Ở chuyện nghề 18, chúng tôi xin gửi đến quý độc giả nghề giáo viên mầm non. Quả thực, mỗi nghề đều có những nỗi khổ riêng, nhưng đối với nghề giáo viên mầm non, bên cạnh sự nghiệp chăm sóc cho “thế giới ngày mai”, họ cũng phải chịu những ánh mắt gièm pha, dị nghị của nhiều người. |
Những giáo viên mầm non yêu nghề, yêu trẻ nhỏ bảo với chúng tôi rằng, dù thời gian gần đây xảy ra nhiều vụ việc bạo hành trẻ em gây xôn xao dư luận, tuy vậy họ không hề bị xao động, vẫn cống hiến hết mình cho nghề. Họ chỉ mong rằng, dư luận đừng vì một vài “con sâu” mà gọi giáo viên mầm non là “cô nuôi dạy hổ”.
Cô giáo Nguyễn Thị Th. (có 4 năm kinh nghiệm làm giáo viên mầm non) kể: “Mình phải đi làm từ lúc người ta chưa ngủ dậy, đến lớp mở cửa, xếp gọn bàn ghế để đón các con đến trường. Mình dạy lớp 2 tuổi nên các cháu còn rất nhỏ. Lớp có 27 cháu nhưng chỉ có 2 cô giáo, thành ra giờ ăn giờ ngủ của giáo viên là không có. Từ miếng ăn, thức uống, lúc vui chơi hay trong giấc ngủ, lúc các em nóng sốt, biếng ăn, chảy mũi… đều phải theo dõi”.
Cũng theo cô giáo Th., trông và dạy trẻ 2 tuổi không hề đơn giản, có những cháu khóc từ lúc đến đến lúc về, cô giáo chỉ biết bế trên tay vỗ về, dỗ dành. Cô Th. nhớ, có một cháu đến lớp cô phải bế đúng 1 tháng 20 ngày, cháu không chịu chơi cùng các bạn, chỉ khóc đòi về. Những lúc như thế, lại phải dỗ dành, nịnh các cháu hết lời. Không những thế, cô Th. phải làm đủ trò để cho cháu bé đó nín và chơi cùng các bạn nhỏ khác.
“Chúng tôi luôn cố gắng vì công việc mà mình đã chọn, đôi khi phải kìm lòng để tránh những điều không hay xảy ra. Giáo viên mầm non chúng tôi luôn ghi nhớ phải yêu và thương trẻ như chính con mình, như thế mới toàn tâm toàn ý dạy bảo các con được. Nhiều lúc được chơi đùa với các cháu thấy vui lắm, trẻ ra thêm được vài tuổi”, cô giáo Th. tâm sự.
Không chỉ khó khăn trong việc chăm sóc các cháu, giáo viên mầm non còn gặp phải không ít sự dè chừng từ gia đình các bé, nhất là sau những vụ bạo hành được mạng xã hội chia sẻ. Cô giáo Hoàng Th. L. (giáo viên mầm non trên địa bàn Cầu Giấy) cho hay: “Mình không ngại khó, ngại khổ, chỉ ngại các phụ huynh có những cái nhìn không tốt về cô giáo. Có phụ huynh từng đưa phong bì cho mình dặn rằng mình đừng đánh cháu, nếu cháu có hư, chỉ nhẹ nhàng khuyên nhủ. Khi đó, mình cảm thấy bị tổn thương, cảm giác như phụ huynh đang dè chừng, không tin tưởng”.
Nói chuyện với chúng tôi, cô giáo Phạm Th. L. kể: “Khi mạng xã hội lan truyền những clip giáo viên mầm non bạo hành các cháu nhỏ, bản thân chúng tôi cũng gặp không ít những ánh mắt mấy thiện cảm của phụ huynh. Cứ mang con tới lớp là họ lại nhắc tới những clip bạo hành đó cảnh cáo giáo viên hãy “ngoan” với con họ.
Nghe vậy chúng tôi cảm thấy cái nghề mình đang theo đuổi không được coi trọng. Nhưng có làm mới thấu hiểu, hàng ngày của chúng tôi không phải 8 tiếng mà thực tế phải lên tới 10 tiếng. Tuy nhiên, chúng tôi luôn tự trấn an mình trước phụ huynh. Chúng tôi yêu trẻ không chỉ nói bằng lời, suy nghĩ mà bằng chính hành động, để xứng đáng là người mẹ thứ 2 của các cháu nhỏ”.
Nhắc đến cụm từ “bảo mẫu”, nhiều người đặc biệt là các vị phụ huynh có con nhỏ ở độ tuổi đến trường thường tỏ ra không mấy thiện cảm. Thế nhưng, khi nghe những tâm tư của các cô giáo, chúng tôi hiểu rằng, họ cũng muốn công việc của mình được kính trọng như bao người, còn những sự việc đáng tiếc đã xảy ra mà báo chí nêu cũng chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh” mà thôi.
Cùng chủ đề:
Chuyện nghề 16: Câu chuyện dở khóc dở cười của công nhân hót rác
Chuyện nghề 17: Những áp lực không tên của giáo viên mầm non
Hằng - Bích