Vừa trên đường từ Quảng Bình ra Hà Nội lúc mờ sáng, chỉ kịp chợp mắt một lát, hai vợ chồng người lính già Lê Duy Ứng đã vội vã lên viếng bác Giáp. Trong cái nắng cuối thu của Hà Nội và đoàn người xếp hàng dài viếng bác Giáp, nỗi tiếc thương càng trầm buồn. Trước khi đi, ông Ứng vẫn còn băn khoăn: "Không hiểu thương binh nặng như mình thì có vào được hay không, cũng lâu rồi không đến thăm gia đình Bác, không biết có còn ai nhận ra mình". Người lính già Lê Duy Ứng năm nào vẽ chân dung Bác Hồ bằng máu, giờ lại đau nỗi đau lớn của dân tộc. Với ông, Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn là người ông, người cha hết mực chân tình.
Tấm lòng cao cả
Ông Ứng còn nhớ, lần đầu tiên gặp Đại tướng là ngày ông đang điều trị ở bệnh viện 108 cuối năm 1975. Hôm đó là ngày 28/4/1975, đoàn xe tăng của ông Ứng chẳng may trúng đạn chống tăng của địch, ông bị hỏng hai mắt. Bức tranh Bác Hồ vẽ bằng máu ra đời trong lúc đối diện giữa ranh giới của sự sống và cái chết.
Sau khi được sơ cứu, ông Ứng được chuyển ra miền Bắc để điều trị tại bệnh viện 108. Thời gian ở đây, do xa nhà, xa đồng đội, mắt lại hỏng nên không có việc gì làm, ông Ứng cảm thấy buồn. Lúc ấy, đồng chí viện phó bệnh viện là Đào Sơn Trà mới ngồi thủ thỉ chuyện cùng. Ông Trà bảo: "Ngày sang Liên Xô, thấy có một bà lão bị mù hai mắt nhưng nặn tượng rất đẹp, hay là Ứng cũng thử nặn tượng xem sao". Nghe có lý, ông Ứng liền nhờ những người bạn ở trường đại học Mỹ thuật Yết Kiêu đem đến một ít đất sét để làm thử.
Họa sỹ Lê Duy Ứng bên bức tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại quê hương.
Chịu trách nhiệm đảm bảo sức khỏe cho ông Ứng lúc bấy giờ là y tá Xuân. Thấy ông miệt mài ngồi nặn tượng, cô Xuân nghiêm khắc nhắc nhở. Vì "bị cấm" nên ông Ứng chuyển qua ngủ ngày, làm đêm. Cứ khi mọi người đã yên giấc thì ông lại lọ mọ bê đất sét ra hành lang để ngồi nặn. Nhiều đêm, đang làm dở thì bị phát hiện, phê bình, ông chỉ cười xòa. Ngày ấy không có việc gì khác để làm nên ông cứ miệt mài với ý định làm tượng Bác Hồ. Rồi một hôm, khi ông đang làm ngoài hành lang thì thấy có người đến thăm. Người ấy đi cùng với mấy y tá, bác sỹ và trợ lý, cứ đứng lặng im nhìn ông Ứng làm việc. Nhìn người họa sỹ già đã không còn nhìn thấy gì, ngồi tỉ mỉ, dò dẫm nặn tượng lãnh tụ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp xúc động lắm. Người mới động viên ông: "Đồng chí là họa sỹ mà mắt không còn nhìn thấy đường nét, ánh sáng thì cố gắng phấn đấu rèn luyện cho tốt". Qua những cái bắt tay, ông Ứng cảm nhận được sự chân tình mà vị Tổng tư lệnh quân đội dành cho mình. Đó cũng là động lực để ông tiếp tục miệt mài phấn đấu sáng tác trong suốt nhiều năm sau.
Điều trăn trở của Đại tướng Võ Nguyên Giáp lúc bấy giờ là: "Có một điều tôi đau đáu trong lòng là làm sao mắt Lê Duy Ứng được chữa khỏi, làm sao để Ứng được ra nước ngoài để chữa sáng hơn". Bằng tình thương của một người cha, Đại tướng thường xuyên thăm hỏi bệnh tình ông Ứng. Thậm chí, khi Tổng thống Pháp sang thăm Việt Nam, Đại tướng còn đích thân nhờ để có thể đưa ông Ứng sang Pháp chữa bệnh.
Năm 2005, chính tay Đại tướng đã viết thư gửi hãng hàng không VietnamAirline đề nghị hỗ trợ cho vợ chồng ông một đôi vé máy bay sang Nhật miễn phí để mổ mắt. Ca mổ mắt của ông thành công hơn sự mong đợi, một lần nữa ánh sáng lại trở lại với người họa sỹ già mà công hàng đầu vẫn là nhờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Những bức vẽ đầu tiên của họa sỹ Lê Duy Ứng sau khi sáng mắt: Bức thứ nhất vẽ Bác Hồ, bức thứ hai vẽ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, những bức sau mới dành tặng cho các bác sỹ và gia đình.
Họa sỹ Lê Duy Ứng chụp ảnh kỷ niệm cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Luôn phải đặt chữ “Công” lên đầu
Ông Ứng còn nhớ, lời dạy mà trước sau Bác Giáp luôn nhắc nhở: "Trong mọi hoàn cảnh vẫn phải cố gắng học, trau dồi đạo đức và sáng tạo. Luôn phải đặt chữ Công lên đầu". Năm ông Ứng được phong quân hàm Trung tá, đến báo cáo với Bác, Bác đặt tay lên vai ông mà bảo: "Đây là quân đội đang giao trọng trách cho chú chứ không phải chỉ là một vinh hạnh không thôi". Bác Giáp lúc nào cũng vậy, luôn yêu cầu những người xung quanh mình một thái độ nghiêm túc với công việc, gương mẫu trong cuộc sống.
Trong cuộc sống đời thường, Đại tướng cũng là người chỉn chu. Nhà có khách, bao giờ Đại tướng cũng vận quân phục đầy đủ chứ không để người khác thấy mình xuề xoà. Nhiều hôm ông Ứng đến chơi nhà, thấy Đại tướng đang ngồi thiền hoặc chơi đàn, hoặc trầm ngâm đọc sách. Đại tướng hay có thói quen đi dạo trong vườn, mỗi lúc bác cháu cùng đi, người lại tâm sự những điều mình vẫn trăn trở trong lòng. Có lúc, người quay sang dặn: "Cây ngay không sợ chết đứng". Vì vậy, trong lễ viếng Đại tướng, Đại tá - Họa sỹ Lê Duy Ứng viết "Văn là anh/Võ cũng là anh/Anh là dũng tướng lừng danh muôn đời/Như đại thụ giữa đất trời/Lá xanh thẳng đứng sáng ngời thiên thu", cũng là xuất phát từ đó.
Trong cuộc đời mình, có hai lần ông Ứng được cầm thư tay của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Lần thứ nhất ở Quân đoàn 2, Thiếu tướng Lê Linh có đưa cho ông một lá thư Đại tướng gửi quân dân miền Nam ngày 7/4/1975, trước trận chiến lịch sử giải phóng dân tộc. Bức thư có đề "Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ từng phút, xốc tới mặt trận giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng". Thiếu tướng Lê Linh mới bảo ông dựa trên đó vẽ một bức tranh cổ động lớn cho chiến dịch. Khi bức tranh đã hoàn thành, ông còn vẽ thêm một bức ảnh Bác Hồ có tên "Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân" cho giờ phút khai trận.
Lần thứ hai, ấy là vào khoảng năm 1996-1997, khi tỉnh Quảng Bình mới tách ra khỏi Bình Trị Thiên. Trước hôm về thăm quê, ông Ứng có đến thăm Đại tướng và báo: "Ngày mai cháu về thăm quê Bác ạ". Đại tướng mới ngồi vào bàn giấy, viết tay một bức thư rồi bảo ông Ứng chuyển về cho Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Quảng Bình lúc ấy là ông Thái Bá Nhiệm. Trong bức thư, dòng chữ của Người rắn rỏi nhấn mạnh "Phải đoàn kết". Dưới chữ "Phải đoàn kết" còn là ba gạch chân tô đậm thể hiện ý chí của Người.
Cuộc gặp gỡ cuối cùng
Đến giờ, không thể tính nổi chính xác họa sỹ Lê Duy Ứng đã bao nhiêu lần được gặp Đại tướng. Chỉ biết, những người lính cảnh vệ xung quanh Đại tướng đã quá quen thuộc với người họa sỹ già này. Còn nhớ đôi lần đến nhà ăn cơm cùng vợ chồng Bác Giáp, bữa cơm đạm bạc chỉ có cá mòi Quảng Bình, rau muống luộc và dưa cà. Bữa cơm chỉ có mấy người, vợ chồng Đại tướng, ông Ứng cùng một người cháu ruột. Trước sau, trong cuộc sống đời thường Người vẫn giản dị thế.
Lần cuối cùng ông Ứng gặp Đại tướng là vào ngày sinh nhật 25/8, lúc ấy trợ lý của Đại tướng mới bảo: "Ứng ơi, phải hạn chế vào thăm thôi, sức khoẻ của Đại tướng cũng yếu lắm rồi. Người nhà cũng phải hạn chế, nếu không vào nhiều có khả năng đem theo nguy cơ nhiễm bệnh cho Người". Dù bệnh nhưng Đại tướng vẫn thăm hỏi chuyện nhà, chuyện sáng tác của ông...
Ngày 4/9 như một định mệnh! Chiều hôm đó, ông Ứng đang trên đường bắt xe về Quảng Bình. Xe xuất phát được chừng hơn 1 tiếng thì nghe thấy có điện thoại của người em ruột gọi điện báo tin "anh ơi! Bác Giáp mất rồi". Ông Ứng vẫn không thể tin vào tai mình. Về đến Quảng Bình, ông lập tức bảo người cháu đưa đến ngôi nhà thờ của dòng họ Võ cách nhà gần 30 cây số. Thắp nén tâm nhang cho Người mà ông vẫn coi là cha, là ông, trong lòng họa sỹ Lê Duy Ứng tràn ngập một nỗi đau không nói nên lời.
Bức tượng bằng composite mà ông Ứng đưa đến viếng Đại tướng là bức tượng đã được kỳ công, dồn nhiều tâm sức và cả tình yêu mới có thể làm được. Ông Ứng kể, đương thời do sống khiêm tốn, giản dị, Đại tướng không đồng ý cho làm tượng mình mà chỉ cho vẽ tranh. Khi Đại tướng sang Liên Xô (cũ), cũng bằng lòng ngồi cho các họa sỹ vẽ tranh mình nhưng đúc tượng thì không. Ông Ứng chỉ biết âm thầm làm bằng chính tình yêu của mình dành cho Đại tướng.
Nguyện vọng lớn nhất của Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn là trở lại với quê hương Quảng Bình khi đã nhắm mắt xuôi tay. Tình yêu của Đại tướng với quê hương chưa lúc nào ngơi nghỉ. Nhiều lần về Quảng Bình, lần nào Đại tướng cũng ngồi trên đò, đi dọc sông Kiến Giang để được lắng nghe những điệu hò quê hương. Rồi Đại tướng về thăm nghĩa trang liệt sỹ, nơi cha của mình yên nghỉ. Cha của Đại tướng cũng đã ngã xuống ở đất cố đô, về sau mới được chuyển về quê, đó cũng là đạo lý "lá rụng về cội" muôn đời của người Việt Nam.
Đỗ Huệ