LTS: Trong cuộc sống ai rồi cũng sẽ tìm cho mình được một công việc, một nghề mà bản thân cảm thấy hứng thú, yêu thích và muốn cống hiến hết mình cho nó. Thế nhưng, sự thật đằng sau những nghề tưởng chừng thu nhập khủng, được nhiều người ngưỡng mộ ấy là cả những khó khăn, vất vả chỉ người trong cuộc mới hiểu. Nắm bắt được suy nghĩ đó, nhóm PV báo điện tử Người Đưa Tin đã thực hiện tuyến bài viết về các nghề, với hy vọng sẽ mang đến cho độc giả những cái nhìn chân, thực khách quan nhất về mọi nghề. Trong khuôn khổ một, hai bài viết có thể không khắc họa được hết nhưng cũng sẽ giúp quý độc giả hình dung rõ hơn về công việc đầy vất vả, khó khăn chính của nghề được nhắc đến. |
Ở những số trước, nhóm PV báo Người Đưa Tin đã giới thiệu đến độc giả chuyện nghề bán trà đá, trong tuần này, chúng tôi xin giới thiệu đến quý độc giả về nghề xăm hình.
Ai cũng nghĩ rằng, nghề thợ xăm đang “hái” ra tiền bởi hiện nay có rất nhiều bạn trẻ đang muốn phá cách, muốn “trạm trổ” lên cơ thể mình. Họ sẵn sàng bỏ ra hàng chục triệu đồng để có bức hình xăm đẹp, độc và lạ.
Tuy nhiên, chỉ nhìn bên ngoài thì không thể biết được, để trở thành thợ xăm “xịn” kiếm được tiền thì không ít người phải đổi lại bằng mồ hôi, nước mắt, sự nhẫn nại và rào cản của gia đình.
Chúng tôi tình cờ biết được Ngô Quang Trung (24 tuổi, Quảng Ninh) qua một người bạn đã được chính tay Trung cho bức hình khá bắt mắt. Trung sinh ra trong một gia đình bố mẹ đều là công chức, lại là con một nên Trung luôn nhận được sự yêu chiều của bố mẹ.
Họ đã định hướng cho chàng trai phải đi theo một khuôn mẫu, làm công việc trong môi trường chuyên nghiệp và có tính ổn định. Thế nhưng, Quang Trung đã phá cách làm trái ý nguyện của cha mẹ, từ bỏ ngành kiến trúc và quyết định làm thợ xăm tại Hà Nội.
Chia sẻ với PV về cơ duyên đến với nghề, Quang Trung cho hay tiệm xăm hình của anh được mở hơn 3 năm nay. Vì thích vẽ từ nhỏ và có đôi lần thấy bạn xăm hình nên Quang Trung tò mò đã tìm hiểu, càng tìm hiểu anh càng thích, càng đam mê và anh quyết định từ bỏ nghề kiến trúc sư để theo đuổi nghề xăm hình.
Quyết định đó với Quang Trung vô cùng khó khăn, bởi Trung cho biết bố mẹ luôn kỳ vọng ở anh rất nhiều.
“Ban đầu khi làm nghề xăm mình giấu hoàn toàn đối với bố mẹ, không dám công bố vì sợ họ sẽ sốc. Xăm giấu giếm nên mình cũng gặp nhiều khó khăn lắm như không dám đăng status liên quan đến xăm hình lên facebook, khoản đầu tư trang thiết bị phục vụ cho một hình xăm đẹp cũng thiếu thốn đủ bề...”, Trung trải lòng.
Những ngày đầu bắt tay vào làm nghề xăm, Trung làm trong âm thầm, không hé nửa lời với cha mẹ, vừa đi học vừa đi làm cho đến năm thứ 4, Quang Trung mới quyết định nói sự thật về nghề mà cậu đang làm cho bố mẹ. Khi ấy, Quang Trung cho hay không khí gia đình khá ngột ngạt, căng thẳng.
“Khi mình nói với bố mẹ về nghề xăm, mẹ mình phản ứng khá gay gắt còn bố thì suy nghĩ thoáng hơn nhưng không thích công việc mình làm. Có lần mẹ lên Hà Nội, ở với mình, trực tiếp thấy mình xăm cho khách, thấy việc của mình làm nghiêm túc, không xấu như lời đồn dần dần bố mẹ đã đồng ý cho mình theo đuổi đam mê cho đến ngày hôm nay”, Quang Trung cho biết.
Có sự ủng hộ của bố mẹ, chàng trai 9X càng có thêm động lực phấn đấu với nghề hơn. Suốt 3 năm theo nghề, Quang Trung không thể nhớ anh đã xăm cho bao nhiêu khách hàng, bao nhiêu vị trí chỉ biết rằng những vị trí khách yêu cầu xăm đều mang một ý nghĩa riêng...
Nhiều người vẫn thường cho rằng xăm hình là nghề có thu nhập cao, ổn định nhưng đằng sau đó còn là cả những câu chuyện, tình huống bi hài.
Mời độc giả đón đọc Chuyện nghề 5: Những tình huống bi hài của người làm nghề thợ xăm vùng ‘nhạy cảm’. Vào 7h ngày 25/2 trong chuyên mục Đời sống trên báo điện tử Người Đưa Tin. Nếu quý độc giả muốn chia sẻ về nghề của mình, vui lòng liên hệ với chúng tôi theo địa chỉ: tamsu@nguoiduatin.vn |
Cùng chủ đề:
>> Chuyện nghề 1: "Giấu" bằng cử nhân đi bán...trà đá
>> Chuyện nghề 2: Bán trà đá vừa nhàn, thu nhập lại "khủng"
Thanh Lam – Mai Thu