Ở chuyện nghề 16, chúng tôi trân trọng giới thiệu tới quý độc giả nỗi niềm của những người làm nghề hót rác và câu chuyện dở khóc dở cười về ...bệnh nghề nghiệp. Đằng sau công việc cực nhọc này là nỗi niềm không biết tỏ cùng ai...
|
Nhọc nhằn “nghiệp rác”
Cứ đến 4h chiều, những con ngõ nhỏ ở Hà Nội lại ngân vang tiếng kẻng, mọi người xách rác tích trữ sau một ngày vứt vào xe rác để những lao công như chị Hồng thu gom, phân loại.
Chúng tôi gặp chị Nguyễn Thị Hồng (37 tuổi) khi chị đang cố sức đẩy xe rác ra khỏi ngõ 3, Phạm Văn Đồng (Cầu Giấy, Hà Nội) để những phương tiện đi lại không bị tắc đường. Trả lời PV về công việc vệ sinh môi trường của mình, chị Hồng nói: “Nghề của chúng tôi là nghề cùng cực, vất vả mà chúng tôi quen gọi nhau là những người “hót rác”. Để theo được “nghiệp rác” cũng đâu đơn giản, phải là người chẳng nề hà bụi bặm, hôi hám để dọn dẹp, gìn giữ cho môi trường được sạch sẽ...”.
Cũng theo chị Hồng, hơn 10 năm nay, cứ khoảng 4h chiều chị cùng đồng nghiệp của mình đẩy xe, cầm chổi, kẻng đi những con ngõ mà mình được phân công để thu gom rác. Nó không chỉ là lá cây, túi ni lông mà còn là cơm thừa canh cặn, rác sinh hoạt gia đình và đủ thứ trên đời các gia đình vứt bỏ... Tất cả được chất hết lên chiếc xe rác. Mỗi ngày chị phải đẩy 3 xe rác chất cao như núi đến điểm tập kết, đợi đến 10h đêm khi rác được dọn sạch sẽ chị mới được về nhà.
“Không phải cứ 10h đêm là được nghỉ, có hôm còn phải thức đến 1h sáng mới về nhà vì xe rác đến muộn. Những hôm trời nắng, rác bốc mùi, bịt mấy lớp khẩu trang vẫn thấy mùi hôi, thối, khó chịu vô cùng. Còn trời mưa, đường trơn xe rác bị đổ tung tóe, mấy chị em lại lúi húi quét dọn mãi mới xong để vận chuyển đi. Nhiều người thấy xe rác đổ thì giúp đỡ, nhưng có những người, họ còn quay ra chửi chúng tôi, làm đổ xe rác nên mới cản trở giao thông, nghĩ thấy tủi thân lắm. Mình làm đẹp cho đường phố, giữ vệ sinh cho gia đình họ, vậy mà vẫn bị chửi”, chị Hồng chia sẻ.
Vừa nói chị Hồng vừa nhanh tay thu gom rác, chị trèo lên chiếc xe mà rác đã chất cao như núi để ấn cho rác thật chặt xuống thùng xe. Sau đó, chị lấy mấy miếng gỗ be xung quanh thùng xe để rác không rơi xuống đường và tăng diện tích chứa rác cho chiếc xe. Chị Hồng bảo, xe rác dù có nặng mấy cũng phải đẩy, đằng nào cũng mất công một chuyến đi.
“Có lần, vừa mới thu dọn xong đống rác ở đường đi được vài bước, có người đem rác ra vứt đúng chỗ đó. Tôi lại phải dừng xe, quay lại hót nốt chỗ rác đó cho lên xe. Không chỉ có vậy, nhiều người ở trên tầng cao, nghe thấy tiếng kẻng gõ thu rác nhưng không chịu xuống, họ đứng trên tầng thả rác xuống, rơi trúng người tôi, rác bay tung tóe. Ngẩng lên thì không biết ai là “thủ phạm”, đành ngậm ngùi phủi qua quần áo để tiếp tục công việc”, chị Hồng tâm sự.
Ngoài những tình huống oái oăm, đôi khi chị Hồng cũng cảm thấy đuối sức vì một ngày làm việc mệt nhọc, căng thẳng. Có những hôm, người chị mỏi nhừ, không còn sức để lo việc nhà. Đôi lần, chồng chị khuyên vợ bỏ nghề tìm việc mới, nhưng vì không còn lựa chọn, nghỉ được mấy hôm, chị lại xin đi làm trở lại.
Nói đến đây, chị Thúy hóm hỉnh: “Làm nghề này phải nhớ “bí quyết”, đó là “tai nghe, mắt ngóng, tay quơ”. Hót rác thật nhanh để các phương tiện còn di chuyển được trong ngo nhỏ, nhìn thật tinh để không bỏ sót lại túi rác nào và tai phải thật kỹ tiếng người gọi “cô hót rác ơi, chờ cháu vứt rác với...”.
Dở khóc dở cười....bệnh nghề nghiệp
Quả thực, có theo chân những người thu gom rác mới thấy hết nỗi nhọc nhằn của họ. Vợ chồng anh Trần Văn Nam là công nhân vệ sinh môi trường tại làng bún Phú Đô (Mễ Trì, Hà Nội) lại có một câu chuyện khác.
“Cực nhất là khâu phân loại rác, mùi bốc lên rất khó chịu khi phải bung những bọc rác ra để lựa. Hai vợ chồng được làm việc cùng nhau nên ít khi chúng tôi phàn nàn gì. Khổ nhất là hôm tôi nghỉ ốm, phải để vợ đi thu rác một mình, oằn lưng cũng không đẩy nổi xe rác về bãi tập kết. Và một điều nữa, cậu con trai học lớp 1 cứ về mếu máo vì bị bạn bè chọc: “Bố mẹ mày là đồ hót rác” khiến tôi suy nghĩ nhiều”, anh Nam nói.
Không ít lần chứng kiến cảnh người dân vứt rác bừa bãi, anh Nam phải lên tiếng. Anh nhớ, có lần anh đã nổi cáu với chủ một tiệm đồ ăn nhanh, khi họ vứt bã mía ra đường, trong khi xe rác ở cạnh. Tranh luận to tiếng với nhau, cuối cùng phải nhờ tới tổ dân phố phân xử. Sau đợt đó, người chủ cửa hàng này đã chấp hành nghiêm chỉnh việc xả rác đúng nơi quy định.
Anh Nam cho biết thêm, những người làm nghề thu gom rác có nguy cơ mắc bệnh về đường hô hấp rất cao, nhất là viêm mũi, lao phổi, ung thư... Dù thế, anh Nam cũng như bao công nhân khác từ quê ra thành phố mưu sinh, không còn lựa chọn nào khác. Có những người gắn bó lâu năm với nghề, khi về hưu, họ vẫn giữ cái “nếp” của mình.
Anh Nam cho hay: “Một bác làm cùng tổ với tôi đã về hưu, bác kể, do “nhiễm bệnh nghề nghiệp” nên giờ đi đâu thấy người ta xả rác, vứt bừa bãi ra đường, bác vẫn nhặt cho lên xe. Thậm chí đôi lần “ngứa mắt” còn nhắc nhở người dân. Mình quen với việc dọn dẹp, làm sạch môi trường, giờ đi đâu cũng nghĩ cần phải xanh, sạch, đẹp”.
Trong quá trình làm nghề của mình, thời điểm mà chị Hồng hay vợ chồng anh Nam cảm thấy tủi thân nhất đó chính là những ngày nghỉ lễ, ngày Tết. Khi mọi gia đình nhộn nhịp chuẩn bị sắm sửa lễ Tết thì họ vẫn còn phải dọn dẹp, thậm chí đón giao thừa ngoài đường bên cạnh người bạn là chiếc xe chở rác...
Cùng chủ đề:
Chuyện nghề 14: Nghẹn lòng với câu chuyện 'làm đẹp cho giày'
Chuyện nghề 15: 'Cạm bẫy' rình rập những người thợ đánh giày
Hằng - Bích