Chuyện buồn ở "vương quốc" những bà mẹ nhí

Chuyện buồn ở "vương quốc" những bà mẹ nhí

Thứ 5, 27/12/2012 23:43

Bà Phạm Thị Vinh, Phó chủ tịch xã Tà Lài (huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai) trăn trở: "Dù nơi đây, hệ thống điện đường trường trạm đã phủ khắp nhà đồng bào nhưng bóng đen hủ tục tảo hôn trong cộng đồng người Mạ, người S'Tiêng vẫn còn hiện hữu".

Bỏ học về nhà đòi lấy chồng

Theo đường Tà Lài chúng tôi đến được với khu vực sinh sống của cộng đồng người Mạ và S'Tiêng ở ven sông Đồng Nai giáp với vùng đệm Vườn quốc gia Cát Tiên. Buôn làng của cộng đồng người Mạ, S'Tiêng nằm khuất sau những rặng tre cao vút và những vườn điều đã thu hoạch. Ánh nắng gay gắt buổi trưa của miền Đông Nam Bộ như rọi trực tiếp vào buôn làng khiến cho vùng đất thêm đìu hiu, ảm đạm. Và đằng sau ngôi làng ấy đang ẩn chứa những câu chuyện buồn về các thiếu nữ chưa kịp lớn đã phải cất bước theo chồng về làm vợ, làm mẹ của những đứa trẻ.

Nhờ sự hướng dẫn trước của chị Phạm Thị Vinh, ngay khi vừa qua khỏi chiếc cầu treo Tà Lài, chúng tôi ghé thăm nhà của cặp vợ chồng nhí K'Lớp (18 tuổi). Trong căn nhà lợp tranh, vách nứa ở cuối làng, K'Lớp kể về chuyện tình của mình với giọng buồn buồn. K'Lớp cho biết: "Tôi lấy chồng khi chỉ mới 15 tuổi. Tôi biết chồng mình khi đang là học sinh trường dân tộc nội trú ở ngoài huyện. Sau vài lần gặp gỡ, nói chuyện, đi chơi với nhau thấy ưng cái bụng là hai đứa về nhà bảo bố mẹ lo liệu rồi cưới luôn.

Pháp luật - Chuyện buồn ở 'vương quốc' những bà mẹ nhí

Bà Phạm Thị Vinh - Phó Chủ tịch xã Tà Lài nói về vấn nạn tảo hôn của cộng đồng người Mạ, S'Tiêng

Ngày đó, chồng thương mình lắm, chồng bảo nếu không cưới được tôi, chồng sẽ bỏ làng mà đi hoặc là tự tử. Một phần vì thương chồng, một phần vì sợ chồng làm bậy nên đồng ý lấy làm chồng. Bây giờ hai vợ chồng có hai mặt con nhưng gia cảnh thì khó khăn lắm. Suốt ngày hai vợ chồng phải vào rừng kiếm măng, hái rau về bán rồi sống qua ngày. Có hôm mưa gió không đi rừng được con cái đói ăn, hai vợ chồng lại lời ra tiếng vào".

Anh K'Hoàn, cán bộ xã Tà Lài cứ lắc đầu lia lịa khi nói về K'Lớp: "Từ ngày K'Lớp lấy chồng đến giờ hai vợ chồng cứ cãi nhau, giận nhau suốt ngày. Cha mẹ hai bên khuyên bảo thế nào cũng chẳng nghe. Nó lấy chồng mà suốt ngày đòi về nhà mẹ đẻ. Nó bảo ở bên chồng khổ lắm. Đấy hồi đó, bảo còn nhỏ lo mà học đi thì không chịu cứ một hai đòi lấy chồng, thầy cô, bạn bè, khuyên bảo, nói hết lời nhưng nó không nghe. Giờ lấy chồng rồi thì phải theo chồng thôi, nhớ thì về thăm, chứ ở luôn sao được. Ngày trước vợ chồng sống với nhau như thế này, làng phạt nặng lắm đó".

Tục tảo hôn ăn sâu vào tâm thức của người Mạ, S’ Tiêng, nhiều cô gái trẻ còn chưa nhận thức hết mọi tất bật của cuộc sống thường ngày. Vậy mà chỉ vì một phút lỡ dại các cô gái trẻ phải theo chồng bỏ cuộc chơi. K' Pơ Prớt (22 tuổi), lấy chồng từ cách đây 5 năm kể lại: Đang cắp sách đến trường cùng lũ bạn thì tự dưng K' Pơ Prớt bỏ học về làng đòi lấy chồng. Hỏi ra mới hay nó đã mang bầu gần 3 tháng rồi.

Theo tục lệ của người Mạ, con gái chưa lấy chồng, cha mẹ hai bên chưa biết nhau mà để cho có bầu, như thế là "con gái hư" nên phía nhà trai không chịu cưới K'PơPrớt về làm dâu. Thương đôi trẻ quá, sau hơn một tháng trước sự khuyên nhủ của nhiều người trong làng và già làng lên tiếng nên gia đình bên nhà trai đã gác lại mọi hiềm khích và đám cưới mới được tổ chức.

Pháp luật - Chuyện buồn ở 'vương quốc' những bà mẹ nhí (Hình 2).

Chị K' Lớp cùng đứa con trai của mình

Gần 5 trôi qua kể từ ngày làm vợ, làm mẹ của ba đứa con người thiếu nữ K' Pơ Prớt tươi trẻ, khỏe mạnh ngày nào, giờ đây trông héo hon, gầy guộc và già hơn so với cái tuổi 22 của mình. "Nhà mình rẫy ít, hai bên gia đình đều nghèo nên hai đứa lấy nhau rồi phải đi làm thuê. Hai vợ chồng làm được đồng nào ăn đồng nấy. Có khi đứa con ốm còn chẳng có tiền mà đi mua thuốc. Cũng may có sổ hộ nghèo nên đưa con đi trạm xá khám nên không mất tiền", K' Pơ Prớt nói về gia cảnh.

Chị K'Út, quản lí Nhà văn hóa xã Tà Lài giải thích: "Trước tình trạng tảo hôn cứ đeo bám lấy cuộc sống của đồng bào, về phía chính quyền đã ra sức vận động, tuyên truyền pháp luật, chủ trương của Đảng và Nhà nước đến tận nhà nên tỉ lệ tảo hôn đã giảm phần nào. Nhưng ở làng Mạ và làng S'Tiêng con gái cứ 15-16 tuổi là đi lấy chồng vẫn còn nhiều. Nhiều em đang sinh hoạt ở nhà văn hóa, hay đang theo học ở các trường tự dưng nghỉ ngang, hỏi ra mới biết nghỉ để về nhà lấy chồng. Có em mới 14 tuổi đã mang thai. Những trường hợp như thế, thường thì gia đình hai bên chẳng chịu tổ chức đám cưới, cứ mặc tụi nhỏ thương thì ráp lại với nhau mà sống".

Già làng cũng bó tay

Bà Phạm Thị Vinh, Phó chủ tịch UBND xã Tà Lài cho biết, xã có khoảng 7.600 dân, trong đó đồng bào dân tộc chiếm 30% dân số toàn xã với 12 dân tộc. Riêng ấp 4 là địa bàn có số lượng người Mạ và người S'Tiêng cư trú đông nhất và được phân chia thành 2 khu vực rõ rệt, một bên là làng của người S'Tiêng, bên còn lại là khu vực của người Mạ. Dù biết trong xã có đám cưới tảo hôn nhưng rất khó ngăn chặn bởi chặn làm sao được khi cô dâu nhí đã mang bầu, khi đôi nam nữ đã ở với nhau. Cán bộ khuyên can nhiều họ bảo đủ tuổi họ sẽ ra đăng kí kết hôn. Nếu mình làm căng, cứng nhắc, bắt bỏ tù thì tội cho các em gái và đứa con trong bụng.

Nói về nạn tảo hôn, ông K' Cân, Trưởng ấp 4, xã Tà Lài thừa nhận, chuyện con em người Mạ, người S'Tiêng mới 15-16 tuổi đã lấy chồng, lấy vợ là có thật và khá phổ biến ở vùng này. Địa phương tổ chức tuyên truyền, phân tích so đo thiệt hơn biết bao lần nhưng tụi nhỏ không nghe, không chịu hiểu. Hễ chúng thấy thích là chúng đến với nhau, thậm chí còn rước bầu về nhà... Do đồng bào quen với tục lệ nên cũng chẳng chịu ngăn cản, không nói được con nên cứ để mặc chúng thích thì lấy nhau, miễn sao không dính họ hàng máu mủ với nhau là được. Do vậy, nhiều câu chuyện đắng lòng của những bà mẹ trẻ cứ xảy ra liên miên ở vùng này.

Pháp luật - Chuyện buồn ở 'vương quốc' những bà mẹ nhí (Hình 3).

Ông K'Lư -già làng người S'Tiêng cũng bó tay trước sự "lộng hành" của bọn trẻ

Chị K'Út thở dài khi đề cập đến vấn nạn tảo hôn, tập tục khó bỏ trong buôn làng S'Tiêng: "Khi cha mẹ hai bên, già làng và chính quyền địa phương biết chuyện tảo hôn thì sự việc đã lỡ rồi. Những trường hợp như thế, địa phương phối hợp với già làng chỉ còn cách vận động bà con không được làm đám cưới rầm rộ. Lắm lúc gặp đám cưới tảo hôn là người thân quen thì cán bộ chỉ biết dở khóc dở cười. Mình không đi không được bởi sợ phía nhà trai, nhà gái giận, trách. Mà đi thì chẳng khác gì mình tiếp tay, cổ súy cho nạn tảo hôn. Thế nên đành chỉ gửi thiệp chúc mừng".

Giờ đây vào ấp 4 thì đa phần nhà ai cũng nghèo, cũng đông con, các già làng có muốn phạt thì cũng đành bó tay vì nhà nào cũng lo ăn từng ngày, lấy tiền, lấy trâu đâu mà nộp phạt. Chị K'Út cho biết thêm: "Những năm sau này tiếng nói của các già làng không còn nhiều giá trị, sức mạnh như trước nữa nên dẫu muốn duy trì nề nếp, tập tục như ngày trước, các già làng đành lực bất tòng tâm.

Trong khi đó, các đoàn thể ở ấp thì sinh hoạt không mạnh và không thực sự quyết tâm, quyết liệt trước nạn tảo hôn. Mặt khác, cách giáo dục của những người làm cha làm mẹ ở làng rất "thoáng", tình cảm mẹ cha, con cái không có sự khăng khít, mặc con cái muốn đi đâu thì đi, muộ́n làm gì thì làm. Từ đó, dẫn đến thực trạng bố mẹ bó tay không nói được, không giáo dục được con cái".

"Bọn trẻ không còn sợ Yàng nữa rồi"

Ông K' Lư (91 tuổi), già làng của người S'Tiêng cho biết: "Theo tục lệ của người khi chưa làm đám cưới, chưa được bố mẹ hai bên đồng ý thì trai gái không được ăn nằm với nhau. Nếu chưa cưới nhau mà con gái mang bầu gọi là "chửa hoang" làng sẽ phạt nặng lắm, phạt 1 con dê, 1 con heo và hàng chục ché rượu cần. Làng cũng phạt gia đình đứa trai, bắt phải cưới đứa gái và phạt heo, phạt trâu để cúng tạ tội Yàng, đãi làng. Lấy nhau rồi đứa gái phải ra bìa rừng làm chòi nhỏ, sanh con xong phải làm lễ cúng tạ tội rồi mới được về làng. Đứa nào không làm đúng như vậy làng sẽ đuổi đi. Còn bây giờ hình như tụi trẻ nó không còn sợ Yàng nữa rồi".

Quyên Triệu


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.