Bức ảnh mô tả cảnh tượng thật thương tâm: Một phụ nữ trẻ mặc váy trắng, áo len đan màu đỏ treo cổ trên cành cây. Bức ảnh chết treo của Ferida Osmanovic xuất hiện trên trang nhất của các tờ báo khắp thế giới không bao lâu sau sự kiện mùa thu Srebrenica ngày 11-7-1995.
Ngày nay, trong lễ tưởng niệm lần thứ 11 vụ thảm sát hơn 7.000 đàn ông và thiếu niên Hồi giáo, hai anh em Damir (24 tuổi) và Fatima Osmanovic (21 tuổi) trở về quê hương họ, lần đầu tiên kể lại câu chuyện phía sau bức ảnh bi thảm.
2 người con của bà Ferida.
Hai anh em thuộc cộng đồng người Hồi giáo Bosnia, cùng sống chung trên quê hương họ còn có người Serbia và Croatia. Cả ba tập thể này đều là người Slav miền Nam da trắng. Họ nói cùng một ngôn ngữ, điều khác nhau duy nhất giữa họ là tín ngưỡng. Tập thể người Hồi giáo Bosnia bị người Serbia ghét bỏ vì phần lớn người Bosnia ăn thịt heo, uống rượu, hiếm khi đến đền thờ. Phụ nữ và nam giới ưa mặc trang phục của các hãng Levi's và Nikes thay vì áo dài Hồi giáo truyền thống. Damir và Fatima trải qua thời thơ ấu trong ngôi làng nhỏ Jezero, phía đông nam Srebrenica và không xa biên giới Serbia.
Do làng Jezero gần biên giới Serbia nên làng này trở thành một trong những nơi đầu tiên cần "phải được thanh tẩy dân tộc" sau khi cuộc chiến chợt bùng nổ vào tháng 4-1992. Quân đội và các lực lượng bán quân sự từ Serbia tràn vào Bosnia để trục xuất tất cả những người Hồi giáo. Dân làng Jezero phải dắt díu nhau đào thoát về phía tây bắc.
Cũng như hàng ngàn người Hồi giáo khốn khổ bị kẹt trong thị trấn, ông Selman Osmanovic (cha của Damir và Fatima) tin rằng ông chỉ có một cơ hội sống sót duy nhất là tham gia vào tập thể 15.000 người thoát khỏi quân xâm lược Serbia bằng cách đi đêm qua các dãy núi phía đông Bosnia. Biết có nhiều nguy hiểm, bà Ferida năn nỉ ông đừng đi. Bà nói: "Cả thế giới sẽ quan tâm đến chúng ta. Liên hiệp quốc và NATO sẽ giải cứu chúng ta như họ đã hứa".
Không bao lâu sau quân Serbia tới nơi và làm chủ tình hình tại Srebrenica. Họ chế giễu Liên hiệp quốc và "vùng an toàn". Trong vòng một đêm và năm ngày, tại Srebrenica tràn ngập tiếng kêu thét của đàn ông và con trai bị cắt xẻo tàn sát. Một số bị chôn sống, số khác bị giết và ném vào những nấm mồ tập thể. Đàn bà, con gái bị cưỡng hiếp.
Bà Ferida trở nên quẫn trí, gần như phát điên. Có lẽ nhận ra chồng không bao giờ trở về nữa, bà lặng lẽ bỏ đi. Hai ngày sau, người ta thấy một phụ nữ áo đỏ, váy trắng treo cổ trong rừng. Mãi sáu tháng sau, khi một ký giả người Mỹ công bố bức ảnh, hai anh em mới biết được những gì đã xảy ra cho mẹ của chúng.
Ngày nay, hai anh em đang học tại Đại học Sarajevo. Fatima muốn thành phóng viên, còn Damir muốn sau này làm một giáo viên. Nhưng sự kiện vụ thảm sát vẫn là một vết thương khó hàn gắn trong tâm hồn họn
P.V (tổng hợp)