Không ai là không hoảng hốt khi nhận thấy những dấu hiệu của tuổi tác bỗng dưng ập đến và mỗi ngày một rõ ràng hơn qua những nếp nhăn không ngừng tăng lên về số lượng, sức khỏe tụt dốc, bệnh tật ghé thăm... Nhưng không phải vì thế mà ngồi một chỗ gặm nhấm nỗi ám ảnh mơ hồ, đáng sợ về tuổi xế chiều; nhiều cụ già với một tinh thần cao hơn sức khỏe đã dấn thân vào những chuyến phượt không ít gian nan để tìm lại những năm tháng tuyệt vời thời trai trẻ.
Trên các cung đường "phượt" của tổ quốc, có không ít các gương mặt "phượt trẻ" và "phượt già"
Càng già càng dẻo dai
Xuất thân là lính lái xe nên cuộc đời của bác Trần Văn Khuê (Thanh Xuân, Hà Nội) luôn gắn liền với chiếc vô lăng và những chuyến đi trên từng cây số. Suốt thời kỳ tuổi trẻ của mình, bác Khê đã đi qua không biết bao nhiêu ngả đường trải dài từ Bắc chí Nam, đã chinh phục hầu hết các loại địa hình từ đồng bằng, duyên hải đến miền núi, trung du. Đã quen với việc luôn luôn dịch chuyển từ nơi này sang nơi khác, luôn sẵn sàng cho việc bắt đầu một chuyến đi, phản ứng cực nhanh mỗi khi nghe đến chuyện lên đường cho nên thời gian nghỉ hưu quanh quẩn ở nhà đối với bác Khuê thật sự là một bi kịch.
Thấy bác Khuê lúc nào cũng ủ ê như người mất hồn với bộ mặt quàu quạu, thỉnh thoảng lại cáu giận vô cớ, gây sự với vợ con, chính người vợ đã từng mong ngày mong đêm đến lúc chồng được nghỉ hưu để sớm hôm bầu bạn đã động viên ông tham gia mấy câu lạc bộ chơi xe cổ ở Hà Nội. Mới đầu, bác Khuê tham gia hội xe đạp cổ. Nhưng đã quen hứng thú với những cảm giác tốc độ cao nên bác chuyển sang chơi xe máy, dòng xe Xã hội chủ nghĩa mà tiêu biểu nhất là những chú Minks dũng mãnh vang bóng một thời...
Vì hầu hết thành viên trong hội đều là thanh niên, những người đang ở vào cái tuổi sung mãn nhất, hừng hực nhất nên khi biết đoàn phượt sẽ có thêm một ông già 70 tuổi, ai cũng ái ngại. Phần thì lo cụ không theo kịp đoàn, phần lại lo giữa đường cụ lăn ra ốm… Nhưng cuối cùng, sau vài chuyến cùng anh em lên rừng xuống biển, bác Khuê đã trở thành người dẫn đoàn, một thành viên không thể thiếu trong mỗi chuyến đi. Và hình ảnh ông già tóc bạc ngồi trên xe “ba càng” phóng như bay trên khắp các nẻo đường Tổ quốc đã trở thành biểu tượng, sức mạnh tinh thần của cả hội xe.
Nhắc đến bác Khuê, Cường “Niva”, một tay chơi Minks kỳ cựu, một tay lái cứng cựa của hội xe trầm trồ thán phục: “Một khi cụ ấy đã ngồi lên xe thì chỉ còn nước căng tay căng mắt, tập trung cao độ mà bám theo nếu không muốn bị bỏ lại cả đoạn đường xa tít. Vì cụ Khuê có nhiều kinh nghiệm đường trường thời còn lái xe trong quân đội, thông thuộc mọi địa hình nên đi với cụ hiếm khi bị lạc, lại còn có cơ hội khám phá thêm cả những cung đường đẹp, lạ không thể tìm thấy trên bản đồ.”
Chính trong những chuyến phượt vừa để tìm hiểu về quê hương đất nước, khám phá những miền đất lạ vừa kết hợp chơi xe, trải nghiệm cùng chiếc xe yêu quý của mình, bác Khuê đã tìm thấy niềm đam mê thực sự. Tôi vô tình gặp bác Khuê cùng các thành viên trong đoàn vừa trở về sau một chuyến phượt Hà Giang với bộ quần áo bám đầy bụi đất, dính bết mồ hôi nhưng khuôn mặt vẫn tươi cười biểu lộ niềm hạnh phúc của người chiến thắng.
Nói về chuyến đi, bác Khuê gật gù: “Nắng gió, bụi đường, con người, cảnh vật... đó chính là thứ tôi cần. Những người như tôi, thật sự cần những chuyến đi như thế này để được sống lại với những năm tháng của tuổi trẻ, đốt cháy lại nhiệt huyết của thời xuân xanh và quan trọng là để nhận ra mình không hề già!”
Đi để biết mình đang “sống”
“Cuộc đời là những chuyến đi. Khi không đi nữa là khi không còn!”. Đó là câu khẩu hiệu tâm huyết nhất của “gã” trai 65 tuổi độc hành Nguyễn Nam, một người được dân phượt tôn là phượt “quái”, phượt “khủng”, “trùm” phượt và một số khác quen gọi bằng cái tên bình dị Nam “râu”. Có người nhận xét nếu vẽ chân dung “gã” phượt “quái” này sẽ vô cùng tốn mực bởi vì đến 1/2 diện tích của bức chân dung của ông sẽ được bao phủ bởi râu.
Cách đây 5 năm, ông vẫn chưa hề biết phượt là gì. Ở tuổi 60, ông Nam “râu” vẫn giúp các con điều hành 2 công ty kinh doanh lớn và chơi thân với nhóm bạn đồng hương 5 người hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Họ gắn bó với nhau từ thời quân ngũ, cùng nhau vượt qua những khó khăn trong cuộc sống, tương trợ nhau bất cứ khi nào cần đến sức mạnh của tình bạn. Nhưng rồi từng người, từng người một cứ thế rủ nhau đi về thế giới bên kia, chỉ còn lại mình “gã” Nam “râu” trơ trọi giữa cuộc đời. Quá đau khổ trước những mất mát quá lớn, thường xuyên gặp phải những cơn ác mộng về cái chết, ông đã hoàn toàn suy sụp sau một trận ốm thập tử nhất sinh.
Trong trí nhớ của “gã” phượt “quái”, đó là khoảng thời gian tồi tệ nhất trong cuộc đời, không còn thiết tha một thứ gì trên thế gian, cảm thấy tất cả mọi thứ xung quanh đều trở nên vô vị, đáng ghét. Sau nhiều ngày suy nghĩ, Nam “râu” quyết định sẽ... chết. Nhưng trước khi chết, người đàn ông 65 tuổi này muốn đưa những người bạn thân thiết nhất của mình trở lại Quảng Nam, quê hương yêu dấu của họ một lần cuối trong đời.
Nghĩ sao làm vậy, bỏ lại sau lưng công việc, gia đình, phố phường chật chội, chỉ mang theo một chiếc ba lô con cóc đựng vài bộ quần áo, ít lương khô... và không thể thiếu những bức ảnh chân dung của những người bạn đã cùng mình vào sinh ra tử, Nam “râu” lên đường cùng một chiếc Honda 67 gợi nhớ nhiều kỷ niệm chung của nhóm, dọc theo đường mòn Hồ Chí Minh làm một chuyến tìm về quá khứ.
Dọc đường về quê cũ Quảng Nam, những cảnh đẹp mê hồn khiến Nam “râu” không thể làm ngơ. Những xóm làng duyên dáng ẩn mình trong bảng lảng khói sương huyền ảo đến mê hoặc đã khiến người lính già bị cuốn hút. Những phát hiện mới mẻ trong hành trình ngày càng hấp dẫn ông hơn, khiến ông nguôi ngoai nỗi nhớ bạn.
Sau những ngày rong ruổi dọc Trường Sơn, lang thang khắp các ngả đường ngang dọc, Nam “râu” bắt đầu thấy hứng thú trong vai một khách độc hành thong dong du hí trên chiếc xe 67 bền bỉ vượt thời gian.
Dương Dung
(Còn nữa)