Chuyện về 'người đẹp thuốc nổ' đầu tiên của Việt Nam (Kỳ 2)

Chuyện về 'người đẹp thuốc nổ' đầu tiên của Việt Nam (Kỳ 2)

Thứ 5, 02/05/2013 12:40

Giờ đây, mỗi lúc nhớ lại những kỷ niệm của quãng đời đi theo Cách Mạng thì những kỷ niệm của bà trong những lần gặp Bác vẫn khiến bà xúc động nhất. Đó như là nguồn sức mạnh vô song giúp bà thêm tin yêu cuộc sống và phấn đấu hết mình...

Bật khóc trong lần đầu gặp Bác

Bà Phượng cho biết: "Năm 1952, tôi đang làm Thư ký công đoàn của bộ Tài chính nên được sống và  hoạt động cách mạng ở khu A.T.K., tức an toàn khu cùng khu với Bác Hồ. Khu chia làm nhiều lán trại, tôi ở khu 19B, Bác Hồ ở 19A. Lán được ngụy trang bằng cây rừng, nếu người không thông thạo đường đi khó mà nhận ra được đâu là nhà, đâu là rừng. Nơi Bác ở rất bí mật, ai được gọi đến thì sẽ có người dẫn đường. Bác thường xuyên đi thăm các đơn vị xem xét tình hình sinh hoạt, công tác của anh em".

Một sáng, bà nghe người bảo vệ thân cận của Bác thông báo: "Bác Hồ sẽ đến thăm tập thể cán bộ nữ ở lán 19B, các chị chuẩn bị nhà cửa để đón Bác". Bà nghe xong, chạy như bay về lán của mình và bà hét toáng cả lán: "Chúng mày ơi, thức dậy mau, dọn dẹp nhà cửa mau, nhà cửa bẩn quá, ông Cụ vào la chết".

> Đọc thêm: Chuyện về 'người đẹp thuốc nổ' đầu tiên của Việt Nam

Xã hội - Chuyện về 'người đẹp thuốc nổ' đầu tiên của Việt Nam (Kỳ 2)

Bà Xuân Phượng chụp hình với Bác, ngồi thứ 3 bên phải sang. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Bà không ngờ, Bác Hồ đã đứng sau lưng từ lúc bà hét toáng lên. Bà chưa nói dứt câu thì Bác Hồ nói rất to: "Muộn rồi con ơi, Bác đến rồi!". Bác phê bình lán của bà toàn con gái mà ăn ở luộm thuộm, ngủ dậy không gấp chăn màn. Bà cười nhớ lại: "Lúc đó, chúng tôi ngượng chín cả mặt, không biết ông Cụ vào từ lúc nào. Phải quản lý như ông Cụ thì bọn cấp dưới như chúng tôi cãi được đằng trời".

Phê bình chỗ ngủ xong, Bác Hồ bước xuống nhà ăn, thấy bếp ăn không ngăn nắp, Bác lại ân cần căn dặn nên xếp đặt mọi thứ gọn gàng, sử dụng thức ăn tiết kiệm, tránh vương vãi thức ăn khắp nơi. "Sống ở Việt Bắc mọi thứ đều thiếu thốn, ngay cả bát ăn cơm cũng không có, họ dùng ống bương làm chỗ đựng cơm và thức ăn. Bác thấy thức ăn của chúng tôi chỉ có đậu phộng rang muối, măng và rau sắn đắng đót. Bác nói: "Mấy cháu ăn uống khổ cực quá!". Chúng tôi đồng thanh nói: "Không cực đâu Bác ơi, ngon lắm ạ!". Tôi không ngờ Bác nói một câu mà tất cả chúng tôi phải khóc: "Mình ăn thế này để con cháu mình ăn uống sung sướng hơn, các cháu ạ.", bà Xuân Phượng bùi ngùi, xúc động.

Bác đứng dậy ra về, không quên gửi lời mời các cán bộ nữ ở khu 19B chủ nhật sang thăm Bác và cho dùng cơm trưa. Bà Phượng chia sẻ: "Chúng tôi nghe Bác dặn chủ nhật sang chơi mà mừng vui khôn xiết, đã nghe về Bác nhiều nhưng không ngờ Bác gần gũi đến vậy. Từ đó, hễ chủ nhật nào Bác rảnh, chúng tôi đều lội suối sang thăm, trò chuyện và hát cho Bác nghe". Bà hát hay nên mấy anh bảo vệ lán của Bác Hồ thấy đoàn bà sang vui mừng khôn xiết. Có hôm, đoàn bà ở lại chơi thật lâu, Bác cho anh bếp nấu chè bà cốt (sắn và nếp nấu dẻo). Cả bọn con gái nghe được ăn chè lòng như mở cờ trong bụng. Thế nhưng, bà đưa muỗng chè vào miệng mà không tài nào nuốt nổi, thì ra anh cần vụ đã lấy nhầm muối bỏ vào chè. Bác cháu không ăn được đều ôm bụng cười ngả nghiêng.

Những ngày được gặp Bác, bà không chỉ được cười vui bên người cha già kính yêu mà còn được dạy dỗ rất nhiều điều. Bà học ở Người sự tự tin, đôn hậu, cần mẫn và giản dị. Đến bây giờ, bà luôn biết ơn số mệnh đã tạo cơ hội cho bà trải qua những năm tháng mài giũa và tu dưỡng bản thân ở chiến khu Việt Bắc. Những ngày tháng gian lao nhưng vui tươi, hăm hở nhiệt huyết của tuổi trẻ, được sống và làm việc bên lớp người mà bà ngưỡng vọng.

Xã hội - Chuyện về 'người đẹp thuốc nổ' đầu tiên của Việt Nam (Kỳ 2) (Hình 2).

Bà Xuân Phượng tại phòng tranh Lotus. (Ảnh Hà Nguyễn)

Sống theo tinh thần của Bác

Sáng nào, mấy cán bộ nữ của bộ Tài chính cũng bị tiếng huýt còi của cơ quan đánh thức. Khi rừng còn mờ hơi sương, tiếng huýt còi vang vọng khắp rừng Việt Bắc. Những anh chị thanh niên lồm cồm bò ra khỏi lán trại, xuống sân đất tập thể dục theo lời Bác đếm. Ban đầu, nhiều người thấy việc thức dậy sớm tập thể dục thật khó khăn, do buổi tối thức khuya. Nhưng dần dà, tập thể dục buổi sáng thành thói quen. Đến bây giờ, sáng nào không tập thể dục, bà Phượng cảm giác cơ thể uể oải, không có sức làm việc...

“Năm 1969, dịch sốt xuất huyết hoành hành khắp miền Bắc, bệnh nhân chết vì căn bệnh này cũng không ít. Con trai tôi 12 tuổi, thời gian đó cũng bị mắc dịch đã tắt thở và mang vào nhà xác. Tôi ôm chầm lấy xác con trai khóc nghẹn. Tôi làm các động tác sơ cứu cho con trong vô thức. Sau 8 giờ đồng hồ liên tục cấp cứu, bỗng mắt cháu động đậy và nôn ra máu cục, rồi máu từ mũi chảy ra, rồi cháu thở đều đặn. Tôi ôm con cười hét lên", bà Xuân Phượng nhớ... Khi bà đang ôm con trai từ chỗ chết vào lòng, bỗng nghe tiếng khóc rền vang từ khắp mọi nẻo đường. Tin báo Bác đã mất! Bà không tin những gì mình vừa nghe được từ chiếc loa thông báo của Thủ đô. Bà ôm con trai vào lòng khóc không thành tiếng.

Năm 1986, bà được về hưu. Với 200 đồng tiền lương hưu, bà phải nuôi ba người con ăn học và chi phí sinh hoạt của một đại gia đình trong vòng một tháng. Ngổn ngang tâm sự, hết đường suy tính cho cuộc mưu sinh, khu phố chiếu cố, đề nghị bà làm người giữ xe ở Nhà Hát Lớn Hà Nội vào mỗi tối. Bà nghĩ đến những ngày trở gió của Thủ đô, giữa cái rét căm căm, khắc nghiệt nhưng vẫn phải lao vào kiếm từng đồng tiền còm cõi... vết thương của bom đạn lại được phen trỗi dậy.

Rồi giữa những bộn bề, bà nghĩ: "Công việc giữ xe không phù hợp với sức khỏe với tuổi già. Tôi không chê vì nghề nào cũng chân chính. Nhưng tôi nghĩ mình không thể cứ thế này mãi được. Phải có cách làm cho số phận của mình khác đi, hay khác hơn là vượt qua số phận. Nghĩ là làm, bà đã vay mượn tiền để làm một việc ít ai ngờ tới.

Tài ứng khẩu của cô phóng viên chiến trường

Bà Nguyễn Thị Xuân Phượng bồi hồi nhớ lại: "Năm 1968, tôi đang làm phóng viên chiến trường thì được lệnh đi cùng đạo diễn Pháp gốc Hà Lan Joris Ivens vào Phủ Chủ tịch để phỏng vấn Bác". Khi chuẩn bị cho cuộc phỏng vấn, đạo diễn Ivens nhận thấy chiếc mũ vành của Bác không hợp với bối cảnh quay phim nên nhờ bà Phượng phiên dịch với Bác rằng họ yêu cầu Bác bỏ mũ ra. Thế nhưng, bà làm sao dám phiên dịch một đòi hỏi vô lý của người đạo diễn nước ngoài với vị cha già dân tộc. Bà liền cầu cứu ông Vũ Kỳ, nhưng ông Kỳ cũng không dám nói. Bà nghĩ thầm: "Chẳng lẽ, một cuốn phim hay phải bỏ dở bởi một lý do lãng xẹt thế này sao?". Loay hoay mãi, bà lấy hết bình tĩnh đến gần Bác kính cẩn đề nghị: "Thưa Bác, cháu xin lỗi, Bác có thể bỏ chiếc mũ vành ra không ạ?". Bác hướng đôi mắt sáng về phía tôi và hỏi lại: "Mũ của Bác không đẹp sao?", tôi nhanh trí đáp lại: "Thưa Bác, chiếc mũ thì đẹp nhưng tóc Bác còn đẹp hơn". Nghe xong, Bác cười sảng khoái và khen bà thông minh, nhanh trí".

BOX Sau khi báo ĐS&PL đăng tải kỳ 1 bài viết "Chuyện chưa kể về "Người đẹp thuốc nổ" được Chính phủ Pháp trao tặng Huân chương Bắc đẩu bội tinh", bà Nguyễn Thị Xuân Phượng như sống lại những ngày tháng đấu tranh hào hùng. Thế nhưng, bà Phượng vẫn trăn trở chuyện mình được tặng thưởng Huân chương Sao vàng cùng tập thể cán bộ ngành Quân giới đã được ghi nhận còn những người đồng đội cũ đã hy sinh thầm lặng vẫn chưa ai biết đến.

Ngọc Lài - Hà Nguyễn

Kỳ 3: Mang hội họa hàn gắn vết thương chiến tranh, kết nối tình hữu nghị.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.