Chuyên trục vớt ghe, tàu đắm trên dòng sông Ngã Bảy

Chuyên trục vớt ghe, tàu đắm trên dòng sông Ngã Bảy

Thứ 5, 27/12/2012 23:41

– Người đàn ông không nhà cửa, không đất đai, cũng chẳng có ruộng vườn, chỉ có một chiếc ghe để lội, bơi khắp dòng Ngã Bảy suốt 35 năm qua. Điều đặc biệt ở anh chính là nghị lực vượt lên chính mình, chỉ bằng một chân còn lại anh có thể lặn sâu tới 40m để trục vớt các ghe, tàu không may bị đắm. Mọi người cảm phục, trìu mến nên đặt cho anh biệt hiệu: "Kình ngư trên dòng Ngã Bảy".

Tai họa cuộc đời

Nghe tiếng "Kình ngư Ngã Bảy" nức tiếng khắp vùng, chúng tôi tìm tới Ngã Bảy (nơi gặp nhau của bảy dòng kênh, thuộc Khu vực 1, P.Ngã Bảy, TX.Ngã Bảy, Hậu Giang) để diện kiến anh Hồ Tân vào một buổi trưa nắng cháy da người. Song, để tìm thấy anh chúng tôi phải hỏi thăm rất nhiều người, đi rất nhiều con hẻm ngang dọc vì nơi đây chính là khu chợ Ngã Bảy vang tiếng nhộn nhịp vào bậc nhất đồng bằng sông Cửu Long.

Anh Hồ Tân, ngụ trong con hẻm Sáu Nhuộm, nằm sâu phía trong khu chợ. Cái ghe nhỏ tồi tàn là phương tiện duy nhất đã theo anh mưu sinh suốt 35 năm qua đậu lọt thỏm dưới bờ kênh đang được kè đá. Anh xuất hiện trước mặt chúng tôi với dáng khập khiễng và nước da đen thui vì cháy nắng.

Anh Hồ Tân, sinh năm 1960, trong một gia đình có đến 9 anh, chị em. Hồ Tân là con thứ năm trong gia đình. Nhà nghèo, lại đông anh em nên khó khăn càng thêm chồng chất hơn trong cuộc sống thường nhật của gia đình anh. Thế nhưng, Hồ Tân vẫn lớn lên và khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác trong vùng.

Năm cậu bé Tân được 4 tuổi, bất hạnh đã ập đến với anh khi mắc phải căn bệnh sốt bại liệt quái ác vì một mũi chích thuốc (tiêm thuốc) nhầm mà đến ngày nay anh không thể nhớ lại là thuốc gì. Cả nhà dù rất cố gắng đưa anh đi điều trị, nhưng cũng không thể giúp anh vượt qua cơn bạo bệnh. Cái chân trái của anh dần dần teo tóp sau những cơn đau quần quại và rồi liệt hẳn. Vì quá nghèo, gia đình lại tốn khá nhiều tiền của để chạy chữa nên Hồ Tân không được đến trường. Anh bảo: "Lúc đó gia đình tôi đủ ăn là mừng lắm rồi chứ tiền của đâu mà cho đi học, ngặt nỗi cái chân đau liên miên, trường lại xa nhà nên tôi cũng thấy phiền".

Pháp luật - Chuyên trục vớt ghe, tàu đắm trên dòng sông Ngã Bảy

Anh Hồ Tân luôn túc trực bên chiếc ghe nhỏ của mình

Lúc 17 tuổi, chàng trai trẻ Hồ Tân bắt đầu học bơi trên dòng sông anh sinh ra. Phải đến nửa năm sau anh mới biết bơi và lặn thành thạo. "Cứ chiều về, hết anh trai, chị gái lại đến ba mẹ kèm cặp, dạy tôi học bơi, học ngụp lặn. Ban đầu xuống nước, người tôi cứ chìm nghỉm vì không giữ được thăng bằng, uống no nước không biết bao nhiêu lần mới thành công", anh Hồ Tân nhớ lại.

Một lần theo bà con đi trục vớt chiếc ghe chở trái cây bị đắm ở gần nhà, Hồ Tân được mọi người khen thưởng và được chủ ghe "hậu tạ" bằng vài món đồ. Về nhà anh cứ trằn trọc suy tư: "Nếu vớt đồ cho người ta mà được trả bằng tiền thì chẳng phải cũng là một nghề để "kiếm cơm" hay sao, sống phải dấn thân mới biết khả năng mình đạt đến mức độ nào được chứ...". Sau này, cứ có vụ đắm ghe, tàu nào ở địa phương là có mặt Hồ Tân. Cũng từ đó, anh bắt đầu gắn bó với nghề thợ lặn, vớt tài sản cho các ghe, tàu bị nạn cho đến nay.

Làm nghề gì cũng cần phải có chữ tâm, chữ tín

Chúng tôi ngồi uống nước bên góc con hẻm Sáu Nhuộm, anh Hồ Tân liên tục nhắc tới chữ tâm và chữ tín trong công việc. Anh bảo, mình phải có chữ tín mới khuất phục lòng người, còn chữ tâm thì để phải với lòng mình, làm việc gì cũng không hổ thẹn với lương tâm. Cái nghề trục với ghe, tàu này phải tận tâm, tận lực thì người ta mới biết đến mà thuê, nếu làm bâng quơ kiểu ăn mót, ăn chặn của cải của người ta thì không sống được.

Anh Nguyễn Thanh Thảo, một người dân địa phương cho chúng tôi biết: "Nghề thợ lặn rất nguy hiểm, những người bình thường khỏe mạnh muốn làm nghề này còn khó, huống chi anh Hồ Tân lại bị liệt một chân. Song, dù tật nguyền nhưng anh ấy lại lặn rất giỏi, làm việc có tâm, có tín nên được mọi người rất yêu mến. Tính đến nay, Hồ Tân đã lặn vớt tài sản cho hàng ngàn ghe, tàu không may bị nạn trên các tuyến sông và trở thành tay thợ lặn nổi tiếng khắp vùng Ngã Bảy".

Được anh Hồ Tân cho biết, chúng tôi hiểu về cách thức lặn ở mỗi chỗ, mỗi nơi trên sông khác nhau. Nếu ghe, tàu đắm ở khúc sông nông (khoảng 2 đến 4 mét) thì anh lặn không cần bình dưỡng khí, còn nếu sâu hơn thì ngược lại. "Với một ống thở bằng nhựa ngậm trong miệng và một chiếc máy bơm nhỏ để trên ghe, tôi có thể lặn sâu hàng giờ dưới đáy sông để làm công việc vớt tài sản của các ghe, tàu bị chìm. Hồi trẻ, tôi lặn ngụp trục vớt ghe, tàu ở khắp nơi, cứ hễ ai gọi là đi, dù là ở Sóc Trăng, Bạc Liêu hay Cần Thơ. Tôi từng lặn chỗ sâu nhất là 40m, còn thông thường là từ 12 đến 25m", anh cho biết thêm.

Giờ đây, mỗi khi có ghe, tàu không may bị chìm, mọi người đều tìm đến anh Tân. Những lần như thế, anh được trả công năm, bảy chục ngàn đồng. "Có lần, một chiếc ghe bị chìm, tài sản đều mất hết, tôi chỉ vớt lên được vài thứ lặt vặt. Nhìn chủ ghe ngồi khóc mà thấy xót, mình khổ một, người ta gặp nạn khổ đến mười. Nghĩ vậy, nên tôi trở về mà không lấy tiền công. Ở đời, có tín, có tâm thì mới sống được chú à" - anh Tân chia sẻ. Do sống có tình, có nghĩa nên anh Tân được mọi người xung quanh nể phục và thương mến. Biết anh nghèo khó, nên thỉnh thoảng họ lại biếu anh chút gạo, mớ rau, chai mắm...

Pháp luật - Chuyên trục vớt ghe, tàu đắm trên dòng sông Ngã Bảy (Hình 2).

Hạnh phúc đơn sơ

Chính nghị lực vượt lên chính mình của anh đã khiến cô gái bán bông gòn gần ghe của anh cảm phục và đem lòng yêu quý. Nhớ lại thời mộng mơ, anh kể: "Hồi đó, dù không biết chữ nhưng cũng thuộc vài ba câu vọng cổ để diễn ca trong những đêm trăng sáng ngồi nhậu với bạn bè. Nhiều khi đang làm cũng ca chơi cho thêm sinh khí làm việc. Ấy vậy mà vợ tôi siêu lòng. Chẳng dám giấu, ngày đó, cô ấy bán bông gòn và một vài thứ lặt vặt bên cạnh ghe của tôi. Thấy tôi chịu thương, chịu khó nên cổ yêu. Sau 4, 5 năm tìm hiểu chúng tôi mới nên vợ thành chồng".

Nhắc tới chuyện tình của mình trên dòng sông Ngã Bảy, anh Hồ Tân cứ ái ngái mà cười tủm tỉm: "Tôi lấy được vợ cũng là cái hên thôi. Mình hên thì được gặp người ta, "thả câu" thế nào "cá" lại cắn thật. Sau này về ở với nhau rồi, vợ tôi vẫn bông đùa rằng thấy tật nguyền mà có tài hơn người, em khoái nên nhảy vô đúng không".

Thời gian đầu có vợ, anh thấy hạnh phúc đến với mình quá bất ngờ. Anh bảo: "Cuộc đời tôi như thế là quá đủ rồi. Mình tật nguyền mà có người chịu lấy làm chồng âu cũng là cái ơn trời ban". Vì thế, anh càng chăm chỉ làm việc hơn để vun đắp niềm hạnh phúc trong gia đình nhỏ của mình. Vì công việc, vợ anh cũng rày đây mai đó, cứ lênh đênh trên sông nước tới cả tháng trời hai người mới gặp nhau.

Lấy nhau đến năm thứ 7, hai vợ chồng anh Hồ Tân mới sinh được một cô con gái xinh xắn và ngoan ngoãn. Anh cho biết, hiện tại con gái anh đang học lớp 7 và ở cùng với mẹ dưới huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng), mỗi tháng hai mẹ con lên thăm anh một đôi lần. Do công việc ngày càng khó khăn, đến 2, 3 tháng mới có một vụ nhờ anh trục vớt nên từ đầu năm anh chưa "về dưới" thăm vợ được". “Hai mẹ con nó thường lên thăm tôi vào sáng thứ 7, đến chiều chủ nhật thì về lại nên nhiều lúc cũng nhớ lắm", anh tâm sự.

Khi chúng tôi hỏi, Tết Nguyên Đán sắp tới anh định đón xuân trên chiếc ghe này luôn hả? Không do dự, anh trả lời liến thoắng: "Đâu có, phải về với vợ con chứ. Tuy còn nhiều khó khăn nhưng năm nào chúng tôi cũng quây quần bên nhau để chào đón năm mới, gia đình là nơi nhiều yêu thương nhất của con người mà...", nói xong anh lại cười khúc khích.

Nhất nghệ tinh

Anh Hồ Tân cho biết, khó nhất là trục vớt những ghe, tàu lớn chở đá (đá làm đường) vì ghe nặng nên chìm sâu và bám chặt với đáy sông hơn ghe thường. Cách để lặn sâu của anh là nhờ vào neo hoặc nhờ bạn bè, đồng nghiệp buộc sợi dây thừng to và chắc với chiếc ghe trên mặt nước mà theo dây lặn xuống mới tiếp xúc được. Vì nếu dùng lực một chân của mình mà đẩy cả cơ thể lặn xuống chỗ sâu rất mất sức. Khi xuống rồi phải tinh nhạy, chỗ nào vững chắc thì làm điểm tựa vớt đồ, chỗ nào mục thì bỏ hoặc làm sau, tránh những tai nạn có thể xảy ra vì xuống dưới đó phải nhắm mắt do nước sông bây giờ rất ô nhiễm. Trước khi trục vớt phải tìm hiểu thật kỹ về chiếc ghe hoặc con tàu bị đắm để hình dung vị trí đồ vật cần trục vớt ở dưới đó phân tán ra sao mà làm.

Đăng Văn


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.