Ban Soạn thảo Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) mới vừa kết thúc đợt dạy thực nghiệm tại một số trường. Cuộc thực nghiệm nhằm mục đích đánh giá tác động và kiểm nghiệm mức độ phù hợp, tính khả thi của dự thảo các chương trình môn học trong chương trình GDPT mới (chương trình GDPT tổng thể) đối với cơ sở GDPT, đồng thời cung cấp thông tin góp phần hoàn thiện dự thảo các chương trình môn học để Hội đồng Quốc gia Thẩm định chương trình môn học tiến hành thẩm định.
Là một trong những trường nằm trong đợt thực nghiệm vừa rồi, cô giáo Bùi Thị Hồng Hạnh, Phó Hiệu trưởng trường tiểu học số 1 Võ Lao, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai nhận xét về chương trình mới: “Qua thực nghiệm cho thấy, học sinh hứng thú với chương trình mới. Nhiều nội dung kiến thức mới mẻ nhưng tiết học nặng với học sinh. Nhà trường cũng đã góp ý với ban Soạn thảo về điều này”.
Còn theo cô Ngô Thị Hồng Liên - Phó Hiệu trưởng trường THPT Tây Hồ (Hà Nội), qua đợt thực nghiệm trên, nhà trường nhận thấy phản ứng của học sinh rất hứng thú, tiếp cận tất cả những gì thầy cô truyền đạt.
Cô Liên cho rằng, để thành công, yếu tố quan trọng nhất chính là giáo viên: “Nếu thầy cô có phương pháp tốt thì học sinh vô cùng hứng thú. Ngược lại nếu thầy cô không đổi mới phương pháp, vẫn dạy theo kiểu truyền thụ kiến thức, chưa khơi gợi sự sáng tạo của học sinh, thì chương trình hay mấy học sinh cũng thấy nhàm chán, khó tiếp thu”.
Ngoài ra, Phó Hiệu trưởng trường THPT Tây Hồ cũng cho rằng, chương trình GDPT mới đã giảm lý thuyết hàn lâm, tăng kiến thức thực hành, hướng đến giải quyết các vấn đề của học sinh. Tuy nhiên, sau khi thực nghiệm, một số giáo viên của trường có than thở rằng, chương trình mới có nhiều nội dung khó.
Đề xuất để chương trình mới có thể tốt nhất khi đi vào triển khai, cô Liên cho rằng: “Bản thân giáo viên tích cực học tập, đổi mới phương pháp dạy học, tăng cường tập huấn cho giáo viên về chương trình giáo dục phổ thông mới là vô cùng quan trọng, quyết định sự thành bại của đổi mới giáo dục”.