Một bản án, hai quyết định khác nhau
Ông Hoành khởi kiện ông Thái đòi xác nhận quyền sử dụng diện tích 3,375m2 đất trong diện tích 129,6m2 đất của ông Hoành. Diện tích 3,375m2 đất này liên quan đến mốc giới đất của hộ ông Thái. Ngày 19/1/2011, TAND quận Ba Đình xét xử sơ thẩm vụ kiện này với chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Lê Bích Thủy.
Phần tuyên án, thẩm phán Thủy quyết định: "Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Hoành về việc xác định địa giới sử dụng 3,375m2 đất trong diện tích 129m2 đất tại số nhà 204K phố Đội Cấn, phường Đội Cấn, quận Ba Đình; giữ nguyên mốc giới hiện tại giữa hai bên gia đình".
Sau phiên tòa một ngày, ông Thái lên TAND quận Ba Đình, gặp thẩm phán Thủy xin bản án. Ông Thái được bà Thủy cấp bản án dân sự sơ thẩm số 03/2011/DS, ngày 19/1/2011, phần quyết định của bản án giống như lời tuyên của bà Thủy tại phiên tòa. Bản án được đóng dấu "án chưa có hiệu lực pháp luật".
Ảnh minh họa |
Ông Thái không kháng án và cũng không nhận được thông báo của Tòa về việc ông Hoành kháng án. Nhưng 7 tháng sau khi có bản án số 03, ông Thái mới hay ông Hoành vẫn được chính quyền hợp lý hóa diện tích tranh chấp mốc giới mà trước đó tòa đã "không chấp nhận yêu cầu khởi kiện" của ông Hoành.
Khi ông Thái lên phường thắc mắc vì sao lại làm sổ đỏ cho ông Hoành phần đất 3,375m2 đang tranh chấp mốc giới, thì đại diện chính quyền phường Đội Cấn đưa bản án 03/2011/DS, ngày 19/1/2011, cũng do thẩm phán Thủy ký, nhưng lại đóng dấu "án đã có hiệu lực pháp luật" cho ông Thái xem. Bản án này là cơ sở cho phường hoàn thiện hồ sơ, trình quận cấp sổ đỏ cho hộ ông Hoành.
Cực chẳng đã, ông Thái lên tòa án gặp thẩm phán Thủy. Tại đây, thẩm phán Thủy đưa cho ông Thái bản án 03/2011 (bản án đã có hiệu lực pháp luật mà thẩm phán Thủy giao cho ông Hoành).
Đối chiếu giữa 2 bản án mà thẩm phán Thủy cấp cho ông Thái và ông Hoành, phần quyết định hoàn toàn khác nhau: Bản đưa cho ông Thái thì quyền lợi nghiêng về gia đình ông Thái; còn bản đưa cho gia đình ông Hoành, quyền lợi nghiêng về gia đình ông Hoành?!
"Luật riêng" của thẩm phán?
Bản án 03 mà thẩm phán Thủy đưa cho ông Thái và ông Hoành, ngoài phần quyết định khác nhau thì còn có rất nhiều chi tiết "lạ". Bản của ông Thái là "3,375m2 trong diện tích 129,6m2"; còn bản của ông Hoành lại là "2,375m2 trong diện tích 129,6m2". Việc thực thi bản án sẽ ra sao khi mà số liệu của bản án khác nhau?
Thẩm phán Thủy đã tự cho mình quyền "to hơn luật" khi đưa ra 2 quyết định khác nhau trong cùng một bản án, một vụ kiện. Bản đưa cho bị đơn thì quyết định: Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Giữ nguyên mốc giới hiện tại giữa 2 gia đình. Bản đưa cho nguyên đơn thì quyết định: Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn nhưng "mốc giới được tính từ bức tường nhà của hai bên gia đình đang sử dụng kéo trở về lòng nhà của mỗi bên, khoảng cách giữa 2 bên gia đình được giữ nguyên"...
Trong phần nhận định, bản án nêu rõ "các bên không cung cấp được chứng cứ để chứng minh địa giới đất ở của mình là từ mốc giới nào, đến đâu" nhưng lại ngang nhiên ghi rõ trong bản án rằng "mốc giới được tính từ...." Vấn đề đặt ra là, thẩm phán Thủy đã căn cứ vào luật nào để đưa ra hai quyết định trong cùng một bản án? Câu hỏi này xin chuyển về TAND TP. Hà Nội để làm rõ.
Luật sư Hà Đăng, Đoàn luật sư Hà Nội, phân tích: Để biết rõ thẩm phán Thủy sai như thế nào, cần xem lại biên bản nghị án. Việc ban hành một bản án, một nội dung vụ việc nhưng có 2 quyết định khác nhau là hành vi làm sai lệch hồ sơ. Đây là lỗi của thẩm phán và thẩm phán phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước những hậu quả từ quyết định sai của mình. Hậu quả đó nghiêm trọng đến đâu thì bị xem xét trách nhiệm đến đó. Quả thực, đây là một chuyện quá lạ mà tôi chưa từng gặp trong quá trình làm nghề. |
P.V