The Voice Kids: Khi 'sân chơi trẻ con' là của... người lớn

The Voice Kids: Khi 'sân chơi trẻ con' là của... người lớn

Thứ 3, 17/09/2013 11:01

Cuộc thi tìm kiếm giọng hát Việt nhí đã kết thúc. Tuy nhiên, nó cũng để lại không ít những chuyện lùm xùm đáng kể...

Cuộc "tổng tiến công" tìm hư danh

Không nhiều những cuộc thi ca hát dành cho trẻ em trên truyền hình. Những năm gần đây, khán giả mới được xem chương trình ca nhạc dành cho trẻ em hot nhất hiện nay như The Voice Kids, hay Đồ Rê Mí... Chính vì ít những cuộc thi có quy mô lớn cho trẻ em nên sức hút từ những chương trình kiểu này khá mạnh mẽ. Đa số các bậc phụ huynh đều ủng hộ hết mình để con thực hiện niềm đam mê âm nhạc. Tuy nhiên, đến khi tham gia vào chương trình họ mới biết được, cuộc chơi này không phải trò đùa. Người tham gia bị ràng buộc vào nhiều điều khoản oái ăm, nhiều tình huống dở khóc dở cười vì ban tổ chức có những quy định đặc biệt. Sân chơi cho trẻ em tưởng chừng đơn giản nhưng không đơn giản chút nào. 

  Rất nhiều bậc phụ huynh chỉ biết than trời vì chi phí mà họ dành cho cuộc thi khá cao. Do được tổ chức tại TP.HCM nên chi phí mà những phụ huynh ở xa phải bỏ ra sẽ cao hơn rất nhiều, trong khi số tiền mà ban tổ chức tài trợ cho người tham gia lại ít ỏi. Người chơi vì muốn cho con có thể tiếp tục cuộc thi phải cố gắng gói ghém số tiền có được. Trong những trường hợp đó phải kể đến gia đình của bé Lương Thùy Mai và bé Thu Hà (Nghệ An) để "sống sót" trong những ngày ở TP.HCM, nhằm tiết kiệm ăn uống, hai gia đình này phải tự nấu nướng trong toillet của khách sạn, đó là chưa kể đến chuyện dở khóc dở cười khi chỉ dám giặt đồ vào buổi tối, vì nếu để nhân viên khách sạn bắt gặp sẽ bị phạt tiền.

Sự kiện - The Voice Kids: Khi 'sân chơi trẻ con' là của... người lớn

Các thí sinh nhí “cháy” hết mình trên sân khấu The Voice Kids 2013.

Bên cạnh những khó khăn trong việc sinh hoạt ở xa nhà, nhiều phụ huynh cũng ngán ngẩm bởi những điều khoản hợp đồng rất chặt chẽ giữa thí sinh và ban tổ chức mà phần lợi nghiêng hẳn về người tổ chức. Anh Lương Quốc Thái, ba của thí sinh Lương Thùy Mai chia sẻ những khó khăn gặp phải trong cuộc thi: "Trước khi bước vào vòng Đối đầu, ban tổ chức đưa cho mỗi phụ huynh một hợp đồng với những điều khoản và cam kết không thể không ký, dù đọc xong cảm thấy cực kỳ ấm ức. Bởi hợp đồng theo nghĩa chung nhất là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt các quyền và nghĩa vụ trong những quan hệ cụ thể. Trong khi không có sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt các quyền và nghĩa vụ thì còn gì là hợp đồng nữa. Đây cũng là mấu chốt để những ai trót lên lưng cọp rồi sẽ rất khó để xuống".

Chuyện lùm xùm bên cuộc thi còn tăng lên gấp bội bởi sự nhúng tay của những người lớn. Rõ ràng, xét về một khía cạnh nào đó đây chỉ đơn giản là một sân chơi âm nhạc, thế nhưng nhiều người lớn lại xem đó là một cuộc chiến giành danh hiệu và sự nổi tiếng phù phiếm. Trước khi công bố người chiến thắng, cư dân mạng rò rỉ công văn của sở Giáo dục & Đào tạo Thanh Hóa và UBND phường Đông Sơn, Thanh Hóa kêu gọi mọi người ủng hộ cho thí sinh của mình. Một công văn ghi rõ: "UBND phường đề nghị các phố thông báo trên hệ thống loa phát thanh của phố và vận động nhân dân bình chọn cho thí sinh Quang Anh The Voice Kids. Hãy bình chọn cho Quang Anh, người con của phường Đông Sơn, TP. Thanh Hóa để em vươn xa với tài năng và ước mơ ca hát của mình. Mỗi tin nhắn của nhân dân trong phường là Quang Anh được chắp thêm đôi cánh để bay cao và xa hơn".

Từ một sân chơi của trẻ con nhưng nhiều người lớn bị hút vào để rồi phải tốn rất nhiều tiền bạc và công sức, vô tình lọt vào mê hồn trận của nhà sản xuất.

Hậu chiến thắng là gì?

Kết thúc cuộc thi The Voice Kids nhiều khán giả cảm thấy buồn, bởi căn bệnh thành tích còn ngấm vào nhiều tổ chức, đơn vị. Khát vọng chiến thắng là một điều mang ý nghĩa tích cực. Tuy nhiên, nếu chạy theo thành tích một cách thái quá sẽ dễ dẫn đến lạc đường. Nhạc sỹ Tuấn Khanh phân tích: "Căn bệnh thành tích vốn rất khó bỏ, ngày xưa, làm mọi thứ để chứng minh tiếng tăm địa phương mình, tổ chức mình có khả năng đứng đầu, sáng danh ở một lĩnh vực, cho đến khi bước vào xã hội thị trường sự chuyển đổi nhanh chóng vẫn còn mang thói quen lạc hậu, nhiều địa phương vẫn thích phát động để tạo những giá trị ảo. Đây là điều không nên vì dù sao cũng chỉ là một sân chơi cho thiếu nhi".

Chạy theo giá trị ảo đó, rõ ràng sự thiệt hại thuộc về chúng ta, trong khi những lợi nhuận này được thu về cho nhà sản xuất. Sở dĩ, nhiều người vẫn đi theo giá trị này bởi ngành công nghiệp giải trí vẫn còn nhiều sơ khai, khiến nhiều người bị nhầm tưởng. Thế nên, cả người lớn và trẻ em đều chạy theo giá trị hào nhoáng bên ngoài của nó mà không biết rằng, mình trở thành món mồi béo bở cho chính những người sản xuất chương trình.

Có thể nói, những cuộc thi kiểu này lợi cho trẻ em thì ít, mà lợi cho nhà sản xuất thì nhiều.  Chặng đường phát triển tài năng của các bé còn dài, còn xa, cho nên việc để phát triển một cách tự nhiên là điều cần thiết vì dẫu sao, đây vẫn chỉ là một sân chơi. Nhạc sỹ, ca sỹ Thanh Bùi, HLV The Voice Kids 2013 cho biết: "Đây chỉ là sân chơi thể hiện niềm đam mê và định hướng nghề nghiệp sau này. Các bé chưa phải là ca sỹ chuyên nghiệp, chưa học nhạc chỉ hát theo thôi. Cần vài năm để đào tạo đúng và đủ chất cho các bé để các em ra đời không chỉ là ca sỹ mà là nghệ sỹ tự viết nhạc được, tự đánh đàn được".

Việc phát triển tài năng âm nhạc là điều đáng được quan tâm nhưng việc làm này cần phải thực hiện một cách khoa học và có một chiến lược thật sự. Tuy nhiên, nếu chỉ quan tâm theo kiểu mùa vụ, chạy theo những giá trị ảo với căn bệnh thành tích thì khó lòng có thể phát triển tốt hơn. Nhạc sỹ Tuấn Khanh cho biết: "Việc phát triển tài năng của trẻ em trong âm nhạc là điều cần thiết với mọi quốc gia. Có những nơi thực hiện điều đó với một khát vọng để xây dựng âm nhạc kế thừa và phát triển âm nhạc cho dân tộc. Nếu chỉ phát triển và đào tạo trẻ em với mục đích mang tính trục lợi như những lao động nô lệ nghệ thuật thì khó lòng phát triển nền âm nhạc Việt Nam".

Hiện nay, không thể phủ nhận những gương mặt, nhân tố mới do các chương trình truyền hình thực tế phát hiện ra, tuy nhiên việc chạy theo lợi nhuận kinh tế đẩy giá trị thật ra xa hơn. Thế nên, quá nhiều chương trình truyền hình thực tế về âm nhạc, giải trí. Số lượng ca sỹ mới nổi lên cũng nhiều nhưng chất lượng để khán giả kỳ vọng lại không đáng bao nhiêu. Vì vậy, những scandal để tạo sự nổi tiếng luôn được thực hiện, bởi khi quá nhiều ca sỹ, họ không biết phải làm cách nào để tỏa sáng hơn. Và rồi, khi những thế hệ trẻ em chỉ chạy theo thành tích và hào nhoáng bên ngoài sẽ đi về đâu khi những người lớn làm những chương trình âm nhạc chạy theo lợi nhuận nhiều hơn giá trị thực. 

Chỉ là "vật tế thần"?

Nhạc sỹ Tuấn Khanh chia sẻ: "Ở một khía cạnh nào đó nhà sản xuất chương trình không đủ hiện đại để vứt bỏ các mối quan hệ như vậy, dẫn đến cả trẻ em hay người lớn đều trở thành "vật tế thần" cho một nền công nghiệp biểu diễn sơ khai, trong đó chằng chịt các mối quan hệ lũng đoạn nhau, các nhóm lợi ích chia sẻ quyền lợi với nhau vượt lên trên sự công bằng mà khán giả cần có".

Mai Thy

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.