"Học sinh học kém, không chắc chắn, sợ trượt… nên họ phải đi mua phao. Biết là sai phạm nhưng vẫn vi phạm mà chẳng có cách nào dẹp bỏ được. Tôi cũng không hiểu, cách giáo dục thế nào mà học trò chỉ chăm chăm nghĩ đến phao, rồi chạy chọt mà không tập trung ôn luyện. Đó là chưa kể chuyện đổ xô đi “tăm” đề, rồi thông tin lộ đề, mua đề nọ kia cứ xôn xao trước mỗi kỳ thi", thầy Cương cho biết.
Theo PGS Cương, lật lại gốc rễ của vấn đề, có một số học sinh học lực tương đối khá nhưng vẫn “liều mình” ôm “phao” vào phòng thi. Hỏi ra các em ấy bảo, cứ cầm cho chắc ăn, gặp thầy khó thì “nằm im”, thầy dễ lôi ra chép để được điểm cao hơn. “Nếu quy chế được thực hiện nghiêm túc, mang “phao” vào phòng thi là bị bắt, bị đình chỉ chắc chẳng học sinh nào dám liều. Nhưng thực tế, một số trường, một số thầy cô không nghiêm túc, bao che cho học sinh để được lấy thành tích, để không mất lòng…”.
Nhà giáo lão thành này cũng kể lại trường hợp xảy ra tại các mùa thi trước đây. “Sau khi kết thúc kỳ thi, phao được vứt tràn lan ngoài cổng, sân trường. Một số hội đồng thi nói: “Nếu có phao thì vứt chỗ khác, không được vứt bừa bãi ra sân trường”. Thật nực cười! Năm sau, tưởng rằng phao thi bị dẹp nhưng thực tế, học sinh “tiêu hủy” chúng ở ngoài trường. Mỗi hội đồng thi thử đuổi vài học sinh vi phạm để làm gương xem, có ai còn dám vi phạm nữa không”, PGS Cương cho biết thêm.
Cô Hà Thị Phương Lan, phó hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn (quận Đống Đa) cho rằng: “Đây là việc làm vô bổ, không gì bằng sự nỗ lực của bản thân. Nếu các em không tập trung ôn, “phao” cũng không thể “cứu” các em được”.
Với một loạt thay đổi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay như: Không bắt buộc thi theo cụm, rút lại lực lượng thanh tra ủy quyền cắm chốt tại các hội đồng thi, bỏ chấm chéo... đồng thời với một kỳ thi có nhiều môn “học thuộc”, những lo ngại về việc sẽ xảy ra các “điểm nóng” cục bộ như thời gian trước khi Bộ GD&ĐT áp dụng các biện pháp nói trên không phải là không có cơ sở.
Trao đổi với Người đưa tin, ông Nguyễn Huy Bằng - Chánh thanh tra Bộ GD&ĐT khẳng định, việc thanh tra thi tốt nghiệp sẽ được tăng cường bằng lực lượng lưu động thay thế cho việc không có thanh tra cắm chốt tại các địa phương. Ông Bằng cho biết, đến thời điểm này các đoàn thanh tra này đã tới các địa phương với nhiệm vụ thanh tra công tác chuẩn bị thi, coi thi, chấm thi... Theo ông Bằng, năm nay chắc chắn sẽ xuất hiện những thủ đoạn gian lận trong thi cử tinh vi hơn. Do vậy, các đoàn thanh tra lưu động của bộ được giao trách nhiệm thực hiện một số hình thức nghiệp vụ không báo trước để ngăn chặn mọi hành vi tiêu cực, đặc biệt lưu ý thí sinh sử dụng “phao” thi, tăng cường giám sát hoạt động các hội đồng coi thi...
Ông Nguyễn Hiệp Thống, phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, đã rà soát từng khu dân cư để bảo đảm an ninh trường thi. Vì không có lực lượng thanh tra ủy quyền, không có thanh tra cắm chốt tại hội đồng sao in đề thi như mọi năm nên sở sẽ cử một cán bộ thanh tra và 1 cán bộ an ninh cùng giám sát công tác sao in đề tại hội đồng sao in đề thi. Sẽ có gần 450 thanh tra được cử làm nhiệm vụ để đảm bảo cứ 7 phòng thi có 1 thanh tra. “Do kỳ thi năm nay có một số môn yêu cầu học sinh phải nhớ các số liệu, các sự kiện và cũng có thể do tâm lý học sinh nghĩ rằng công tác coi thi sẽ phần nào lơi lỏng khi không có lực lượng thanh tra bộ nên chúng tôi càng phải làm quyết liệt hơn, tăng cường tập huấn nội quy, quy chế thi cho học sinh và giáo dục các em tuyệt đối không được vi phạm quy chế” - ông Thống khẳng định.
Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc - Trưởng ban Chỉ đạo và kiểm tra các kỳ thi của TP năm 2012 - đã chỉ đạo: Nghiêm túc nhưng không gây căng thẳng cho thí sinh, tạo mọi điều kiện tốt nhất để thí sinh phát huy năng lực.
Đức Kế - Anh Đức