Từ trước tới nay đã có không ít tin tức về những nghi án dùng thôi miên, đoạt tiền và vàng xảy ra trong cả nước. Liệu có hay không chuyện dùng thuật thôi miên để lừa đảo, chỉ đạo người khác? Qua vụ "thôi miên" ở Quảng Ngãi bị lật tẩy, các chuyên gia về lĩnh vực này đã lên tiếng...
Vụ đoạt vàng, tiền được cho là dùng thuật thôi miên tại hiệu vàng Tín Huy, Quảng Ngãi chỉ là màn kịch dựng của chủ hiệu vàng
Màn kịch vụng
Sự việc xảy ra vào ngày 21/10 tại hiệu vàng Tín Huy (Bình Sơn, Quảng Ngãi), khi kẻ gian dùng thủ đoạn vô cùng tinh vi cướp đi lượng vàng lớn và tiền mặt hơn 1 tỷ đồng. Theo lời kể của chị Nguyễn Thị Thúy (41 tuổi) - chủ hiệu vàng Tín Huy, khoảng 10h20 sáng có một thanh niên chừng 30 tuổi, mặc áo xanh, đội mũ bảo hiểm, đeo khẩu trang bước vào cửa hiệu hỏi mua 5 chỉ vàng. Chị Thúy đưa vàng và đối tượng trên đưa tiền trả.
Tuy nhiên, sau khi giao dịch xong, người này tiếp tục trao đổi thêm với chị. Không hiểu người thanh niên kia nói gì, nhưng những hình ảnh ghi lại từ 4 camera cho thấy chị Thúy đã tự tay lấy toàn bộ 6 khay vàng (trên 100 cây) trong tủ và đồng thời mở két sắt lấy số tiền trên 1 tỷ đồng lần lượt bỏ vào hai bao nilon màu trắng, đen cho người thanh niên. Tên này nhanh chóng tẩu thoát.
Điều đáng nói, theo lời khai bà Nguyễn Thị Thúy với CQĐT, khi đối tượng bỏ đi, bà Thúy choáng váng và ngất xỉu. Qua camera, ghi nhận đối tượng mặc áo xanh, đội mũ bảo hiểm, đeo khẩu trang che kín cả mặt. Tại thời điểm xảy ra vụ cướp, trong nhà có rất nhiều người nhưng mọi người lại không hề hay biết, do chỉ có một mình bà Nguyễn Thị Thúy đứng bán bên ngoài.
Sau khi sự việc xảy ra, nhiều ông chủ tiệm vàng không khỏi lo lắng khi kẻ gian lại có phép thuật cao tay đến như vậy. Tuy nhiên, nhiều người cũng tỏ ra nghi hoặc vì sao đến bây giờ thuật thôi miên mới được lạm dụng khi nó đã xuất hiện từ khá lâu. Thậm chí, có người am hiểu hơn thì cho rằng, người bị thôi miên khi tỉnh sẽ không nhớ chuyện gì vừa xảy ra với mình, còn đây bà Thúy ngay sau khi tỉnh dậy đã nhớ như in và kể vanh vách từ đầu đến cuối.
Đâu là sức mạnh thực của thôi miên?
Nhà cảm xạ Dư Quang Châu (Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng cảm xạ địa sinh học- ĐH Hồng Bàng TP. Hồ Chí Minh) khẳng định khả năng thôi miên của con người là hoàn toàn có thật. Nhưng hành động thôi miên ấy phải có sự hợp tác của người thôi miên và được thôi miên, khi đó thôi miên mới được thực hiện. Trong quá trình thôi miên, người bị thôi miên vẫn hoàn toàn có ý thức được chuyện gì xảy ra xung quanh mình.
Không am hiểu gì về thôi miên
Trong trường hợp này (vụ chủ hiệu vàng dựng kịch "thôi miên" mất vàng ở Quảng Ngãi -PV) sẽ không có cách nào biểu diễn kể cả họ đồng ý! Hơn nữa, giả thiết họ đồng ý biểu diễn thì đầu óc họ không hề choáng váng và cơ thể của họ thì lại hoàn toàn bình thường, thậm chí còn cứng hơn lúc bình thường chứ không hề "rã rời". Hai trạng thái biểu diễn và thôi miên trị liệu hoàn toàn khác nhau ở điểm này! Tiếp nữa là nếu đồng ý biểu diễn như vậy thì sau đó họ không hề nhớ bất cứ chi tiết nào, kể cả là ai đã từng vào cửa hàng, một điểm nữa là không bao giờ họ "ngất đi mê man" cả. Ngoài ra nếu là biểu diễn thì các chuyên gia phải nói là họ cần gì, và nếu vậy thì trong đoạn băng sẽ có! Nếu coi đây là một vụ dàn dựng thì có thể nói người đạo diễn cho vụ này không hề biết thôi miên là gì". (Thạc sĩ Nguyễn Mạnh Quân, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển sức khỏe Thể - Tâm - Trí) |
Ông Châu đùa: "Tôi nói thật, mặc dù thỏa thuận để thôi miên, nhưng người bị thôi miên vẫn biết hết. Thấy người ta xinh xinh mà tưởng thôi miên xong người ta không biết gì mà lạm dụng thì ăn bạt tai ngay đấy. Tôi ví dụ thế để mọi người biết, thôi miên không thể dụ người bị thôi miên làm hết những gì họ không muốn, họ vẫn hoàn toàn ý thức mọi chuyện".
Ông Châu khẳng định, chuyện thôi miên để cướp vàng, cướp tiền chỉ là chuyện đồn thổi, huyễn hoặc một khả năng không thể có của con người. Chuyện vào cướp vàng, cướp tiền là nằm ngoài lĩnh vực của thôi miên. "Tôi không bao giờ tin chỉ cần nhìn, hay phẩy phẩy tay mà khiến người đối diện ngây dại làm theo mọi mệnh lệnh. Nếu làm được như thế thì thôi miên tài quá, người Việt Nam mình giỏi quá".
Trao đổi về câu chuyện ly kỳ, nhuốm mầu ma thuật này, một cán bộ thuộc Trung tâm năng lượng cảm xạ Việt Nam (xin được giấu tên - PV) cho biết: "Thôi miên là phải có sự thỏa thuận của 2 người với nhau, chỉ có thuốc mê thì người này mới có những hành động khiến người kia không biết. Thực tế, ở Việt Nam chưa có trung tâm nghiên cứu về thôi miên, cho nên đứng ở góc độ của Trung tâm năng lượng cảm xạ có thể nói rằng, không bao giờ có chuyện người này có thể tự ý thôi miên được người khác một cách dễ dàng như vậy. Ngay cả khi 2 người thỏa thuận với nhau, khi người thôi miên ra lệnh có những điều không được người bị thôi miên đồng ý thì lập tức thoát ra khỏi thôi miên liền. Tức là phải có sự thỏa thuận, thống nhất giữa 2 người. Câu chuyện mất vàng ở Quảng Ngãi là hết sức vô lý, có thể khẳng định là không thể có được".
Nhà cảm xạ học Dư Quang Châu cho rằng: Thôi miên theo sự hiểu của số đông, thì nó là một phép thuật và vô cùng huyền bí... Nhưng trên thực tế lại hoàn toàn không phải như vậy. Thật ra thôi miên không giống bất cứ một môn ảo thuật nào, nó khác hẳn những điều mà chúng ta ngày nay đang đồn đại, hoặc thậm chí đang truyền dạy... Trong đó, các chuyên gia thôi miên (nếu là thật - PV) chỉ giống như một người cầm tấm bản đồ, chỉ đường cho người bị thôi miên, để người này tự lái chiếc xe "cuộc đời" đi đến đích theo như mong muốn, chứ không hơn và không kém. Vì thế, đối chiếu lại vụ mất vàng ở Bình Sơn (Quảng Ngãi), tất cả đều có chung nhận định: "Nếu coi thôi miên là nguyên nhân chính dẫn đến việc bà chủ tiệm vàng tự tay dâng gần trăm cây vàng là điều hoàn toàn vô lý, vì thôi miên không thể làm được điều hoang tưởng đến như vậy".
Màn kịch lừa qua lăng kính chuyên gia thôi miên, cảm xạ học
Phân tích những yếu tố lạ thường trong vụ mất vàng ở Quảng Ngãi, thạc sĩ Nguyễn Mạnh Quân, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển sức khỏe Thể - Tâm - Trí cho hay: Nếu là trạng thái thôi miên thư giãn để trị liệu thì thời gian để cho một người đi được vào trạng thái thôi miên không ngắn lắm, mà toàn bộ những dẫn dụ dù là bằng phương pháp nào cũng đều được ghi lại tại đoạn băng camera. Nhưng nếu là thư giãn để "chân tay rã rời" thì đầu óc họ lại sẽ nhẹ nhàng mà không hề mê man. Hơn nữa, họ sẽ không thể cử động cơ thể để đi lấy tiền và vàng đưa cho "kẻ cướp"! Muốn đi lấy tiền thì họ lại phải tự ra khỏi trạng thái thôi miên!
Còn nếu là thôi miên biểu diễn, thì mọi cảm ứng (Induction), thông thường là gây sốc cũng sẽ được ghi lại tại đoạn băng. Nhưng thôi miên biểu diễn thì không thể thực hiện được bởi phải được sự đồng ý của thân chủ để họ đồng ý làm biểu diễn. Trong trường hợp chỉ có một người với đống vàng này thì kể cả họ đồng ý cũng không một chuyên gia nào có thể làm được, vì họ vẫn còn lo bán hàng chứ đừng nói đến chuyện họ sợ người lạ.
Cũng cùng chung quan điểm vụ cướp vàng không thể dùng phương pháp thôi miên, ông Dư Quang Châu khẳng định: "Nếu đây là vụ cướp thật thì rất có thể thủ phạm đã sử dụng thuốc mê. Đây là loại thuốc mê đặc biệt, nó chỉ gây cho người ta một ảo giác và người tỉnh táo có thể sai khiến được. Nhưng trường hợp này cũng hiếm lắm, bởi đó là loại thuốc thần kinh không phải ai cũng sử dụng đúng liều lượng được".
Đưa ra giả thuyết của mình, ông Châu cho rằng, rất có thể đây chỉ là một vụ dàn dựng mất vàng để đánh lừa dư luận. Người ta cứ mượn từ "thôi miên" để làm cho chuyện mất vàng thêm kỳ bí, khiến nhiều người quan tâm.
Vương Trần- Vương Hà