Chuyện của một nữ sinh viên Hàn Quốc
Chung Ae, sinh viên Hàn Quốc học ngành Thương mại tại Đại học RMIT làm việc cho một ‘lầu xanh’ tại Melbourne. Trẻ trung, ăn nói nhỏ nhẹ, bề ngoài trông cô giống nhiều sinh viên nước ngoài khác được cha mẹ chu cấp đầy đủ. Chung Ae chỉ là một trong nhiều khuôn mặt Châu Á hiện làm việc trong hệ thống các nhà chứa hợp pháp tại bang Victoria.
Có tới 25% nhân viên làm việc tại nhà chứa ở bang Victoria là sinh viên quốc tế. (Getty Image)
Theo điều tra của trang Bay vút (Úc), lý do phải bán thân là để có tiền đóng học phí cho ba năm đại học. Riêng học phí, mỗi năm cô phải đóng 14.000 đô-la Úc, chưa kể tiền phòng, chi phí ăn uống tốn thêm khoảng 10.000 đô Úc. Trước khi qua Úc, Chung Ae là sinh viên năm thứ nhất Đại học Kinh tế tại Seoul. Sinh ra trong một gia đình trung lưu, cha mẹ làm công chức nên cô và người em gái hầu như không thiếu thứ gì.
Cô tâm sự: “Tôi không muốn cha mẹ biết công việc tôi đang làm ở Úc. Tôi cũng không muốn bạn bè biết làm gì”. Khi đặt chân tới Melbourne, Chung Ae đã từng xin việc ở một số nơi. Tuy nhiên, do vốn tiếng Anh ít ỏi, cuối cùng cô không có nhiều chọn lựa. Sau ba tháng làm việc ở nhà hàng, cô xin nghỉ vì lương thấp. Khi hóa đơn tiền phòng, tiền học phí tiếp tục dồn tới, cô bắt đầu cảm thấy tuyệt vọng. “Rồi một ngày tôi đọc quảng cáo tìm việc trên một tạp chí. Đến phần nhà chứa quảng cáo tìm người, tôi dừng lại thật lâu và suy nghĩ – hay thử một chút xem sao. Ban đầu, tôi cũng hơi ngần ngại, tôi sợ công việc phải cởi bỏ quần áo trước mặt khách. Nhắm mắt lại và tôi làm đơn. Quyết định quá lớn, quá đột ngột”.
Chung Ae cho biết cô cảm thấy may mắn khi làm việc tại nơi kinh doanh thân xác có giấy phép. Ngoài thu nhập khá, cô còn được chủ và nhân viên đối xử tử tế. “Nơi tôi làm việc sạch sẽ và an toàn. Khách hàng khá lịch sự. Ông chủ đàng hoàng, trả lương đều”. Tại nhà chứa, Chung Ae làm việc cùng 6 phụ nữ khác. Bốn trong số người này cùng cảnh ngộ với cô. Họ là sinh viên quốc tế, sang Úc du học cần tiền để đóng học phí.
Theo Chung Ae, mỗi tối cô tiếp khoảng 3 người khách. Đôi khi hơn. Một tuần cô làm 5 buổi. Tính ra mỗi tuần cô kiếm được 800 đô Úc. Cô nhẩm tính có thể về sau cô chỉ cần làm ba tối một tuần là đủ. Khi hoàn tất khóa học, Chung Ae cho hay cô sẽ tìm việc trong ngành thời trang ở Melbourne.
1/4 nhân viên làm việc tại các nhà chứa là sinh viên quốc tế
Theo điều tra năm 2009 của Cơ quan Bảo vệ Người tiêu dùng tiểu bang Victoria, có tới 25% nhân viên làm việc tại nhà chứa là sinh viên quốc tế.
Người Châu Á, đặc biệt người Hoa gốc Hồng Kông, đang làm chủ nhiều nhà chứa tại Melbourne. Dựa trên trao đổi với cảnh sát và nhân viên Bộ Di trú, điều tra viên kết luận rằng một số sinh viên nước ngoài được nhận vào làm việc tại nhà chứa ngay sau khi họ đặt chân tới Úc.
Một cuộc điều tra công bố trên báo The Age vào cuối tháng 3 cho thấy có tới 6 trung tâm dịch vụ di trú đang tiếp tay cho các nhà chứa bất hợp pháp tại Melbourne. Những trung tâm này giúp các nhà chứa tìm kiếm phụ nữ Châu Á, trong đó có cả sinh viên quốc tế, làm việc tại 4 cơ sở khác nhau ở trung tâm Melbourne. Điều đáng chú ý ở đây là một số cô gái còn chưa đủ tuổi quy định để làm việc tại các cơ sở 'lầu xanh'.
Bên cạnh hàng ngàn gái mại dâm đón khách trong hệ thống nhà chứa ở Victoria, ước tính có khoảng 1700 “công nhân tình dục” có đăng ký với chính quyền tiểu bang và hoạt động một cách riêng rẽ. Những người này đón khách tại các địa điểm khác nhau, phần lớn là đưa về nhà. Phụ nữ làm việc dạng này chủ yếu đến từ Hàn Quốc, Thái Lan và Trung Quốc.
Một số người làm nghề mại dâm ở Victoria có thu nhập lên đến hơn 3.000 đô Úc một tuần và đa số nhận tiền mặt. Samantha hành nghề mại dâm ở Melbourne bắt đầu ‘đi khách’ từ năm 18 tuổi. Đến năm 20 tuổi, cô có ba căn nhà. Alice - một người mẹ đơn thân ở Fitzroy cho hay cô kiếm được khoảng 1.200 đô Úc/tuần. Cô làm việc ba buổi/tuần tại một nhà thổ danh giá ngay trung tâm Melbourne, tờ báo này tiết lộ.
Nguyễn Hùng