Chùa Trăm Gian bị “bức tử”: Xử lý chưa nghiêm

Chùa Trăm Gian bị “bức tử”: Xử lý chưa nghiêm

Thứ 5, 27/12/2012 23:48

Dù kết luận của Sở Văn Hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội đã phần nào cho thấy trách nhiệm của các bên có liên quan, nhưng hình thức xử lý kỷ luật bước đầu đối với vị trụ trì chùa Trăm Gian và Trưởng ban quản lý di tích chưa thực sự thỏa đáng.

"Hòa cả làng"

Trao đổi với PV Người đưa tin, ông Nguyễn Quốc Ân, nguyên chủ tịch MTTQ xã Tiên Phương (Chương Mỹ, Hà Nội) cho biết: "Như giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội trả lời trong buổi họp báo cũng có phần đúng, đó là không phải toàn bộ chùa Trăm Gian bị hủy hoại mà chỉ một số công trình như Nhà Tổ, Gác Khánh và bậc lên xuống. Nhưng kết luận trong buổi họp báo chưa được thỏa đáng lắm bởi chưa quy trách nhiệm rõ ràng mà chỉ chung chung "chúng tôi nhận trách nhiệm", do sơ suất, yếu kém về nhận thức...”.

Pháp luật - Chùa Trăm Gian bị “bức tử”: Xử lý chưa nghiêm

Ông Ân cũng chỉ ra: "Không biết ở địa phương khác như thế nào nhưng ở xã này phó chủ tịch sẽ kiêm luôn trưởng ban di tích. Mà như kết luận của ông Phạm Quang Long, giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội thì trách nhiệm có ở các nơi và chủ tịch UBND TP.Hà Nội đã đình chỉ chức vụ trưởng ban di tích chùa Trăm Gian. Do đó cách chức trưởng ban di tích đối với ông phó chủ tịch thì càng đỡ, càng nhàn chứ sao, không phải kiêm nhiệm. Dù phải chờ kết luận của thanh tra, nhưng bước đầu xử lý như vậy là chưa thỏa đáng, ít ra cũng phải có một kỷ luật gì đó như khiển trách, cảnh cáo. Còn việc vị trụ trì chùa Thích Đàm Khoa, nhiều người đặt câu hỏi liệu UBND xã có dám đề nghị Hội phật giáo huyện, thành phố thay một sư thầy khác hay không?! Trong vụ việc này vị trụ trì mới là người phải chịu trách nhiệm chính. Nhưng đến thời điểm hiện tại chưa có một quyết định hay hình thức kỷ luật nào đối với vị trụ trì này, khiến nhiều người dân vô cũng bức xúc. Nếu như chỉ rút kinh nghiệm và nhận khuyết điểm thì cũng coi như "hòa cả làng".

Trả lời báo chí chiều ngày 30/8, phía lãnh đạo Sở VHTT&DL cho hay, trước khoảng 10 ngày nhà chùa tự ý hạ giải, cơ quan của sở có đến chùa Trăm Gian song không phát hiện ra điều gì đáng ngờ cũng như dấu hiệu của việc chuẩn bị cho một cuộc "đại trùng tu cấp tốc". Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Ân cho biết, một thời gian khá dài trước khi tiến hành phá dỡ, nhà chùa đã cho chế tác gỗ, vật liệu tại một xưởng xẻ gỗ lớn trong khuôn viên của chùa Trăm Gian nằm gần phía cổng. Ông Ân cũng thắc mắc không hiểu sao UBND lại cho phép để một xưởng gỗ trong di tích nghìn tuổi như vậy. Ngoài ra ông Ân còn tiết lộ, người chủ xưởng xẻ gỗ đó chính là cậu ruột của sư thầy Thích Đàm Khoa. Qua sự việc trên, hẳn nhiều người sẽ đặt nghi vấn về vị trụ trì bởi sự nóng vội "một lòng" lo cho chùa, lo cho tính mạng của người dân trước mùa mưa bão đang tới gần hay có điều gì đó khuất tất xung quanh việc này?!.

Không chỉ người dân xã Tiên Phương mà người dân cả nước rất bức xúc và khó hiểu đối với sự quản lý của UBND xã, huyện cũng như các cơ quan có liên quan để xảy ra sự việc đáng tiếc như vậy rồi mới ngồi bàn, ngồi họp.

"Mất bò mới lo làm chuồng"

Dù vụ việc phần nào được làm sáng tỏ, song trách nhiệm của cá nhân, tổ chức ra sao còn phải chờ kết luận của thanh tra. Với nhiều người dân địa phương thì điều đó không quá quan trọng bởi di tích đã bị xâm hại không thể lấy lại được. Họ không giấu nổi sự xót xa xen lẫn một phần tiếc nuối. Chị Hương, một người con xã Tiên Phương, hiện đang làm việc tại Hà Nội chia sẻ: "Tôi sinh ra và lớn lên trên mảnh đất quê hương có một di sản cổ kính. Tôi rất tự hào giới thiệu với bạn bè mỗi khi có dịp đi xa. Ngay từ thời học sinh cấp hai, cấp ba tôi thường rủ các bạn mình đến thăm chùa Trăm Gian mỗi khi được nghỉ. Tôi còn nhớ như in sự tích chuông đồng chỗ Gác Khánh, ý nghĩa từng bức phù điêu được mẹ tôi giải thích rất đơn giản nhưng đầy ý nghĩa. Đó thật sự là một nơi tôn nghiêm và là nơi để chúng tôi hướng thiện tâm hồn mình. Nhưng tôi thật sự xót xa khi thấy gần đây ngôi chùa mỗi ngày một biến dạng và méo mó".

Một thực tế mà nhiều người cho rằng khi sự việc đã quá trễ, các cơ quan ban ngành mới ngồi bàn luận và quy trách nhiệm. Những gì mất đi rồi thì khó lòng lấy lại được, nhưng sao không quản lý sát sao và chấn chỉnh ngay từ đầu khi sự việc có dấu hiệu vi phạm. Một bạn đọc xin được giấu tên cho rằng: "Lẽ ra các ban ngành chức năng nên họp bàn biện pháp khi ngôi chùa chưa bị phá biến thành cái mới "cho đẹp, cho hiện đại, chứ cứ để chuyện xảy ra rồi mới ngồi họp bàn xem lỗi là của ai thì phỏng có ích gì? Theo tôi, cách làm việc như thế cần thay đổi, đừng "mất bò mới lo làm chuồng" thì mọi thứ đã quá muộn".

Bác Vũ Ngọc Thịnh (xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội) chia sẻ: "Thật tình qua vụ việc này người dân chúng tôi cũng rất lấy làm tiếc nhưng sự việc đã lỡ rồi. Mong sao cơ quan chức năng sớm đưa ra kết luận và tiến hành nhanh chóng trùng tu lại Nhà Tổ và Gác Khánh để người dân và du khách đến tham quan và lễ Phật. Chúng tôi cũng hiểu được giá trị của di tích nên mong muốn cơ quan chuyên môn sớm tiến hành tu bổ, trùng tu sao cho gần với nguyên dạng nhất. Cũng phải xác định công trình này dù có được tu bổ và phục chế lại cũng khó mà như cũ được bởi sau khi dỡ xuống hầu như mọi thứ đã vỡ nát hết".

Bác Vũ Ngọc Thịnh cho biết thêm: "Qua sự việc này không thể trách riêng nhà chùa và UBND xã bởi người dân không đến giúp nhà chùa hạ giải thì không dẫn đến sự việc này. Nhưng cũng phải nói rằng người dân chúng tôi đâu biết nhà chùa có được các sở ban ngành có liên quan cho phép dỡ chùa xây mới hay không. Mà chúng tôi chỉ biết một số công trình trong nhà chùa đã xuống cấp, nhà chùa nói đã xin phép và báo cáo UBND xã và chính ông Phó chủ tịch xã thông báo trên loa phóng thanh kêu gọi người dân đến góp sức công đức xây chùa. UBND xã là cơ quan quản lý địa phương còn không nắm rõ được quy trình, thủ tục và giấy tờ từ phía nhà chùa thì sao người dân chúng tôi biết được".

Nhận định về sai phạm của sư thầy Thích Đàm Khoa, ông Nguyễn Quốc Ân, nguyên Chủ tịch MTTQ xã Tiên Phương cho rằng: "Trong việc này, sư thầy quá chủ quan bởi nhờ vào mối quan hệ "rộng" của mình, bên cạnh đó có một phần coi thường chính quyền địa phương cũng như bà con quanh vùng. "Làm gì thì cũng phải báo cáo, phải có chính quyền, Nhà nước, cơ quan có chuyên môn, có thẩm quyền cho phép chứ không thể làm theo ý của riêng nhà chùa được. Người dân chúng tôi mong muốn cơ quan chức nắng sớm có kết luận để quy trách nhiệm đối với cá nhân, tổ chức có liên quan. Hơn nữa, sự việc đã xảy ra rồi cần khắc phục và phục dựng như cũ, tất nhiên không được 100% thì cũng tận dụng hết những cấu kiện cũ sao cho gần giống với di tích trước đây".

Thiên Vũ


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.