Trò chuyện với PV báo Người Đưa Tin, anh Trọng Nam (Nghệ An) có 3 năm kinh nghiệm làm điện lực chia sẻ : “Đầu tiên, phải nói tới đặc thù công việc. Do sử dụng nhiều thiết bị công nghiệp nên những người thợ điện phải làm việc với những thiết bị có khối lượng lớn. Vật dụng nhẹ cũng 60kg, nặng thì tới 500-700 kg. Hầu hết, kéo điện về các vùng quê, di chuyển địa hình khó, nên người thợ phải mang, vác, thậm chí kéo những thiết bị đó qua các cánh đồng, đường rừng gồ ghề, khúc khuỷu”.
Cũng theo anh Nam, thường việc kéo điện do một tổ thợ gồm 10-15 người làm. Họ phần lớn là thanh niên trai tráng, có sức khỏe, tuy nhiên, không phải ai cũng đủ kiên trì, sức khỏe để theo nghề lâu.
Làm điện cao thế đã lâu, anh Nam nhận thấy những trụ điện cao thế có từ trường rất mạnh, những người làm lâu năm có thể bị ảnh hưởng và mắc các bệnh về xương khớp, nhức đầu. Những bệnh này sẽ đeo bám những người thợ điện cả cuộc đời.
“Ngoài bệnh tật ảnh hưởng lâu dài, trong quá trình làm việc, trèo lên các cột điện cao thế, dù đã rất cẩn thận nhưng vẫn có thể gặp tai nạn bất thình lình. Tôi cũng cũng từng bị tai nạn trong lúc làm việc, do một phút bất cẩn nên bị cưa vào tay, kết quả là mất ½ ngón tay cái”, anh Nam trải lòng.
Nghề nào cũng có sự đặc thù, những khó khăn và trăn trở riêng. Nghề thợ điện cũng không nằm ngoài dòng chảy đó. Những gì anh Bình, anh Nam đang ngày ngày phải đối mặt cũng là những khó khăn, nguy hiểm chung của người yêu và gắn bó với nghề thợ điện. Dù cực nhọc, nhưng khi ánh điện nơi vùng quê hay vùng sâu, vùng xa được thắp sáng, những lo âu, muộn phiền của họ dường như được nén lại. Họ cảm thấy hạnh phúc, nụ cười lại nở rạng rỡ trên bờ môi.
Thanh Bình