Để hiểu rõ hơn về nghề một nắng hai sương, vất vả nhọc nhằn này, PV báo Người Đưa Tin đã “mục sở thị” một ngày làm việc của những nữ cửu vạn. Có chứng kiến mới thấu hiểu hết nhọc nhằn của họ trong cuộc sống mưu sinh.
Tầm 3h sáng, khi xe chở hàng bấm còi inh ỏi, cũng là lúc những người phụ nữ này thức dậy, họ ăn tạm bát mỳ tôm, hay vài chiếc bánh mỳ để có năng lượng cho ngày mới. Địa điểm làm việc của họ là chợ đầu mối Long Biên.
Công việc cửu vạn làm cả ngày lẫn đêm ấy, tưởng chừng chỉ dành cho nam giới, nhưng chỉ cần chủ hàng yêu cầu, dù thùng hàng có nặng đến vài chục kg những người phụ nữ này vẫn sẵn sàng gánh trên vai, để kiếm vài chục nghìn mỗi ngày.
Khi được hỏi về công việc của mình, những người phụ nữ này nở một nụ cười bí hiểm và bảo, ai đã trót làm nghề này phải có một sức khỏe dẻo dai, mới bám trụ được. Những phụ nữ làm nghề cửu vạn, họ là lát cắt trong bức tranh về số phận của những người phụ nữ nghèo khó tìm về thành thị kiếm việc làm.
Chỉ cần những chiếc xe chở hàng dừng lại trong đêm, những người phụ nữ già, trẻ không ngần ngại ghé vai vác hàng ra xe kéo đang chờ sẵn, rồi vận chuyển đến các ki-ốt hoặc khách hàng đang chờ ngoài cổng chợ.
Với các loại hàng hoá như táo, dưa, cam, xoài, cải bắp... từ 3h sáng đến 6h sáng, những mặt hàng này được các nữ cửu vạn chuyển ra xe, sau đó bốc, vác lên thùng. Những thùng hàng nặng 40-50kg, thậm chí có những xe hàng 5 đến 7 tạ, nặng thì họ đi hai chuyến, nhẹ thì hai thùng hàng một lần cho tiết kiệm thời gian, công sức.
Chia sẻ với PV, chị Trần Thị Hà (42 tuổi, Hưng Yên) cho biết, chị lên đây làm nghề kéo thuê tại chợ Long Biên đã được hơn 10 năm, từ khi con gái chị học cấp 2 đến nay đã vào đại học.
“Ở quê quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời cũng không đủ tiền nuôi các con ăn học, vì thế tôi theo một số người bạn lên chợ Long Biên làm nghề cửu vạn. Những ngày đầu, chưa quen với công việc, ít người gọi bốc hàng vì họ sợ mình không đủ sức. Khi nhận được chuyến kéo hàng đầu tiên tôi không thể nhấc lên được vì quá nặng, họ nhìn tôi lắc đầu và trả cho tôi 10.000 đồng/ngày. Sau hôm đấy, tay tôi nổi bọng nước, sưng đau, vai đỏ ửng lên, rát... Nhưng lâu dần cũng thành quen, giờ tay chai sần lên, không còn cảm giác gì nữa, nặng quá khom lưng xuống, chẳng ai cười dáng đi của mình cả”, chị Hà chia sẻ.
Cũng theo chị Hà, công việc của chị bắt đầu từ 3h sáng, bất kể ngày nắng hay mưa, cứ thấy xe hàng về là chị cùng “đồng nghiệp” lao đến, chị nhanh tay chọn những thùng hàng to, nặng hơn để được “thưởng” thêm vài đồng. Chỉ sau hơn 1 tiếng chị cùng 2 người nữa vác xong đống hàng đến các ki-ốt tại chợ. Để kiếm khoản nho nhỏ gửi về cho gia đình, những người phụ nữ làm nghề cửu vạn gần như phải thức trắng đêm.
Sau khi làm xong công việc gánh hàng thuê, chị Hà không về ngay mà còn nán lại chợ đến tận 13h chiều để xem có ai thuê làm thêm gì tranh thủ làm để kiếm thêm vài đồng.
“Có những người mới hôm trước lên gánh hàng hào hứng, quyết tâm là thế nhưng sau một đêm ra tranh gánh họ không làm được việc, đành phải chào tạm biệt mọi người trở về quê hương”, chị Hà nói thêm về những nỗi nhọc nhằn, khắc nghiệt trong nghề.
Cũng như chị Hà, cô Phạm Thị Thu (Nam Định) dáng người nhỏ thó nhưng nhanh nhẹn gánh từng bao hàng nặng cho khách khiến chúng tôi xót xa thay.
Cô Thu chia sẻ: “Ai sinh ra mà chả muốn mình được ăn sung mặc sướng, nhưng tôi thì khác, gặp phải nhiều bất hạnh, chồng mất để lại cho tôi một mẹ già và hai đứa con thơ dại. Nhà không có đủ tiền sinh hoạt, tôi lên thành phố mưu sinh. Bất đắc dĩ tôi mới làm nghề cửu vạn... công việc nặng nhọc, nhưng tiền công chẳng được là bao”.
Đã có lúc những người phụ nữ ấy muốn từ bỏ công việc này để trở về quê hương, nhưng nếu trở về nhà lúc này, họ lại sống trong cảnh túng quẫn mãi. Đó là lý do vì sao họ vẫn bám trụ với công việc này...
(Còn nữa)
Cùng chủ đề:
Chuyện nghề 17: Những áp lực không tên của giáo viên mầm non
Chuyện nghề 18: Xin đừng gọi giáo viên mầm non là 'cô nuôi dạy hổ’
Thanh Lam – Mai Thu