Bên cạnh con đường tơ lụa trên cạn, băng qua sa mạc với những đàn lạc đà, ngựa thồ… tiền nhân đã hình thành một con đường giao thương song song trên biển. Con đường này bất chấp phong ba bão tố, hay những cuộc chiến tranh giữa các vùng, giữa các nước…
Từ con tàu trong lòng biển Cù Lao Chàm
Đầu năm 1990, trong khi đánh bắt cá ở vùng biển Hội An, ngư dân đã phát hiện một con tàu cổ chở đầy đồ gốm bị đắm ở ngoài khơi, cách đảo Cù Lao Chàm, tỉnh Quảng Nam khoảng 20km về phía Đông. Lúc này họ không hề biết giá trị hiếm có của nó, nên mang bày bán đầy vỉa hè Hội An như những vật lưu niệm rẻ tiền. Lâu dần một số dân chơi cổ ngoạn phát hiện và ra sức lùng mua đẩy giá lên trời. Phần lớn số hiện vật gốm sứ cổ này sau đó được xác định sản xuất tại trung tâm gốm Chu Đậu – Hải Dương (Việt Nam) vào khoảng thế kỷ 15. Những ngày này, phố cổ Hội An như dậy sóng. Trên bờ thì giới buôn đồ cổ vào từng nhà, lùng từng chiếc bình gốm nhỏ mua vét đến tận cùng; dưới biển, ngư dân bỏ đánh cá, dùng lưới rê càn quét. Hàng vạn đồ gốm quý giá lành, vỡ được nâng niu và nhanh chóng đưa ra bán ở thị trường thế giới.
Ngay sau đó, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Viện Khảo cổ học, Bảo tàng Quảng Nam… liên kết với Công ty Saga (Malaysia) tổ chức khai quật khảo cổ dưới nước. Thực tế là tổ chức khai quật trục vớt số đồ gốm Chu Đậu và con tàu đắm. Suốt hai năm khai quật (1997 - 1999), các bên đã đưa lên khỏi lòng biển xác một con tàu cổ bằng gỗ tếch dài 29,4m, nơi rộng nhất là 7,2m, đóng vào khoảng thế kỷ XV. Lòng tàu chia làm 19 khoang, là một trong những chiếc tàu đắm lớn trong lịch sử châu Á. Ngoài ra vô giá hơn cả là hơn 240.000 hiện vật nguyên vẹn, chủ yếu là đồ gốm sứ Chu Đậu đã được vớt lên, gây chấn động cả thị trường gốm sứ cổ thế giới lúc bấy giờ. Ngoài ra, trong số này còn số ít đồ gốm Trung Quốc, Thái Lan và gốm Chăm.
Việc khai quật và nghi