Trong khi hết đại gia này, đến đại gia khác tổ chức những siêu đám cưới, rước dâu bằng siêu xe nổ đình nổ đám khắp từ Bắc đến Nam, thì có một đám cưới ở vùng quê nhỏ bé Nghệ An cũng nổi không kém. Cô dâu được chú rể rước về dinh không phải trên chiếc xế hộp bóng loáng, tiền tỷ mà trên chiếc “siêu xe”... trâu kéo. Trong khi những "đám cưới khủng" bị dư luận công kích dữ dội thì trái lại, đám cưới nghèo này lại nhận được vô số lời chúc mừng từ những người không quen biết.
Màn rước dâu bằng xe trâu của chú rể Đào Văn Đức trong ngày hạnh phúc của mình
Màn rước dâu độc nhất vô nhị
Mấy ngày vừa qua, khắp cộng đồng mạng xã hội facebook, youtube xôn xao về clip rước dâu bằng xe trâu của một cặp đôi ở Nghệ An. Chính ngay như người viết, khi được cho xem riêng một bức ảnh chụp cứ ngỡ ảnh ghép cho vui, ai dè...có thật! Đám cưới có một không hai này chính là ngày hạnh phúc của đôi uyên ương Đào Văn Đức (Sinh năm 1990) và Hồ Thị Hoa (Sinh năm 1989), được tổ chức hôm 11/3 vừa qua, ngay dưới chân núi Đại Huệ, thuộc xóm 9, xã Nam Anh, huyện Nam Đàn (Nghệ An). Tìm về căn nhà nhỏ nằm cuối xóm, sát con đập làng, nhìn nụ cười rạng rỡ của đôi vợ chồng son này đủ để biết dư vị hạnh phúc vẫn đang rất đong đầy.
Chú rể tự trang điểm cho cô dâu Có một chi tiết mà không nhiều người biết là việc chú rể trổ tài tự trang điểm cho cô dâu của mình. Đức cười bảo: "Việc không thuê thợ trang điểm mà tự tay làm đẹp cho người mình yêu cũng không phải vì không có điều kiện để thuê chuyên gia, đơn giản là em muốn tự tay làm đẹp cho cô dâu của em thôi. Tuy chưa được chuyên nghiệp lắm, nhưng em cũng đã cố hết sức mình rồi". Nhìn nụ cười rạng rỡ của đôi vợ chồng trẻ, người viết cảm giác mùa hạnh phúc đã về tràn ngập căn nhà nhỏ. |
Chia sẻ về ý tưởng độc đáo của mình, chú rể cười bẽn lẽn: "Vì nhà Hoa chỉ cách nhà em có 500m, rước dâu bằng ô tô thì đường ngắn quá, đi vèo cái là hết, mà đi bộ thì thấy nó cứ bình thường thế nào. Rồi đột nhiên, từ suy nghĩ muốn mang lại một điều đặc biệt cho người đặc biệt trong ngày đặc biệt, em đã quyết định rước dâu bằng xe... trâu”.
Trong cuộc họp chuẩn bị cho đám cưới cách đây 1 tháng, Đức thưa chuyện với bố mẹ đẻ, bố mẹ vợ tương lai và cả cô dâu về ý định này nhưng hầu như không ai tin, cứ nghĩ đó chỉ là một câu đùa từ tính cách hóm hỉnh của cậu. Rồi đến một ngày, tất cả bỗng té ngửa, khi thấy cậu chàng lùi lũi dắt chiếc xe cưới đặc biệt ngoắc vào cổ trâu, cứ thế thẳng nhà cô dâu mà tiến. Khắp làng trên xóm dưới, bạn bè, họ hàng xa gần ùn ùn kéo đến xem cảnh rước dâu có một không hai này.
Trước đó 1 ngày, trong khi mọi người tất bật chuẩn bị dựng rạp, thì chủ rể xắn quần kỳ cọ tắm rửa cho... trâu và chiếc xe "ổ bi" (xe chuyện dụng để chở phân, chở lúa, ngô khoai lạc của nhà nông - PV), rồi thập thò bí mật trong nhà kho cả ngày. Nói về chiếc "siêu xe" mình dùng để rước cô dâu, chú rể hồ hởi kể: "Từ ý tưởng đến thiết kế, mua sắm đồ trang trí đều tự mình em làm, sau đó có sự trợ giúp của 4- 5 người bạn thân. Tất cả đều được làm bí mật trong nhà kho, chỉ có mấy người này và em biết mà thôi. Chiếc xe thiết kế cũng đơn giản, từ những cái có sẵn. Trên xe có một quả tim to được kết bằng tàu lá dừa, trang điểm vài sợi ruy băng và bóng màu. Chiếc xe độc đáo này cũng có mui được thiết kế bằng ô, gắn vào hai chiếc ghế gỗ. Còn hôm đó, sau khi được tắm rửa thơm tho, chú trâu mộng nhà em được trải khăn có đính hai chữ song hỉ hai bên".
Dẫu đơn giản lại cực kỳ tiết kiệm, nhưng với ý tưởng này, chú rể Đào Văn Đức đã đưa đến cho người phụ nữ đặc biệt của mình một món quà vô giá về tinh thần, nhìn nụ cười rạng rỡ của cô dâu khi chia sẻ những cảm xúc là thay cho mọi lời nói.
Đến giờ lành đã định, từ nhà kho, chú rể dắt trâu ra và tự mình dong xe sang nhà gái trước sự ngỡ ngàng của gia đình và quan khách. Tuy nhiên, không mất nhiều thời gian cho sự bất ngờ này, một tiếng huýt gió vang lên và tự nhiên, tất cả mọi người hò hét cổ vũ rầm rộ, khiến cô dâu chú rể ai nấy đỏ chín mặt, vừa ngượng ngùng vừa hạnh phúc. "Lúc bước ra khỏi cổng, thấy xe trâu thật em ngạc nhiên quá, cứ nghĩ anh Đức nói đùa thôi, ai ngờ được đón bằng xe trâu thật", cô dâu mới cười chia sẻ.
Kết thúc đẹp của một chuyện tình đặc biệt
Ông Hồ Viết Lam, bố cô dâu cho hay: "Hôm họp bàn chuẩn bị đám cưới, nó có đề xuất vậy, tôi cứ ngỡ đùa nên còn phụ họa theo bảo, hôm rước dâu nếu trâu không kéo được hai đứa bây (bay) thì sang cha cho mượn bò mà kéo, mọi người nghe xong còn cười vang cả nhà. Thế mà nó làm thật". Bà Hồ Thị Tư, mẹ chú rể cũng góp chuyện: "Lúc rước dâu tôi đang lúi cúi chuẩn bị dọn mâm trong nhà, nghe mọi người giục ra xem con trai đón vợ bằng xe trâu, tôi còn bảo mấy bà ấy đừng đùa. Sau thấy nhiều người bàn tán rầm rộ, tôi tất tả chạy ra thì thấy thằng con trai đang dong xe trâu sang đón vợ. Nhìn cũng lạ, nhưng thôi kệ, tuổi trẻ thích cái mới mà".
Ảnh cưới của đôi vợ chồng Đào Văn Đức và Hồ Thị Hoa
Nở nụ cười hạnh phúc nhìn chồng rồi Hoa thành thật chia sẻ: "Chưa bao giờ em thấy đường từ nhà mình sang nhà anh Đức xa thế. Suốt 500m đường về nhà chồng, miệng thì cười nhưng lòng thì nơm nớp sợ, lỡ đông người quá, trâu sợ mà lồng lên thì chẳng biết rước... đi đến đâu". Nghe vợ nói vậy, Đức cũng hóm hỉnh bật mí: "Lúc đầu thì mạnh miệng thế nhưng khi đưa vợ lên xe trâu em cũng rầy (ngượng) lắm. Đang đi trên đường, chú trâu mót quá chịu không nổi vô tư... một bãi khiến cô dâu chú rể cũng đoàn rước... cười ngặt nghẽo".
Cụ bà Nguyễn Thị Tam (75 tuổi)- bà nội cô dâu cười móm méo góp vui vào câu chuyện: "Sống gần hết đời mình rồi, đến hôm ấy tôi mới thấy có kiểu rước dâu lạ vậy". Còn chị Nguyễn Thị Hiền, hàng xóm với anh Đức cho biết: "Hôm đó đông vui lắm, đám cưới vừa dân dã vừa độc đáo. Tôi đứng xem rước dâu vừa thấy hay vừa thấy lạ. Được chứng kiến nhiều đám cưới rồi, nhưng về đến nhà mình, tôi mới thấy có một đám cưới độc đáo như thế".
Anh Hoàng Văn Tuấn, bạn chú rể thì hào hứng chia sẻ: "Hôm đó, nghe Đức nói cứ tưởng nó đùa, bọn em còn thách đố nữa cơ, thế mà nó làm thật. Giờ thấy cách đó lại hay, không chừng đám cưới em cũng sẽ làm theo cách của Đức luôn".
Dẫu đã đeo lên tay chiếc nhẫn cưới, nhưng đôi vợ chồng trẻ này vẫn ngại ngùng khi chia sẻ chuyện tình yêu của mình. Chú rể hóm hỉnh: "Tình yêu có từ nơi đâu em cũng không biết nữa. Nhưng hai đứa vốn lớn lên cùng nhau, Hoa hơn em 1 tuổi, nên gọi chị xưng em. Cũng không biết từ bao giờ tự nhiên em thấy nhớ bà chị của mình. Ngập ngừng mãi đến tháng 4/2010, em mới dám thổ lộ cùng cô ấy. Cứ tưởng bị từ chối, ai dè Hoa cũng có tình cảm với em, nhưng vì tuổi tác nên không dám bộc lộ. Thế rồi hai đứa dặn nhau không để cho ai biết chuyện này. Tháng 7/2010, chúng em cùng rủ nhau vào Nam làm ăn. Khi biết sống không thể thiếu nhau, chúng em quyết định về quê nói chuyện với gia đình”.
Ngày 2/12/2010, 2 bên gia đình qua nói chuyện người lớn. Năm ấy Đức mới tròn 20 tuổi, tuy nhiên, không ai nghĩ đó là một ý kiến bồng bột, mối tình trẻ con, bởi chàng Đức luôn tỏ ra là một người chín chắn, chững chạc.
Xe trâu bằng vạn lần... siêu xe "Theo tôi đám rước dâu bằng xe trâu đó rất là hay và độc đáo. Trong thời đại hiện nay, khi một bộ phận thanh niên mải mê theo đuổi những giá trị vật chất, sống lối sống thực dụng mà có đươc những thanh niên như vậy là rất quý. Họ hiểu được hạnh phúc đích thực chính là được xây đắp từ những tình yêu chân thành, sự cảm thông sâu sắc chứ không phải được đắp điếm bằng tiền bạc, những đồ trang sức đắt tiền, xe hơi xịn, đám cưới khoa trương... Hạnh phúc chính là ở trong ta, từ lòng yêu thương chân thành ta dành cho nhau và cho mọi người xung quanh. Tuy ý tưởng này rất giản dị, nhưng tôi nhìn thấy ở chàng trai này một bản lĩnh mạnh mẽ, dám nghĩ dám làm. Đám rước dâu này của anh không cổ lỗ tí nào. Nếu nói về góc độ văn hóa thì đây chính là văn hóa truyền thống dân tộc Việt. Người nông dân và con trâu vốn dĩ có sự gắn bó keo sơn ngàn đời. Đám rước dâu đã vẽ nên một bức tranh làng quê Việt Nam, giản dị, ấm áp, vui vẻ, đầy tình nghĩa gia đình, chòm xóm. Còn đối với những đám cưới rình rang trong thời gian qua chúng ta vẫn thấy trên mạng như rước dâu bằng siêu xe hay siêu đám cưới hàng chục tỷ của các đại gia, tôi thiết nghĩ: Nếu họ có dù chỉ một sự quan tâm thực lòng tới đời sống cộng đồng, tới xã hội còn rất nhiều những hộ dân nghèo, những em bé mồ côi không nơi nương tựa, những em bé bệnh tật hiểm nghèo mà cha mẹ không thể nào có đủ tiền chạy chữa... thì họ sẽ không tổ chức một đám cưới lãng phí đến như thế. Suy cho cùng, những đám cưới đó không mang tính đạo đức hay một giá trị văn hóa nào". Bà Hoàng Thị Quỳnh Anh - phó giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin & Du lịch Nghệ An |
PV