Con tàu định mệnh
Tháng 12/1950, khoảng 14.000 người tị nạn Triều Tiên đã lên tàu thủy SS Meredith Victory của Mỹ cập bến tại cảng Hungnam ở Triều Tiên. Chỉ vài giờ trước khi các lực lượng của Trung Quốc và Triều Tiên tiến vào khu vực này, thuyền trưởng Leonard LaRue đã ra lệnh bỏ dỡ hết các vũ khí và nguồn cung cấp quân sự từ trên xuống, để đưa được nhiều người tị nạn rời khỏi đây sớm nhất có thể.
Cha mẹ của Moon Jae In nằm trong 14.000 người tị nạn đã tới đảo Geoje ở tỉnh Nam Gyeongsang vào dịp Giáng sinh năm 1950.
Và 3 năm sau đó, ngày 24/1/1953, ông Moon Jae In được sinh ra, chỉ vài tháng trước khi chấm dứt cuộc chiến tranh Triều Tiên. Ông vẫn còn nhớ cuộc sống thuở ấu thơ của mình khó khăn cực nhọc như thế nào. Cha mẹ ông phải làm việc ngày đêm, nhưng cuộc sống vẫn thiếu thốn.
Thuở nhỏ, ông Moon Jae In thường phải tới các nhà thờ Công giáo đợi để lấy bột ngô và lúa mì. Dù không yêu thích, nhưng ông Moon Jae In vẫn hăng say làm công việc này bởi đơn giản ông thích được gặp các nữ tu. Trong mắt ông khi đó, các nữ tu rất đáng kính vì họ luôn giúp đỡ ông. Cuộc sống sang giàu là điều ông chưa từng biết đến.
Chính vì thế khi bước vào trường trung học Gyeongnam ở Busan, ông Moon đã rất sốc khi thấy những người bạn giàu có, dùng nhiều loại đồ ăn và sống trong những ngôi nhà sang trọng. Khi đó, ông bắt đầu nhận thấy sự bất bình đẳng trong xã hội.
Cha ông là người ít nói, nhưng thường chia sẻ quan điểm chính trị với gia đình và điều này ít nhiều ảnh hưởng đến quan điểm sau này của ông.
Năm 1972, ông Moon Jae In theo học Luật tại trường đại học Kyung Hee. Ông là người đi đầu phong trào biểu tình của sinh viên và từng bị bắt giam ở Seoul. Tuy nhiên, ông chưa bao giờ hối tiếc về điều đó. Ngược lại, ông còn nghĩ mình là người may mắn vì đó là nơi ông gặp Kim Jung-sook, người trở thành vợ của ông sau này.
Ngày đó, ông Moon bị trấn áp bằng súng hơi nước và ngất xỉu lập tức. Khi tỉnh dậy, ông thấy mặt mình được đắp khăn lạnh. Người cứu ông lúc này không ai khác chính là Kim Jung-sook. Tình yêu giữa họ nảy nở không lâu sau đó.
Từng hai lần bị bắt vì tham gia biểu tình
Trong suốt sự nghiệp thăng trầm của ông Moon, từ khi còn là một nhà hoạt động sinh viên, cho tới khi trở thành một luật sư nhân quyền, phụ tá Tổng thống, bà Kim luôn ở bên cạnh chồng mình, yêu thương và cố vấn cho ông Moon.
Là một người có hoài bão lớn, ngay cả khi đang ngồi tù lần hai vì tham gia cuộc biểu tình phản đối chính quyền của Tổng thống Chun Doo Hwan, ông Moon Jae In vẫn đăng ký tham gia kỳ thi luật và vượt qua kỳ thi này vào năm 1980. Tuy nhiên, ông vẫn bị đánh trượt trong quá trình xét tuyển lý lịch để trở thành thẩm phán, vì quá khứ từng là nhà hoạt động sinh viên chống chính quyền. Khi đó, bà Kim vẫn luôn ở bên cạnh chồng, giúp ông vượt qua những thử thách trong sự nghiệp.
Bà Kim là người cởi mở và dễ mến. Các trợ lý của ông Moon nói rằng, chính tính cách đó của bà Kim đã giúp làm dịu bớt cá tính có phần khô cứng của tân Tổng thống Hàn Quốc.
“Chồng tôi từng nói rằng sau khi trở thành Tổng thống, ông ấy muốn có thể đi qua (Quảng trường) Gwanghwamun trên đường trở về nhà mỗi ngày để có thể uống một chút rượu soju với mọi người. Giống như ông ấy, tôi cũng muốn đi mua sắm ở các cửa hàng tạp hóa trong chợ Namdaemun, giống như bao người khác”, đệ nhất phu nhân Kim Jung-Sook chia sẻ về chặng đường tiếp theo.
Xem thêm >> Ý đồ khủng khiếp của Triều Tiên sau vụ thử tên lửa mới nhất
Đào Vũ