Nhiều người nói, bé Đỗ Nhật Nam là con nhà nòi, được kế thừa tố chất của bố mẹ, đều là giảng viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội (bố Nam là Tiến sĩ Ngôn ngữ học, mẹ Nam là giảng viên Khoa Giáo dục đặc biệt), nên việc Đỗ Nhật Nam rất thông minh và nổi tiếng bởi khả năng ngôn ngữ đặc biệt của mình, không phải điều không lý giải được.
Tuy nhiên, để góp phần vào sự vượt trội về trí tuệ của Nhật Nam, không thể không nhắc đến vai trò của người mẹ, chị Phan Thị Hồ Điệp.
Chị Hồ Điệp kể, thời gian mang thai bé Nam là khoảng thời gian chị theo chồng sang Nhật, khi đó chồng chị - anh Đỗ Xuân Thảo đang giảng dạy tại Đại học Osaka. Chị Hồ Điệp kể, lúc đó chị chỉ ở nhà và tình cờ đọc cuốn sách về phương pháp thai giáo và thử áp dụng. Chị không quá kỳ vọng mình sẽ thành công mà gần như là một cách để mình đỡ buồn trong những ngày mang bầu.
Chị uống sữa, rất nhiều sữa, vì theo thai giáo, uống nhiều sữa sẽ bổ sung tốt những chất dinh dưỡng mà mẹ thiếu. Bất kể lúc nào không ăn được, chị cố gắng thay bằng sữa, dù cho việc uống sữa trong giai đoạn bị nghén cũng kinh khủng không kém việc ăn uống.
Chị luôn tin rằng hai mẹ con có thần giao cách cảm với nhau. Đứa trẻ ở trong bụng mẹ, chắc chắn sẽ có sự liên lạc với mẹ bằng một cách nào đó. Nên chị đặc biệt chú trọng đến việc nói chuyện với con, bất kể lúc nào, bất kể vui buồn.
Chị coi con như một người bạn, chứ không phải là một bào thai trong bụng. Chị kể cho con mọi chuyện, từ chuyện vui đến chuyện buồn, từ chuyện nhớ Việt Nam, đến chuyện nhớ ông bà, đến chuyện chị mong mỏi bé Nam ra đời như thế nào. Chị kể cho con chị đang dọn nhà, đang nấu ăn, đang rửa bát.
Khi chuẩn bị đi chợ, chị nhắc: “Con ơi, chuẩn bị dậy đi chợ”. Trên đường đi thấy cái gì hay, đẹp, chị cũng dừng lại miêu tả, giải thích cho con. Khi đến siêu thị, dù mua gì hay muốn con ăn gì cùng mẹ cũng miêu tả cho con nghe, chị miêu tả sao cho thật hấp dẫn và tin như vậy sẽ làm con thích những món ăn đó.
Sách thai giáo có nói khi mang bầu, mẹ nên nghe nhạc. Chị cũng dành thời gian để nghe nhạc. Nhưng sách thường nói là nên nghe nhạc cổ điển. Chị thì không cứng nhắc như thế. Chị nghĩ âm nhạc nào cũng có những cái hay, cũng có những ưu điểm, và mỗi người đều thích nghe một loại nhạc khác nhau, không nhất thiết phải là nhạc cổ điển.
Chị tin con chị cũng như chị, nên chị thích gì nghe nấy, đôi lúc nghe cả nhạc Rock, để thử xem biết đâu con sẽ nói cho chị biết đâu là loại nhạc con thích nhất. Có điều chị thường nghe vào một giờ cố định, để rèn thói quen cho con.
Chị Hồ Điệp nhớ lại, không biết có phải vì Nam cảm nhận được âm nhạc từ trong bụng mẹ không hay là do chị tưởng tượng mà chị thấy đến khoảng tháng thứ sáu, nếu hôm nào, chỉ cần đến giờ nghe nhạc mà chị chưa nghe là Nam đã đạp rất quyết liệt. Đến lúc mẹ bật nhạc lên nghe, Nam lại nằm im ngoan ngoãn.
Bất cứ ông bố, bà mẹ nào chị nghĩ cũng đều mơ ước về một tương lai đẹp cho đứa con của mình từ khi con còn trong bụng mẹ. Nhưng khi mang bầu, chị Hồ Điệp nghén kinh khủng, sức khỏe rất yếu. Mang thai Nam đến tháng thứ 3 thì chị ốm nặng.
Chính vì quãng thời gian mang bầu rất hãi hùng như thế, chị cũng có lúc nghĩ khôn nghĩ dại và chỉ cầu trời sao cho con mình sinh ra được khỏe mạnh, lành lặn. Anh Đỗ Xuân Thảo cũng luôn nói, chỉ cần khỏe mạnh thôi, khỏe mạnh và mẹ tròn con vuông. Vì thế mà khi sinh Nam xong, việc đầu tiên mà bố Thảo làm là cầm ngón tay lên đếm, rồi thở phào vì thấy con mình hoàn toàn lành lặn.
Cả bố Thảo và mẹ Điệp đều thực sự không kỳ vọng sau này con mình lớn lên sẽ thành thần đồng, thành dịch giả nhí nổi tiếng. Với anh chị, Nam lớn lên, khỏe mạnh, lành lặn, không ốm đau là vui rồi.
Chị Hồ Điệp kể, mùa đông ở Nhật rất khắc nghiệt và là một thử thách lớn với cả hai mẹ con chị. Nam bị bệnh về đường hô hấp nên mùa đông hay bị ốm. Mỗi lần Nam ốm, vợ chồng chị đều mất ăn mất ngủ. Những lúc đó, chị nhìn các bà mẹ Nhật, mà thấy ngưỡng mộ vô cùng.
Trong mắt chị Hồ Điệp, những bà mẹ Nhật Bản rất tuyệt vời. Họ yêu chồng con và phụng sự với một tình yêu lớn lao. Điều chị cảm phục là các bà mẹ Nhật rất chú trọng việc dạy con cách giữ thể diện của bản thân khi ở nơi công cộng hay nói cách khác là dạy con biết tôn trọng người khác.
Trong công viên, khi một đứa trẻ giành đồ chơi của trẻ khác, các bà mẹ Nhật sẽ ngay lập tức bắt con dừng lại chứ không cho phép trẻ tự giải quyết theo kiểu, bạn nào nhanh tay hơn sẽ được.
Các bà mẹ cũng rất bản lĩnh khi chăm sóc con. Họ không hề lo lắng (hoặc cố tỏ ra không lo lắng) khi con bị ngã. Trời lạnh nhưng họ không mặc nhiều quần áo cho con mà để trẻ cứ tự chơi lăn lê bò toài trên sân.
Chị Hồ Điệp đã thực sự rất ấn tượng khi nhìn cảnh những bà mẹ trùm khăn, áo, mũ kín bưng, xuýt xoa co cụm nói chuyện với nhau trong khi những đứa con ăn mặc đơn giản, thậm chí là quần cộc chơi cát trên sân với nhau.
Ở Nhật, hàng sáng, chị vẫn thường đứng từ trên ban công nhìn những em nhỏ mặc quần đùi, trong gió rét xếp hàng đứng đợi xe đến lớp. Các em ấy đều từ những ngôi nhà biệt thự quanh đó, có xe hơi xịn, nhưng vẫn tự đến trường. Những hình ảnh ấy tác động đến chị rất nhiều khi dạy con sau này.
Mỗi lần bé Nam ốm, hay mỗi lần bối rối trong cách dạy con, chị đều nghĩ đến câu chuyện của các bà mẹ Nhật, mà dặn mình phải là một bà mẹ dù tình cảm, nhưng cũng phải đủ cứng rắn, can đảm, để rèn luyện con sống mạnh mẽ, tự lập, không phụ thuộc vào cha mẹ.
> Trước khi là thần đồng, con đã biết yêu thương
Quang Đản