Trước mặt tôi là hiện thân của một "tay lái" ni cô số một đã từng bẻ cong vô lăng trên khắp các nẻo đường của Sài Gòn chạy đua với địch và một "thiện nghệ" rong ruổi hàng nghìn km trên những cung đường trường chinh từ Nam ra Bắc làm tốt đời, đẹp đạo.
Mơ thấy bậc chân tu
Tôi tình cờ viếng thăm tịnh xá Ngọc Phương (Q. Gò Vấp, TP.HCM) vào một ngày cuối tuần và vô tình biết được tại đây đang còn một ni cô lái xe số một của "đội quân đầu trọc" hoạt động trong phong trào phụ nữ đòi quyền sống và các cuộc đấu tranh của sinh viên yêu nước những năm đầu thập kỷ 70.
Nếu như khi xưa, hình ảnh một ni cô đầu chít khăn chùa cùng chiếc áo thiền sư xuất hiện hầu như quen thuộc sau vô lăng trên chiếc Toyota giữa đường phố Sài Gòn, tham gia vào dòng người biểu tình đòi quyền sống cho nhân loại thì nay bà lặng lẽ ẩn mình phía sau tiếng chuông chùa, sống trọn kiếp với đạo đời.
Trong căn phòng nhỏ hướng mặt ra biển trời bao la, chuyện đời của sư cô Lệ Liên bắt đầu "chuyển bánh" rạng ngời sau ánh mắt từ bi.
Nụ cười lạc quan luôn thường trực trên môi ni cô Lệ Liên khi về già.
Sư cô Lệ Liên tên thật là Ngô Thị Lê, quê ở huyện Mộ Đức - Quảng Ngãi, nơi xưa khi cô vừa lớn lên đã chứng kiến cảnh chết chóc tang thương của dân làng, tiếng súng nổ phủ lấp tuổi học trò. Cô mồ côi mẹ năm lên 4 tuổi, cha đi Cách mạng biền biệt.
Ba chị em phải sống nương nhờ vào ông bà nội sớm chiều cơm rau, muối qua ngày. Năm 17 tuổi, có một đoàn tăng ni đi khất thực tại Quảng Ngãi, Ngô Thị Lê đứng nhìn say đắm những bước chân trần dưới cát nóng, chầm chậm lê hương mang cúng dường chia cho dân nghèo. Nhìn cho đến khi khuất bóng những chiếc áo chân tu, cô chỉ tay nói với người bạn cùng đi: "Sau này, tao cũng như vậy đấy".
Bạn cô xen ngang, "mày nói đùa đấy hả, trông mày thế làm sao đi tu được, hơn nữa đi như vậy cực khổ lắm. Ngày chỉ ăn đúng một bữa cơm và uống nước là chính". Bỏ ngoài tai những lời cảnh báo của bạn, Lê âm ỉ nung nấu suy nghĩ về chiếc áo thiền tu vàng úa phơi mình trong nắng, trong mưa.
Trong đêm, hễ nhắm mắt hay mở mắt là cô lại hình dung ra đoàn người khất thực bước qua mắt mình. "Kể cả trong giấc mơ, tôi cũng thấy họ. Từ trước giờ, tôi chưa bao giờ hình dung ra đi tu là như thế nào và người tu sẽ ra sao. Có một niềm đam mê và thích thú vô cùng với công việc của những người tu hành mà tôi vừa thấy. Vậy nên tôi cứ nghĩ về nó, nghĩ nhiều quá đêm nằm mơ cũng thấy", Ngô Thị Lê tâm sự.
Trong vòng ba ngày liền, Lê trốn ông bà nội mon men tới cổng chùa Ngọc Quảng để ngắm nhìn đoàn người khất thực. Rồi Lê bước hẳn vào chùa. Cô xin sư thầy được đi tu. Mọi người thấy một thiếu nữ tuổi 18 đôi mươi, tương lai phơi phới phía trước tới chùa xin tu đều không khỏi ngỡ ngàng. Các sư trong chùa khuyên Lê nên về nhà theo học bởi con đường chân tu là cực kì khổ ải, gian truân, không phải ai cũng tu thành công và gắn trọn đời mình với nghiệp đạo.
Cô không chịu, cô ở chùa chờ để gặp bằng được ni trưởng Thích nữ Huỳnh Liên, người đang dẫn đầu đoàn tu hành khất thực những ngày vừa qua tại Quảng Ngãi. Ni sư Huỳnh Liên lúc đầu cũng không đồng ý cho Ngô Thị Lê theo tu, hơn nữa hệ phái chưa nhận nữ tu bên ngoài.
Những ngày bám trụ trong chùa, Lê cùng các ni cô khác may áo cho đồng bào mặc. Cô làm công việc này rất nhanh, rất khéo, làm cả ngày lẫn đêm một cách miệt mài, chăm chỉ. Ni sư Huỳnh Liên động lòng trắc ẩn, hỏi Lê có muốn theo ni sư vào Nam hành đạo không? Lê không cần một giây suy nghĩ, gật đầu rồi từ đó rong ruổi theo đoàn khất sĩ đội mưa bom bão đạn đi cứu rỗi dân nghèo. ông bà nội tự nhiên thấy Lê mất tích, hỏi dò mãi cũng chẳng thấy tăm hơi thì nghĩ chắc con bé theo người ta "vượt núi" rồi (chỉ những người thoát ly đi theo Cách mạng - PV).
Được cấp bằng sau 10 ngày học lái
Từ ngày xuống tóc đi tu, Ngô Thị Lê lấy pháp danh Lệ Liên tham gia hành đạo cứu khổ cứu nạn giúp đồng bào. Trong giai đoạn trước và sau chiến dịch Mậu Thân, tịnh xá Ngọc Phương là nơi bảo bọc biết bao người con ưu tú của Cách mạng, là chốn nương náu của tất cả những phận đời bần cùng, đói khổ không nơi nương tựa.
Từ đây, dưới sự dẫn dắt của sư cô Huỳnh Liên, nhiều cuộc biểu tình, phản đối chống chiến tranh, đòi quyền sống, quyền bình đẳng diễn ra. Trong chùa có một chiếc xe ô tô mà không ai biết lái, mỗi khi có việc gì lại phải nhờ tài xế bên ngoài. Thấy vậy, Lệ Liên xung phong đi học lớp lái xe ô tô. Trong vòng 10 ngày, cô hoàn thành khóa học, được cấp bằng lái xe 4 bánh.
Ni cô Lệ Liên năm 20 tuổi đã cầm vô lăng tung hoành ngang dọc đường phố Sài Gòn.
Từ đó, giữa đường phố Sài Gòn, người ta thường nhìn thấy hình ảnh một ni cô nhỏ nhắn phía sau vô lăng khi thì chở người khi lại chở hàng hóa. Lúc bấy giờ, các phong trào đấu tranh công khai, hợp pháp của sinh viên yêu nước nổ ra ngày càng gay gắt.
Mỗi cuộc biểu tình, lẩn trong dòng người đấu tranh ngùn ngụt như vũ bão, không khó để nhận ra một "đội quân đầu trọc" với chiếc áo vàng dài chấm góp xuất hiện mọi nơi. Mỗi khi bị đàn áp, bọn giặc thường nhằm những nơi đông có người chỉ huy để tấn công.
Ngay lúc đó, chiếc Toyota trọng tải trên một tấn có mặt. Những người bị truy đuổi nhảy lên chiếc xe chạy như bay, vòng vo, lạng lách trước sự truy đuổi ráo riết của địch. Bọn địch đuổi theo chỉ được vài con đường bỗng chúng mất dạng mục tiêu, chiếc xe đã lẩn vào một con hẻm an toàn. Mỹ - Ngụy tăng cường canh phòng nghiêm ngặt tịnh xá Ngọc Phương.
Đoạn đường phía trước cổng tịnh xá chúng phong tỏa, rào kẽm gai tứ phía. Nhất cử nhất động của người trong chùa, chúng đều bám sát, theo dõi tới cùng. Xe chở các ni cô đi biểu tình của chùa vừa ra, chúng kè theo không rời một bước. Lái xe Lệ Liên khéo léo điều khiển vô lăng, cô bẻ cong tay lái trên mỗi cung đường, tuyến phố rồi thừa lúc giặc mất đề phòng, xe cô lao vun vút rồi bất ngờ quẹo trái, rẽ phải mất dạng.
Cánh lái xe địch mỗi lần thấy xe Lệ Liên đều ngao ngán, chúng xì xào với nhau sao lại có một ni cô lái xe giỏi đến vậy. Không thể làm gì được đội quân này hoạt động, chúng dùng đủ thủ đoạn kể cả đốt xe của chùa. ở Sài Gòn ngày ấy, ni cô Lệ Liên được cho là tay lái số một và duy nhất có khả năng vượt mọi chướng ngại, băng rừng lội suối trên tất cả các cung đường dù đó là những con đường gập ghềnh và hiểm trở. Ni cô lái xe đi tiếp tế lương thực cho Cách mạng, đi cướp xác giữa đêm khuya và trên từng nhiệm vụ ấy, tay lái cô vững vàng vượt mọi gian khó.
Trong những năm chiến sự khốc liệt, ni cô Lệ Liên chịu trách nhiệm chính lái xe từ miền Nam ra miền Trung vượt qua hàng nghìn km đường đèo, dốc núi cheo leo. Vừa đi vừa phải né tránh bom đạn, ni cô Lệ Liên nhớ lại: "Trong một chuyến đi từ Sài Gòn ra miền Trung, để tránh đụng chạm với giặc, xe của cô phải đi men theo đường rừng. Đoạn qua đèo từ Gia Lai xuống Phú Yên, xe đột nhiên chết máy.
Những người trên xe toàn là ni cô nên không ai am hiểu gì về động cơ, chiếc xe nằm phơi mình giữa núi rừng không một bóng người. Một mình tôi loay hoay nằm dưới gầm xe vặn ốc, sửa máy. Do sức yếu nên tôi không thể xoay ốc được càng làm cho tình hình xấu đi. Cũng may mà vài giờ sau, có một anh nông dân đi đốn măng trong rừng thấy vậy xắn tay vào phụ giúp vậy là xe tiếp tục lên đường".
Xe cô lại băng qua đèo Hải Vân, đèo Cù Mông chẳng thua kém gì những bác tài lão luyện. Họ bóp còi inh ỏi, vẫy chào thán phục người tài xế đặc biệt trên những cung đèo cheo leo, nguy hiểm nhất của dải đất hình chữ S.
Trở thành lái xe từ năm 20 tuổi, ni cô Lệ Liên gắn bó với nghiệp cầm lái cho đến gần trọn cuộc đời. Cái nghiệp lái xe của một người tu hành không hề bon chen, tính toán, vụ lợi nên nó trong sáng và thuần khiết vô cùng. Cô bảo rằng, cô yêu công việc này. Bây giờ do tuổi cao, sức yếu nên cô vừa giã từ vô lăng khi vừa bước qua tuổi 65.
Hoa Nguyên