Mua về 1, 2 ngày không ưng đem ra đổi trả. Hàng chất lượng như siêu thị, hàng có nguồn gốc công ty, bảo hành 6 tháng...”.
Trong khi một thanh niên đang cố gắng hướng âm thanh từ chiếc loa ra đường, phía trong sạp hàng khoảng 3-4 nhân viên vừa phục vụ khách lựa đồ vừa tính tiền. Quan sát đồ đạc, tôi thấy có rất nhiều mặt hàng tiêu dùng và vật dụng chuyên biệt cho trẻ em, phụ nữ.
Băn khoăn khi các sản phẩm đều bán đồng giá, tôi đánh liều hỏi anh nhân viên rằng liệu chất lượng có đảm bảo hay không. Anh này cho biết: “Hàng hóa ở đây toàn lấy ở công ty chính hãng, các ông chủ liên kết với nơi sản xuất mang ra ngoài bán cho bà con với giá xuất sỉ (bằng vốn các siêu thị, đại lý cấp 1-PV)”.
Nghe xong câu trả lời, tôi hỏi tiếp: “Có chắc là tem mác chính hiệu không”. Anh nhân viên cầm một lọ nước hoa lên và nói: “Đây! Chị coi tem nè, có cả ngày sản xuất, hạn sử dụng, xuất xứ”.
Tỏ ý không hài lòng về sản phẩm, tôi tiếp tục tham quan một khu “siêu thị di động” khác tại địa điểm ven vòng xoay khu dân cư Trung Sơn (tiếp giáp quận 7 và huyện Bình Chánh, TP.HCM).
Vào vai người phụ nữ có tiệm tạp hóa tại nhà, tôi ghé vào thăm xe hàng do một cô gái khoảng 30 tuổi đang chỉ đạo việc bán hàng. Thấy tôi bắt chuyện, dò hỏi việc hợp tác làm đại lý tiêu thụ, cô gái tự giới thiệu tên là Q., quê ở Bến Tre. Theo Q., cô làm quản lý bán hàng trên những chiếc xe di động khắp mọi nơi. Không kể địa bàn TP.HCM, một số tỉnh lân cận, Q. cũng điều xe đến bán sản phẩm.
Q. cho biết: “Bây giờ đang phát triển xe hàng di động nên mình nắm bắt làm ăn thì mới có lợi nhuận. Hơn nữa, đây là xu hướng đưa hàng tới tận tay người tiêu dùng, không qua khâu trung gian”.
Kiểm tra chất lượng bằng... mắt thường
Q. quảng cáo, hàng hóa ở các “siêu thị di động” “thượng vàng hạ cám”, có đủ loại, phù hợp với nhu cầu bình dân. Giá cả rất rẻ, chỉ bằng 1/2 đến 1/3 giá cả ở các siêu thị. Nói về việc giá cả chênh lệch, rẻ hơn rất nhiều so với các mặt hàng cùng thương hiệu tại siêu thị, Q. giải thích: “Đây chính là chiến lược của người bán hàng di động hiện nay. Việc này nhằm bán được hàng nhanh, nhiều”.
Sau khi xin số điện thoại Q. để liên hệ việc trở thành đại lý cấp dưới, tôi được thỏa thuận giảm 20% giá cả cho tất cả các mặt hàng tiêu dùng. Qua đó, tôi cũng thẳng thắn hỏi Q. về những giấy tờ kiểm định chất lượng do cơ quan chức năng cấp phép cho hàng hóa mà Q. đang bán, chị này khẳng định: “Chúng ta bán hàng theo chợ phiên, chỉ 1, 2 ngày/địa điểm để người dân quen biết mối đến mua. Thứ hai, tất cả hàng hóa đều có nhãn mác rõ ràng do công ty xuất kho ra cho đại lý. Do vậy, những người lấy hàng như tôi không thể xem hoặc có các giấy tờ liên quan đến chất lượng kiểm tra được”.
Q. lập luận: “Người buôn bán chỉ cần chọn những điểm bán hàng di động thuận tiện, đông khách. Bán được nhiều hàng là thành công và có lợi nhuận cao. Còn phía người dân được mua hàng giống như hàng siêu thị nhưng giá rẻ hơn sẽ rất vui. Không ai đứng nhìn kỹ, kiểm tra tỉ mỉ từng chi tiết trên hàng hóa đâu. Người mua hàng cẩn thận, họ chỉ kiểm tra chất lượng qua mắt thường. Hơn nữa, cả xe hàng có tới khoảng 60-70 mặt hàng gia dụng đã được các ông chủ làm việc với phía nhà sản xuất, công ty rồi, các đại lý không cần phải kiểm tra".
Để tạo lòng tin, tôi mua vài mặt hàng mỹ phẩm dùng thử trước khi lấy số lượng lớn để bán ở tiệm tạp hóa. Tiếp đó, tôi tìm mua một vài sản phẩm có thương hiệu tương tự ở siêu thị uy tín về nhà để kiểm nghiệm, so sánh chất lượng.
Khi đổ chất lỏng từ 2 chai sữa tắm cùng nhãn mác nhưng khác địa điểm mua ra chiếc bát nhỏ, tôi phát hiện mùi hương và màu sắc giữa 2 sản phẩm có điểm khác nhau. Chai sữa tắm mua của Q. sực nức mùi hóa chất. Cùng lúc, tôi dùng phần mềm ở điện thoại nhập mã vạch sản phẩm trên chai sữa tắm nhưng không tìm được mã hàng. Trong khi chai sữa tắm mua ở siêu thị gần nhà, cũng bằng cách trên, tôi nhận được đầy đủ thông tin về xuất xứ, nguồn gốc, hãng sản xuất. Mùi hương của sản phẩm cũng rất dễ chịu...
Để kiểm chứng, tôi tiếp tục mua thêm một số sản phẩm khác như nước hoa, lăn khử mùi, nước ngọt từ một số “siêu thị di động” khác. Sau khi kiểm chứng, PV đều thấy hiện tượng tương tự.
Qua tìm hiểu, PV được biết, hàng hóa tại các “siêu thị di động” đều không được kiểm định chất lượng. Họ lấy hàng từ rất nhiều nguồn, trong đó một số mặt hàng là hàng khuyến mãi tại các siêu thị lớn, tặng cho các đại lý để trà trộn vào hàng nhập lậu bên ngoài.
Một phần lớn khác, do các cơ sở kinh doanh thủ công sản xuất mượn, gắn mác của những thương hiệu nổi tiếng. Nhiều người khi thấy hàng hóa bán rẻ sẵn sàng tin, mua về dùng mà không biết đó là hàng nhái, hàng kém chất lượng.
Chị N.T.P. (một người có xe hàng di động) bán tại tỉnh Bình Dương chia sẻ: “Việc buôn bán kiểu “siêu thị di động” có lợi nhuận rất cao, hơn hẳn 2-3 lần bán thông thường. Tuy nhiên, không thể bán cố định một chỗ lâu dài được do chất lượng hàng hóa không đảm bảo về xuất xứ. Hầu hết, nguồn hàng đều gom theo kiểu thập cẩm, từ nhiều nguồn, nhiều kho khác nhau. Cũng từng có nhiều người mua hàng rồi đòi đổi trả nhưng cũng tùy đối tượng khách mà mình mới “bảo hành”. Bởi trên thực tế, hàng hóa xuất cho đại lý rẻ quá thì phía người bán không bảo hành. Việc quảng cáo bán hàng có bảo hành vài ngày, vài tháng chỉ là “chiêu thức” tạo lòng tin cho người mua”.
Không có tem kiểm định chất lượng Chị P. cho biết thêm: “Hàng hóa khi chúng ta bán, mua với giá rẻ gấp nhiều lần so với thị trường chung đa phần hàng nhập lậu, không có tem kiểm định chất lượng. Các “siêu thị di động” hoạt động nở rộ là kẽ hở trong khâu quản lý sản xuất và đánh vào thị hiếu ham rẻ của người dân”. |
(Còn nữa)
Huệ Trần