Đó là hai tấm bia ghi nhận công lao của cụ do vua Tự Đức ban tặng. Điều lạ là một trong hai tấm bia đó lại có khắc chữ tiếng Pháp mang tên một viên sĩ quan Pháp là Barbe. Tấm bia được chuyển bằng đường biển từ Huế vào Gò Công năm Tự Đức thứ 10 (1858). Nhưng phải mất 140 năm sau, tấm bia triều Nguyễn ấy mới về tới Lăng Hoàng gia. Gắn liền với thân phận lưu lạc của nó là một câu chuyện dài của lịch sử...
Hành trình lưu lạc
Theo tài liệu ghi lại, văn bia do Phan Thanh Giản và Trương Quốc Dụng soạn vào năm Tự Đức thứ 10 (1858) nhằm ca ngợi công đức của Đức Quốc Công Phạm Đăng Hưng. Vua Tự Đức sai chở bằng thuyền từ Huế vào Gò Công cùng với tượng Phật A Di Đà bằng gỗ mít, sơn son thếp vàng mang vào dâng cúng chùa Khải Tường - nơi Thuận Thiên Cao Hoàng hậu Trần Thị Đang đã hạ sinh Hoàng tử Nguyễn Phúc Đảm ( sau làm vua tên hiệu Minh Mạng) trên đường bôn tẩu trốn sự truy nã của quân Tây Sơn. Đó là tấm bia được tạc bằng đá trắng xứ Quảng Nam (có kích thước 160x120x15cm) được chuyển vào Gò Công để đặt tại lăng mộ Hoàng Gia, nơi thờ Đức Quốc Công Phạm Đăng Hưng.
Lăng mộ của Đức Quốc Công Phạm Đăng Hưng.
Phạm Đăng Hưng là một vị quan văn võ song toàn, nổi tiếng liêm khiết nên rất được triều đình và nhà vua trọng dụng. Ông được triệu về Kinh giữ chức Lễ Bộ Thượng Thư. Sau đó, ông được giao giữ nhiều chức vụ quan trọng trong triều như: chưởng trưởng Đà sự, Quản Khâm Thiên giám, rồi tổng tài Quốc sử quán...
Ông còn là cha vợ của Thái tử Miên Tông - con trai vua Minh Mạng, sau lên ngôi lấy tên hiệu là Thiệu Trị. Đồng thời là cha chồng của công chúa Quy Đức - Hoàng nữ thứ 18 của vua Minh Mạng. Năm 1825, ông bị bệnh rồi qua đời tại Huế, được mang về an táng tại quê nhà. Đến năm 1826 thì Lăng Hoàng Gia được xây dựng bởi những bàn tay khéo léo của các nghệ nhân từ cung đình Huế do nhà vua phái vào. Đây cũng là nơi thờ tự của 5 đời dòng họ Phạm Đăng.
32 năm sau, vua Tự Đức cho người làm tấm bia đá ca ngợi công đức của ông. Nhưng khi tàu thủy từ Huế chở vào đến cửa ô Cấp - Vũng Tàu (cửa biển Cần Giờ ngày nay) thì bị quân Pháp bắt giữ, chúng tịch thu toàn bộ, đưa về chùa Khải Tường (hiện nay là Bảo tàng Chứng tích chiến tranh ở TP.HCM) cất giữ.
Sau khi đánh chiếm thành Gia Định tháng 2/1859, hải quân Pháp bố trí đồn trú hầu hết các nơi có đình chùa linh thiêng và những dinh thự liên quan đến triều Nguyễn.
Viên Trung úy Pháp Barbe chiếm giữ chùa Khải Tường lập đồn trú, đem hết tượng Phật quăng ra ngoài, cưỡng bức sư sãi rời chùa. Tượng Phật vua Tự Đức ban làm bằng gỗ mít và tấm bia đá chúng cướp tại cửa biển ô Cấp - Vũng Tàu, trên chuyến thuyền của nhà Nguyễn từ kinh đô Huế vận chuyển vào, cũng từ đó bắt đầu số phận lưu lạc của mình. Nhưng tượng đá cũng có linh hồn, văn bia cũng có số phận, không ai có thể ngờ được rằng, tấm bia nặng vài tấn kia lại mang trên mình lịch sử của một triều đại, một dân tộc, gắn với một dòng tộc thuộc vào hàng hoàng thân quốc thích thời Nguyễn.
Do rất thích tấm bia đá to sừng sững, viết chi chít chữ Tàu nên viên sĩ quan Barbe giữ nó lại. Sau đó, Barbe bị nghĩa quân Trương Định dùng mưu "mỹ nhân kế" giết chết. Cái chết của viên sĩ quan người Pháp được lưu truyền trong sử sách với công đầu tiên thuộc về một người con gái có tên Thị Ba (còn gọi là Nàng Hai Bến Nghé). Sau này được dựng thành vở cải lương nổi tiếng ở Nam Bộ "Nàng Hai Bến Nghé". Nàng Hai này bị chồng - một tên tay sai két tiếng tàn ác thả bè trôi sông cùng với anh người yêu cũ do hắn ta nghi ngờ hai người còn tư tình với nhau.
Trong khi anh người yêu bị cá sấu cắn mất một chân đến mất máu mà chết, thì Nàng Hai không chết mà được Barbe cứu sống. Viên sĩ quan Pháp nhìn thấy cô gái trẻ đẹp thì đem lòng si mê và ép Nàng Hai làm vợ hắn. Nàng giả vờ ưng thuận rồi xin được trở về nhà thu xếp. Khi về nhà, nàng tiếp tục bị chồng trói lại giam dưới một cái hố. May mắn nàng gặp được Trương Định đi qua và cứu nàng thoát chết. Và Nàng Hai nhận lời dụ Barbe tới chỗ hẹn, giúp cho nghĩa quân Trương Định mai phục, diệt quân xâm lược, trừ khử bọn ngoại bang cướp nước. Còn tên sĩ quan Pháp Barbe đã mắc mưu, một mình phi ngựa tới chỗ hẹn với nàng Hai, và bị nghĩa quân bất ngờ giết chết vào năm 1860.
Khi viên sĩ quan Barbe chết, quân Pháp rất tức giận. Biết lúc sống, Barbe thích tấm bia đá nên quân Pháp mang luôn tấm bia đặt tại mộ Barbe trong nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi (công viên Lê Văn Tám ngày nay). Chúng quay mặt trước của bia vào trong, mặt sau bia thì chúng ghi tên họ, mộ chí Trung úy Barbe và quay ra ngoài. Bên trên dùng sơn màu đen khắc vẽ hình cây Thánh Giá, ngày nay vẫn còn dấu khắc chạm và màu sơn khá rõ. Lâu dần, tấm bia đổ xuống, nằm phơi sương gió trong sự quên lãng của người đời.
Tháng 5/1983, khi UBND TP.Hồ Chí Minh quyết định di dời nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi để xây dựng Công viên Văn hóa Lê Văn Tám. Sau khi bốc cốt trung úy Barbe đưa về Pháp, các công nhân dọn dẹp san lấp mặt bằng phát hiện một tấm bia đá lớn nhưng không biết đó là báu vật của vua ban lưu lạc trên 140 năm.
Tấm bia được giao cho các nhà khảo cổ nghiên cứu. Họ đã phát hiện ẩn bên trong hình cây Thánh giá là chi chít chữ Hán khắc chạm rất công phu và tinh xảo, xem xét kỹ thì đó chính là bia văn do vua Tự Đức ban gửi về Gò Công đặt tại mộ ông ngoại của mình. Nhưng phải đến tháng 7-1998, tấm bia mới được đưa về ấp Lăng Hoàng Gia, xã Long Hưng, TX. Gò Công, kết thúc hành trình 140 năm lưu lạc của mình.
Trở về chầu phục trước lăng mộ Quốc Công Phạm Đăng Hưng
Ngày nay, đến thăm Lăng Hoàng Gia, ghé qua khu mộ dòng họ Phạm Đăng và cụ Phạm Đăng Hưng, sẽ thấy phía trước là hai tấm bia đá lớn đặt đối diện nhau. Nếu tính từ cổng vào, tấm bia đá bị lưu lạc 140 năm đặt ở phía trái. Tấm bia bên phải là tấm bia do vua Thành Thái sai làm năm 1899, thay thế cho tấm bia mà triều Nguyễn tưởng rằng đã bị mất vĩnh viễn.
Lại gần nhìn kỹ, trên tấm bia đá này chồng chéo những chữ viết bằng tiếng Hán và cả tiếng Pháp. Một tấm bia đá mang tên của hai người chết. Một người là cha vợ vua, có công với nước. Còn một là vị quan Pháp, là kẻ đi cướp nước. Người ta đã tôn trọng lịch sử, giữ nguyên hiện trạng của nó khi tìm thấy mang về đây. Và tiền nhân, chắc cũng không nỡ trách gì hậu thế, khi mà đất nước một thời chìm trong loạn lạc bởi giặc ngoại xâm. Và tấm bia đá cũng chịu chung số phận.
Đất Tiền Giang - Gò Công chưa từng là nơi đóng đô của một triều đại phong kiến nào. Cũng chưa từng là nơi an táng của bất kỳ ông vua bà chúa nào, chỉ có khu lăng mộ của dòng họ Phạm Đăng, bên ngoại của nhà vua, nổi tiếng đất Nam Bộ thế kỷ 18 - 19. Nhưng người đời vẫn gọi tên khu lăng mộ có kiến trúc mang đậm nét phong cách cung đình Huế này là Lăng Hoàng Gia.
Nằm cách đường Quốc lộ 50 chỉ khoảng 100m nhưng khu mộ Lăng Hoàng Gia này dường như tránh xa khỏi sự ồn ào vốn có của đời sống thường nhật và tiếng còi xe qua lại. Sau bức tường bao quanh, khuôn viên khu Lăng Hoàng Gia yên tĩnh vô cùng, chìm trong không khí của sự cổ kính, tôn nghiêm vốn có của nó.
Dòng họ Phạm Đăng từ Quảng Ngãi vào vùng Gò Công này lập nghiệp và sinh sống đến đời thứ tư là ông Phạm Đăng Dinh. ông Phạm Đăng Dinh là một nhà nho học, chuyên dạy học cho dân quanh vùng.
Tương truyền rằng: Vào một đêm mưa gió bão bùng, có một vị khách lạ người Hoa vượt qua sông thì đói lả người, dáng đi ngả nghiêng xiêu vẹo, ghé vào nhà ông Dinh xin bữa ăn và ở nhờ qua đêm mưa bão bất thường. Vốn thương người và hiếu khách nên ông Dinh sai vợ con làm cơm đãi khách và trò chuyện thâu đêm.
Hôm sau thức dậy, vị khách rất cảm kích tấm lòng ông Dinh, nên đã nói rằng là một thầy địa lý đang vi hành tìm long mạch. Để tạ ơn ông Dinh, vị khách này chỉ cho ông biết đất Gò Rùa có dáng khom khom như dáng cái mai rùa, táng huyệt thân phụ ông vào đó, ngày sau con cháu sẽ được thịnh vượng tột đỉnh công danh.
Nghe lời vị khách ông Dinh bèn sai con trai Phạm Đăng Long về Quảng Ngãi mang hài cốt ông nội là Phạm Đăng Tiên vào táng tại Gò Rùa. Quả nhiên lời thầy địa lý năm xưa rất linh ứng? Năm 1796, cháu nội ông Dinh là Phạm Đăng Hưng sinh năm 1764 tại Gò Rùa, thi đỗ Tam trường tại trường thi Gia Định. Vào thời kỳ vua Gia Long lưu lạc, Phạm Đăng Hưng có công phò vua dựng nghiệp nên rất được trọng dụng. ông hai lần kết sui gia với vua Minh Mạng, giúp dòng họ Phạm Đăng trở thành dòng dõi hoàng thân quốc thích qua mấy đời vua.
Chuyện về phong thủy trên, có lẽ phần nhiều do hư cấu, mà chính là truyền thống hiếu học, thông minh, phẩm cách đạo đức của một gia đình truyền thống nho học đã giúp dòng họ Phạm Đăng được rạng danh như vậy.
Thậm chí tới nay, khi có một số mộ chí, từ đường của các vị hoàng thân quốc thích khác bị bỏ quên, hoang tàn, không ai nhắc tới, thì khu lăng mộ này vẫn nổi tiếng và được chăm sóc, gìn giữ cẩn thận. Danh tiếng của một dòng họ tưởng đâu chỉ một thời vang bóng đến giờ vẫn không hề mất đi, đời đời được nhắc nhớ. Thú vị làm sao, đến ngay một tấm bia đá ghi nhận công lao của họ mà cũng có một thân phận khác lạ đến vậy, lưu lạc trong nhân gian những 140 năm.
Hương Lan