Chuyện kỳ bí về cây cầu đá 222 năm

Thứ 6, 28/12/2012 00:06

Người già trong làng ai cũng bảo, đá ở dưới chân cầu là "đá hiền" chứ không phải "đá dữ". Có lẽ vì thế nên dù cây cầu nhìn khá trống trơn, không có thành, những người lạ phóng xe đi qua thấy chờn chợn nhưng người dân trong vùng thì cứ vô tư qua lại.

Những lời đồn đại rắn thiêng và đá... biết bò!

Di tích cầu Cốc Khoác thuộc thị trấn Hùng Quốc, Trà Lĩnh (Cao Bằng) cách biên giới Việt - Trung khoảng 4km. Theo tư liệu lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Cao Bằng, bước đầu xác định cây cầu đá được xây dựng từ thời Lê Cảnh Hưng năm thứ 49 (1789).

Những khối đá được gắn với nhau theo hình vòm bán nguyệt bằng những vật liệu kết dính thô sơ

Cần sớm công nhận di tích lịch sử

Tồn tại cùng với cây cầu Cốc Khoác còn có 3 cây cầu khác là: Cầu Phạc Niêng (xã Cao Chương), cầu Pò Mán (xã Quang Hán) và cây cầu Giá Vá (thị trấn Hùng Lĩnh). Tất cả đều được xây dựng theo một lối kiến trúc là dạng vòm xếp đá nhưng nay khi 3 cây cầu kia đều đã bị phá hủy hoàn toàn trong thời Chiến tranh biên giới (1979) thì không hiểu tại sao cây cầu Cốc Khoác vẫn rêu phong vẹn nguyên qua chiến tranh, thời gian tàn phá. Hiện nay thấy được giá trị văn hóa quan trọng của cây cầu, người dân nơi đây đã đem ra nhiều biện pháp để bảo vệ như: Cấm xe trọng tải lớn đi qua, kè thêm đá vào hai bên chân cầu đã bị lở ra. Tuy nhiên theo ông Học (ảnh trên), nên chăng các cơ quan văn hóa cũng nên sớm có những nghiên cứu, khảo sát về những giá trị lịch sử, văn hóa của cây cầu tồn tại hơn hai thế kỷ này. Tránh để đến lúc khi cầu bắt đầu xuống cấp thì mới quan tâm. Lúc đó sẽ không thể níu giữ lại nhiều giá trị văn hóa độc đáo ở cây cầu này.

Cây cầu này chính là nơi giao lưu văn hóa, hẹn hò của những thanh niên nam nữ trong vùng. Đêm nào cũng có những đôi bạn đến đây để ngồi hàn huyên, chuyện trò tâm sự sau một ngày làm việc. Ông Nông Lã Đồng, 58 tuổi, nhà ở ngay đầu cầu, là người cả đời gắn bó, mò cua, bắt cá dưới chân cây cầu này cho biết: "Trước đây vào những đêm trăng sáng thanh niên trong làng thường tụ tập và hát sli, lượn trên cây cầu này. Trong những ngày Tết khi mọi người có dịp sum họp, những người trong làng đi lập nghiệp hay lấy chồng xa cũng về tụ hội trên cây cầu này để tâm sự và tán gẫu".

Ngoài những giá trị văn hóa lịch sử, xung quanh cây cầu này còn tồn tại rất nhiều những câu chuyện kỳ bí. Điều đó khiến cho cây cầu ngoài việc nối thôn Cốc Khoác với con đường dẫn tới thị trấn Trà Lĩnh thì đây còn là một di tích vừa gần gũi nhưng cũng rất linh thiêng đối với người dân quanh vùng.

Những chuyện về cây cầu, ông Nông Lã Đồng có thể kể cả ngày không hết. Đầu tiên là chuyện về những con rắn khổng lồ thường phơi mình trên mặt cầu mỗi khi bầu trời có cầu vồng. Mỗi con to bằng cả bắp chân người lớn, dài ước chừng 2m(?). Không ai biết những con rắn đó từ đâu ra, có từ bao giờ và cũng không ai hiểu vì sao cứ có cầu vồng thì rắn mới xuất hiện.

Lúc đầu khi mới xuất hiện, người qua lại mỗi khi gặp đều rất hoảng sợ, nhưng rồi vì những con rắn này chẳng hại ai bao giờ nên cũng thành quen, thậm chí có người còn mang cả hương ra thắp cúng "cụ" rắn vì cho rằng đây là rắn thiêng bảo vệ cây cầu. Gần đây có mấy con trườn vào bụi tre bị một số người dân bắt được thế nhưng chẳng biết thu được lợi lộc gì không chỉ biết người trong nhà bỗng dưng ốm lên ốm xuống. Từ đó cũng không có ai daổm bắt rắn ở cầu nữa.

Một điều kỳ lạ nữa ở cây cầu này là dù vòm cầu khá cao, bên dưới lòng sông khu vực dưới chân cầu có rất nhiều đá ngầm lổn nhổn, cầu lại không có thành chắn nên đã có khá nhiều người bị ngã xuống, thế nhưng không hiểu tại sao người ngã nặng lắm thì cũng chỉ bị xây xước nhẹ sơ sơ chứ chưa có ai phải gẫy chân gẫy tay hay đi bệnh viện cả(?).

Câu chuyện được người làng kể lại nhiều nhất đó là cách đây khoảng 3 năm, anh Nông Văn Hương tại thôn Cốc Khoác đang chuẩn bị xây nhà. Chiếc xe Min chở ba bao tải đá về làm móng nhà, khi đi qua cầu chẳng may mất lái và lao xuống sông. Mọi người hoảng hồn chạy đến cứu nhưng vô cùng ngạc nhiên khi xe hỏng hết thế nhưng anh Hương lại nằm gọn trong một vũng nước người không hề có một vết xây xước nào.

Không chỉ anh Hương rất nhiều người bị rơi xuống đó như thế nhưng dường như đá ở đây... biết bò để tránh không va phải người rơi xuống. Người già trong làng cũng bảo, đá ở dưới chân cầu là “đá hiền” chứ không phải “đá dữ”. Có lẽ vì thế nên dù cây cầu nhìn khá trống trơn, không có thành. Người lạ phóng xe đi qua thấy chờn chợn thế nhưng người dân trong vùng thì cứ vô tư qua lại.

Bí ẩn gia tộc họ Nông cùng văn bản cầu đá cổ

Cầu Cốc Khoác rộng 6,67m, cao 4,20m, dài 4,75m, bắc qua sông Trà Lĩnh. Cây cầu hoàn toàn được xây bằng đá với những đá tảng to, những phiến đá này được xếp theo hình bán nguyệt khép kín gắn kết lại với nhau bằng những chất liệu thô sơ có độ kết dính cao như: Vôi vữa, mật và muối trắng. Hai chân cầu được bố trí cân xứng trên hai khối đá tự nhiên cỡ lớn nổi trên mặt ở hai bên bờ sông chứ không có dấu hiệu của sự giằng móng để xây dựng.

Văn bản cổ về cầu đá Cốc Khoác do gia tộc họ Nông gìn giữ

Cách cầu khoảng 10m về hướng Đông Nam còn có một tấm bia khắc từ thời Minh Mạng thứ 18 (1837). Trên tấm bia ghi lại việc xây dựng cầu thời vua Cảnh Hưng (Hoàng triều Cảnh Hưng tứ thập cử niên) và việc tu sửa tiếp vào thời Quang Trung năm thứ tư (1791) (Hoàng Triều Quang Trung tứ niên). Đến thời Minh Mạng năm thứ 18 (1837) cầu tu sửa thêm một lần nữa và hoàn thiện như cây cầu ngày nay.

Người dân hai đầu cầu cho biết, trước đây trên cầu có 4 tảng đá cao khoảng 20cm, vuông và dài khoảng hơn 1m được đặt trên hai mép cầu tạo nên thành cầu. Đêm đến mọi người thường ngồi chơi trên thành cầu trò chuyện.

Tại thôn Cốc Khoác, dòng họ Nông có lẽ là những người đầu tiên đến định cư tại đây. Theo phong tục thì bao giờ dòng họ này đi cày, cấy hay ra đồng được ba hôm thì tất cả những gia đình khác mới được ra đồng. Không chỉ có vậy, ngay cả trong những đợt huy động thanh niên tham gia bảo vệ biên giới cũng do vị trưởng họ của họ này vận động và huy động.

Ông Nông Văn Học đang tiếp chuyện PV

Tục lệ này hiện vẫn còn giữ được cho đến ngày nay. Đến khi xây dựng cây cầu này thì mọi người dân đã thống nhất giao hết giấy tờ, tư liệu về cây cầu cho dòng họ này cất giữ. Chúng tôi quyết tìm đến nhà ông Nông Văn Học, là người đầu nhánh trưởng của họ Nông tại thôn Cốc Khoác để tìm hiểu về những giấy tờ liên quan đến cây cầu. Thế nhưng một điều vô cùng đáng tiếc là theo gia đình thì số giấy tờ đó đã bị thất lạc, chỉ biết là có 4 văn bản cổ.

Chị Tô Thị Dung, vợ anh Học nói: "Chúng tôi là thế hệ sau không biết đọc chữ nho mà chỉ nghe ông bà kể lại là gia đình mình được cần giữ số giấy tờ đó. Chị cũng đã có lần tận mắt nhìn thấy, nhưng sau khi các cụ qua đời thì đã lẫn vào số giấy tờ về ruộng đất rồi không thấy nữa. Sau đó hai lần suýt bị mất, có những đoàn đến khảo sát cây cầu và mượn giấy tờ đi không trả lại. Nhưng ông nội của chồng tôi cương quyết đi đòi về cho bằng được". Theo anh Học thì đối với gia đình số giấy tờ này không có giá trị vật chất nhưng dòng họ mình đã được giao để giữ thì mình phải có trách nhiệm.

Vũ Khang

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.