Vì sao ông Lương Quốc Dũng được vợ giúp?
Xin cho biết ông tiếp xúc với vụ án Lương Quốc Dũng như thế nào không?
Vụ án của ông Dũng xảy ra từ năm 2004, bây giờ ông Dũng đã thụ hình xong, chắc đang sống với người thân và những người bạn. Khi vụ việc xảy ra, tôi cũng chỉ tiếp nhận thông tin qua báo chí nhưng phần lớn thông tin na ná như nhau, kiểu thiếu tin nguồn chính thức. Tôi nhớ một hôm, một doanh nghiệp trẻ thuộc Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội dẫn vợ ông Dũng là bà Lê Như Quỳnh đến văn phòng đặt vấn đề mời tôi bào chữa cho chồng. Vợ ông Dũng khi đó còn rất trẻ và đẹp. Bà Quỳnh là người vợ thứ hai của ông Dũng. Khi nhận việc này, tôi hiểu, sức ép từ dư luận, từ cái gọi là người nổi tiếng của ông Dũng, từ bản thân tôi, từ gia đình ông Dũng là khá lớn.
Ông Lương Quốc Dũng. Ảnh: Báo Tuổi trẻ
Hôm bà Quỳnh đến là ngày thứ Sáu, tôi làm việc hết ngày thứ Bảy (thời điểm đó các cơ quan Nhà nước vẫn làm việc ngày thứ Bảy - PV) cho các thủ tục ban đầu và sang thứ Hai tuần sau tôi sang Công an Hà Nội làm thủ tục xin cấp chứng nhận để tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Dũng ngay từ giai đoạn điều tra. Tuy nhiên khi đó Công an Hà Nội từ chối tôi với lập luận: Ông Lương Quốc Dũng từ chối, không mời luật sư (!?). Kết thúc điều tra, tôi và luật sư Nguyễn Huy Thiệp mới được cấp phép tham gia bào chữa.
Chồng mua dâm vị thành niên mà vợ vẫn giúp trong quá trình tố tụng thì cũng lạ. Luật sư có thể cho biết vợ của ông Dũng có yêu cầu gì vào luật sư trong quá trình mời luật sư giúp chồng không? Trong quá trình tiếp xúc luật sư có nhận xét gì không?
Trước đó, tôi không biết bà ta như thế nào nhưng khi đến văn phòng mời luật sư cho chồng, tôi thấy người phụ nữ này cũng gan. Bà ta dám đương đầu với dư luận, dám bày tỏ nguyện vọng cá nhân với luật sư rằng: "Tôi tin, chuyện anh Dũng mua dâm là có nhưng hiếp dâm thì không". Đó là bày tỏ chứ không phải là yêu cầu nhưng thực sự, đó như một sức ép đối với luật sư. Tôi hiểu, để nói ra được những lời như vậy, đối với người phụ nữ là một sự đấu tranh, giằng xé ghê gớm. Và sau này, tôi mới hiểu, chẳng phải tự nhiên mà có một doanh nghiệp trẻ ở Hội Doanh nghiệp đưa bà Quỳnh đến gặp, mời tôi.
Luật sư gặp ông Dũng ở trại như thế nào? Hai bên có đồng quan điểm làm việc không?
Tôi đến trại gặp ông Dũng hai lần. Hai bên thống nhất là "Mua dâm" chứ không phải "Hiếp dâm". Bằng những bằng chứng khoa học về tâm lý, những chứng cứ trong hồ sơ, lời khai đã giúp tôi đi theo hướng bào chữa đó. Có người nói rằng, "mua" hay "hiếp" thì cũng thế thôi, bào chữa cho kẻ xấu xa đó làm gì... Tôi nghĩ khác, tính nhân đạo của pháp luật là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho công dân và cả những công dân vướng vào vòng lao lý. Chúng ta làm thế là để tìm đến sự khách quan, dân chủ trong bản chất vốn có của pháp luật chứ không phải vì cái sự chủ quan trong nhìn nhận ông này thế này, ông kia thế khác để bỏ mặc người ta. "Mua dâm", tất nhiên là chuyện không nên làm, đặc biệt với trẻ vị thành niên nhưng không đến nỗi xấu xa, bỉ ổi như "Hiếp dâm". Mà bản chất của cuộc sống là chúng ta đi tìm đến tận cùng cái phẩm giá con người.
Tại sao từ "hiếp dâm" thành "mua dâm"?
Luật sư biện luận như thế nào cho cái sự đổi thay từ "hiếp" sang "mua"?
Phân tích chuyện này bây giờ chẳng còn giá trị pháp lý nhưng còn giá trị về thế thái nhân tình để người trong cuộc phải nghĩ. Về tuổi, không cần phân tích, về hành vi, có lắm thứ "buồn cười". Cái cô bé là nạn nhân mà giới truyền thông xót thương và người đời thương cảm ấy không ngố như chúng ta nghĩ đâu. Hành vi của "Hiếp" và "Mua" khác nhau rất xa. "Hiếp" là nạn nhân không biết trước, bất ngờ, chống cự, bị ép... "Mua" là có sự thỏa thuận, đồng lòng làm việc đó.
Hồ sơ thể hiện, trước khi đi gặp người đàn ông, cô bé ấy đã biết trang điểm, lựa chọn quần áo đẹp để mặc. Cách làm chuyện đó được ghi trong hồ sơ là "với các tư thế khác nhau...". Nếu không tự nguyện thì làm sao làm được như thế? Cô gái khai là sau khi "xong", người đàn ông đi vào nhà vệ sinh trước, cô gái ngồi ở giường, chờ người đàn ông ra thì vào. Vậy nếu bị "hiếp", khi người đàn ông đi vào nhà vệ sinh, đó là cơ hội để cô gái kêu, để chạy, sao lại ngồi chờ vào sau mà không kêu, không chạy??. Rồi sau đó, người môi giới đưa cô gái đi mua thuốc tránh thai, hướng dẫn uống, cũng uống... Tiền đem về nhà giấu. Dì cô bé phát hiện ra cháu có nhiều tiền, truy đến nơi, cô bé khai, thế là gia đình đưa cô gái ra cơ quan công an tố cáo...
Hồi đó có thông tin là gia đình ông Dũng đã bồi thường tiền nhưng...
Thế thái nhân tình ở chỗ này đây. Gia đình cô bé này đã nhận nhiều tiền của ông Dũng, có biên nhận nhưng đại diện viện kiểm sát không ghi nhận trong vụ án. Người giúp ông Dũng gặp và thương lượng với gia đình này là một người phụ nữ lớn tuổi, chững chạc làm cùng với ông Dũng khi ông là sếp của họ. Có những cuộc điện thoại, sự thể các cuộc thương lượng, có đưa tiền thế nhưng ra tòa, gia đình này phủ nhận hết.
Như vậy, theo luật sư thì ông Dũng rơi vào tình cảnh: tiền mất mà tội và tiếng thì vẫn không giảm được?
Đúng thế, mất nhiều tiền là khác, tội thì bị xử 8 năm và với dư luận thì vẫn mang tiếng là người đàn ông hư hỏng, đáng lên án, bị xỉ vả... làm hại đời đứa bé mà chẳng bồi thường gì. Thực chất đâu phải như vậy?
Được biết, xử xong, luật sư và ông Dũng thống nhất sẽ kháng cáo... sao lại không?
Vì diễn biến, các tình tiết của phiên tòa sơ thẩm có nhiều vấn đề luật sư và bị cáo không thỏa mãn nên thống nhất sẽ kháng cáo. Tôi vẫn hứa là sẽ theo - tức giúp đỡ về pháp lý cho ông Dũng đến cùng trong vụ việc này. Sau đó, không thấy ông Dũng kháng cáo. Tôi hơi bất ngờ nhưng tìm hiểu thì biết được một số thông tin khá thú vị xung quanh việc này. (Còn tiếp).
Nhóm phóng viên (Thực hiện)