Chuyện đời xót xa của hai người phụ nữ bất hạnh

Chuyện đời xót xa của hai người phụ nữ bất hạnh

Thứ 5, 27/12/2012 23:53

Nếu không tận mắt chứng kiến, tôi khó có thể tin được, hơn 30 năm qua hai chị đã phải sống và gắn bó với nơi này. Nơi mà hai chị gọi là nhà ấy chỉ có thể để được một chiếc xe đạp, hễ có khách, chị phải ra ngoài đứng.

Ở cái nơi tối tăm và ẩm thấp ấy, tôi được nghe một câu chuyện cảm động, thấm đẫm tình người của hai chị Diệp Ngọc Linh và Diệp Ngọc Tuyền.

Pháp luật - Chuyện đời xót xa của hai người phụ nữ bất hạnh

Suốt 30 năm qua, chị Linh dành cả cuộc đời mình cho đứa em tội nghiệp

Tuổi thơ ngắn ngủi

Trong khi chờ chị, tôi ghé mắt qua khung cửa sắt khóa bằng dây xích phía ngoài. Một thân người nằm co quắp trên nền gạch với những hơi thở khó nhọc. Đó là chị Diệp Ngọc Tuyền, 43 tuổi, em gái duy nhất của chị Diệp Ngọc Linh, 45 tuổi ở đường Hòa Hảo (quận 10, TP.HCM). Suốt 30 năm qua, chị Linh vừa làm chị, làm cha, làm mẹ cho đứa em gái bất hạnh của mình. 12h trưa, chị Linh đi làm về. Khi đã vào bên trong căn nhà ấy, tôi mới được tận mắt chứng kiến và xót xa cho số phận đớn đau của hai người phụ nữ.

Chị em Linh sinh ra trên đất Sài Gòn và đã từng có một thời sống trong sự đùm bọc, yêu thương của cha mẹ. Sau giải phóng, cha mẹ Linh di cư về Đồng Xoài (Bình Phước) lập nghiệp nhưng một thời gian ngắn sau đó, họ lại dắt díu nhau về lại nơi cũ. Lúc này, nhà cửa không còn, gia đình chị phải đi ở nhờ, ở đợ khắp nơi. Năm Linh 10 tuổi thì cha Linh đột ngột qua đời sau một đêm ngủ ngon, 3 tháng sau mẹ Linh cũng theo cha về nơi chín suối.

Cho đến tận bây giờ, chị vẫn còn nhớ rõ buổi tối cuối cùng của ba, lần đầu tiên trong đời, ông hỏi Linh muốn ăn gì để ông mua cho. Linh bảo: "Con muốn ăn một chiếc bánh bao nóng hổi". Ai ngờ đó cũng là món quà cuối cùng Linh nhận từ người cha. Khi ấy cha mẹ Linh chưa tròn 50 tuổi.

Tuổi thơ của hai chị em Linh bị dập tắt bởi biến cố gia đình. Sau khi cha mẹ lần lượt qua đời, Linh phải lao ra ngoài đời, làm đủ nghề để lo cho em. Tuy cha mẹ mất sớm nhưng Linh luôn ý thức được việc gì tốt và việc gì không nên làm. Hàng xóm láng giềng thương tình đã viết đơn xin chính quyền địa phương xem xét, hỗ trợ cho hai chị em một căn nhà nhỏ. Năm 16 tuổi, Diệp Ngọc Tuyền đột nhiên bị sốt cao, đau đầu dài ngày. Linh đưa em tới bệnh viện thì bác sĩ lắc đầu kết luận: Ngọc Tuyền bị bại não. Đau đớn, Linh đành đưa em về nhà và chỉ một thời gian ngắn sau đó, tay chân Tuyền bắt đầu teo lại, không cử động được.

Từ khi em gái bị bại liệt, Linh lao vào công việc không biết mệt mỏi chỉ mong sao kiếm đủ tiền chăm sóc em. Linh không từ chối một công việc chân chính nào, hễ người ta gọi là chị đi, khi thì làm người giúp việc, khi thì làm gia công trong các xưởng may mặc, giày da. Hiện chị đang làm gia công nút giày cho một xí nghiệp tư nhân gần nhà với thù lao 70.000 đồng/ngày.

Hằng ngày, Linh phải dậy từ lúc 5h sáng, cơm nước, vệ sinh cho em xong xuôi rồi mới đi làm. Trước khi đi làm, chị đều cẩn thận lấy dây xích khóa trái cửa để em mình trong đó. 30 năm qua, cuộc sống của hai chị em cứ diễn ra như thế. Tôi hỏi: "Có bao giờ chị cảm thấy chán chường, muốn buông xuôi tất cả?". Trái với suy nghĩ của tôi, chị Linh trả lời dứt khoát: "Cuộc đời tôi là một chương đau khổ nhất trong các chương đau khổ. Thế nhưng, em gái của tôi lại còn đau khổ hơn khi phải sống chung với bệnh tật như thế. Tôi hạnh phúc vì có em trong đời để chia sẻ và yêu thương".

Dành cả tuổi thanh xuân để chăm sóc em...

Chị đã hy sinh cả tuổi thanh xuân để chăm sóc em gái. Chị bảo ngày trẻ cũng có nhiều chàng trai thương chị, muốn gắn bó nhưng khi nhìn lại đứa em gái, chị không nỡ rời xa. Chị đã từng phải nuốt nước mắt vào lòng để từ chối những lời cầu hôn chân thành. Chị biết, người ta có thể chấp nhận hoàn cảnh của chị, chấp nhận cả đứa em gái đáng thương của chị nhưng chị lại không thể san sẻ tình cảm cho một ai ngoài em gái mình.

Chị chia sẻ: "Nếu lập gia đình, thời gian của tôi phải dành cho gia đình rồi con cái nữa và Ngọc Tuyền sẽ bị thiếu tình thương, thiếu sự chăm sóc. Tôi thấy làm như thế sẽ có lỗi với em, có tội với cha mẹ đã khuất núi". Một lần, chị đi làm về, thấy cửa nhà mở, nhìn vào trong không một bóng người. Chị hoảng loạn, chạy đi khắp nơi hỏi thăm tìm em. Chị đăng báo tìm người lạc, may nhờ mẩu tin ấy, hơn một tháng sau, chị đã tìm thấy em ở tận Long An.

Gặp em, chị mừng không nói nên lời, cứ ôm ghì lấy em mà khóc, mà trách. Sờ nắn khắp người em xem có bị thương, bị trầy xước chỗ nào không rồi chị thở phào nhẹ nhõm khi em mình vẫn lành lặn tuy có phần tiều tụy. Ngọc Tuyền tuy không nói được nhưng qua thời gian lang thang nay gặp lại chị, bỗng dưng chảy nước mắt. Tình người có những lúc nó trỗi dậy mạnh mẽ khiến người ta lấn át cả bệnh tật. Sống gần nửa đời ở thành phố, có nhà hẳn hoi nhưng cả hai chị em vẫn không có một thứ giấy tờ tùy thân (toàn bộ giấy tờ liên quan đến hộ tịch của hai chị em đã bị thất lạc - PV). Với chị em chị, mơ ước lớn nhất trong đời là có một chiếc chứng minh thư nhân dân!

"Tôi mong sao chính quyền làm cho hai chị em một cái chứng minh thư nhân dân để những lần tôi đi xin việc ở đâu đó, sẽ tự hào cầm một bộ hồ sơ còn em Tuyền có một giấy tờ nào đó để chứng minh rằng em cũng là một con người trong xã hội", chị Linh ngậm ngùi nói.

Chia tay chị em chị Linh khi cơn mưa Sài Gòn bất chợt nặng hạt, tôi phải nép mình dưới mái hiên một ngôi nhà để khỏi ướt. Trong cơn mưa trắng xóa đất trời, hình ảnh hai người phụ nữ tuổi xế chiều bón cơm cho nhau ăn khiến lòng tôi nặng trĩu. Hy vọng mơ ước của chị em chị Linh sớm trở thành hiện thực...

Hoa Nguyên


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.