LTS: Giữa bộn bề của cuộc sống, có những nghề phải chịu không ít nhọc nhằn, vất vả, đôi khi còn bắt gặp thái độ khinh thường của những người xung quanh. Nhưng vì miếng cơm manh áo, họ vẫn chấp nhận vượt qua khó khăn, nguy hiểm rình rập để kiếm những đồng tiền chân chính. Nắm bắt được suy nghĩ đó, nhóm PV báo Người Đưa Tin đã thực hiện tuyến bài viết về các nghề, với hy vọng sẽ mang đến cho độc giả những cái nhìn chân thực, khách quan nhất về mọi nghề. Ở chuyện nghề 13, chúng tôi xin gửi đến quý độc giả tâm sự của những người phụ nữ thu mua đồng nát, nhiều năm gắn bó với nghề mà người đời quen gọi “vốn ăn mày, lãi quan viên”. |
Vì nghề đồng nát được coi là nghề “một vốn bốn lời”, nên nhiều người không có công ăn việc làm đã chuyển hướng theo nghề này. Thế nhưng, không phải ai cũng có thể theo nghề được lâu dài, nếu không nhanh nhẹn người khác sẽ thu mua trước. Thậm chí, dù có tìm được nhà nhiều đồng nát nhưng nếu không phải “khách ruột” họ sẽ không bán và người thu mua phải về tay không.
Chia sẻ với PV báo Người Đưa Tin, chị Hiền (Thái Bình) với kinh nghiệm 5 năm theo nghề, cho hay: “Những ngày đầu tiên lên Hà Nội, phần vì nhớ nhà, nhớ con, phần vì chưa quen công việc nên tôi thường xuyên bị ốm. Nhờ có các chị em cùng phòng chăm sóc, động viên nên tôi mới trụ lại được và bây giờ "đi chợ" cũng thạo rồi. Ban đầu tôi sắm quang gánh nhưng bất tiện, cuối cùng chạy vạy mãi mới vay tiền mua được cái xe đạp cũ".
Cũng như chị Hiền, cô Tâm (Hà Nam) rời xa chồng con lên Hà Nội với mong muốn kiếm miếng cơm manh áo cho các con. Còn nhớ những hôm sức khỏe yếu, đang thu mua sắt vụn ngoài đường trời nắng chang chang cô Tâm đã ngã ra đường bất tỉnh: “Lúc đó, những người thu mua đồng nát khác vội vàng đưa tôi vào viện, cũng may có họ nếu không giờ đây tôi không biết sống chết thế nào”.
Không chỉ tương trợ lẫn nhau, những người thu mua đồng nát cũng khiến cho người dân thầm yêu mến và có thiện cảm với hành động cứu giúp những mảnh đời bất hạnh khác.
Chẳng hạn, câu chuyện của chị Nguyễn Thị Lan (Ninh Bình) là một minh chứng điển hình. Chị Lan chia sẻ: “Cách đây 1 năm, một buổi trưa hè đi mua đồng nát, tôi bắt gặp hình ảnh một cậu bé nhem nhuốc đang lục lọi trong thùng rác. Sau khi loay hoay, bé tìm được mẩu bánh mỳ bé xíu cho vào mồm. Tự dưng khi đó nước mắt tôi cứ rơi. Tôi nghĩ, mình đã khổ rồi, bé còn cơ cực hơn. Từ hôm đó, trưa hôm nào tôi cũng mang theo một hộp cơm, với ít muối vừng để cho bé”.
Chị Tố Quyên (Cầu Giấy, Hà Nội) vẫn còn vẹn nguyên cảm xúc biết ơn những cô thu mua đồng nát ở khu vực Hồ Gươm. Cách đây 1 tuần, chị đi chơi cùng bạn trên phố đi bộ Hồ Gươm nhưng không may để rơi mất ví có giấy tờ quan trọng. Những tưởng không tìm lại được, nhưng rồi chị nhận được cuộc gọi của một người phụ nữ hẹn ra xưởng thu mua sắt vụn nhận lại. Chị đã vô cùng bất ngờ và xúc động khi người trả lại ví cho mình là một người thu mua đồng nát.
Câu nói của những người phụ nữ làm nghề đồng nát ấy ám ảnh chị Quyên đến tận bây giờ: “Chúng tôi lao động nghèo thật nhưng cũng biết cái gì nên lấy cái gì không”.
Sau mỗi giờ làm việc mệt nhọc, những người phụ nữ làm nghề thu mua đồng nát lại ngồi bên nhau, chia sẻ với nhau những buồn vui trong cuộc sống. Ở họ, dù có khó khăn vất vả nhưng khi được hỏi tất cả đều trả lời: “Nếu gặp phải những trường hợp như tai nạn, nhặt được của rơi... họ sẵn sàng trợ giúp và tìm bằng được để trả cho người mất”.
Những lát cắt nhỏ trong câu chuyện mà những người sống bằng nghề thu mua đồng nát chia sẻ, giúp cho chúng tôi hiểu thêm được về tình người phía sau mỗi chuyến đi “cày cuốc” hàng ngày. Để thêm yêu và trân trọng những con người dù lao động lam lũ nhưng vẫn luôn suy nghĩ cho người khác.
Cùng chủ đề:
Chuyện nghề 10: Mẫu nude và những cám dỗ sau ánh hào quang
Chuyện nghề 11: "Giới hạn" nào giữa nhiếp ảnh gia và mẫu nude
M.Thu - Thanh Lam